“Địa chấn” trên chính trường Malaysia

14:54 | 16/05/2018

1,422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiến thắng bất ngờ của Liên minh đối lập do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo hôm 9/5 trước Mặt trận Dân tộc Barisan Nasional (BN) của đương kim Thủ tướng Najib Razak đã mở ra một thời kỳ mới trong nền chính trị Malaysia.  
dia chan tren chinh truong malaysia
Tân Thủ tướng của Malaysia Mahathir Mohamad

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, liên minh đối lập do cựu Thủ tướng Mohamad Mahathir, ngoài 90 tuổi lãnh đạo, đã giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Liên minh Pakatan Harapan gồm bốn đảng của ông Mahathir giành chiến thắng tại các bang Johor, Melaka, Selangor, Negeri Sembilan, Perak, Kedah và Penang. Trước cuộc tuyển cử, Pakatan Harapan chỉ kiểm soát hai bang là Selangor và Penang. Ông Mahathir Mohamad, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia nhiệm kỳ mới vào tối 10/5 theo giờ địa phương.

Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat có tiêu đề “Cơn đại hồng thủy chính trị mới của Malaysia”, tác giả Ueda cũng nhận định bên cạnh việc mất lòng dân của cựu Thủ tướng Razak vốn chìm trong các tai tiếng về tham nhũng và chi phí sinh hoạt tăng cao, một nhân tố quan trọng trong chiến thắng bất ngờ này của Liên minh đối lập Pakatan Harapan (trong tiếng Malaysia có nghĩa là Liên minh Hy vọng) là vai trò của ông Mahathir Mohamad.

Ông Mahathir Mohamad, người từng lãnh đạo BN và là thủ tướng Malaysia liên tiếp trong 22 năm, đã chỉ trích chính phủ do Thủ tướng Najib Razak đứng đầu. Ông Mahathir, năm nay 93 tuổi, từng là người đỡ đầu cho ông Razak lên làm thủ tướng sau khi ông về hưu, được xem là “người cha của nước Malaysia hiện đại” và vẫn được người dân nước này rất tôn trọng. Bài viết của Ueda dẫn lời một cử tri vốn là một ủng hộ viên lâu năm của BN trên đảo Langkawi thuộc bang Kedah, nơi ông Mahathir ra ứng cử một ghế vào Quốc hội, nói: “Tôi bầu cho phe đối lập lần đầu tiên trong đời bởi vì tôi tôn trọng Ngài Mahathir” và rằng “Mahathir đã đóng góp vào sự phát triển không chỉ của hòn đảo này mà là của cả đất nước”.

Nhà quan sát chính trị Malaysia kỳ cựu Bridget Welsh nói rằng kết quả bầu cử vừa qua là sự quay lưng lại với ông Razak cũng như vì cử tri Malaysia đang trở nên chín chắn hơn. “Về cơ bản ông Mahathir là chỗ an toàn để họ nhảy vào và ông Razak là người đã đẩy họ phải nhảy”, bà Welsh nói.

Chiến thắng của ông Mahathir đang đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất về tương lai trước mắt của ông Razak. Tân thủ tướng Mahathir nói ông sẽ theo đuổi các cáo buộc hình sự nhằm vào ông Razak xung quanh các bê bối tài chính của ông ta. Ông Razak tham gia chính trường từ lúc 23 tuổi. Ông làm bộ trưởng dưới thời ông Mahathir và được nhìn nhận rộng rãi là đã vươn lên trong Đảng Tổ chức Quốc gia Malaysia Thống nhất (UMNO), đảng chính trong liên minh BN, là nhờ vào sự bảo trợ của ông Mahathir. Quá chán nản với tác phong lãnh đạo thoải mái của người kế nhiệm là cựu Thủ tướng Abdullah Badawi, ông Mahathir đã đưa ra một chiến dịch trong hậu trường để giúp ông Razak trở thành thủ tướng vào năm 2009. Thủ tướng Razak nói quan hệ giữa họ đã trở nên căng thẳng vào đầu những năm 2010 bởi vì ông không chịu làm theo lệnh của ông Mahathir.

Trong một cuộc họp báo vào lúc 3h sáng ngày 10/5, tân Thủ tướng Mahathir nói ông “sẽ không trả thù” Thủ tướng Razak, theo tờ South China Morning Post. “Điều tôi muốn làm là khôi phục lại pháp trị”, ông nói. Ngày 12/5, báo chí Malaysia đưa tin ông Razak bị "ngăn chặn" rời khỏi đất nước. Tân thủ tướng Malaysia cho biết ông có trách nhiệm ban hành lệnh cấm du hành đối với cựu Thủ tướng Najib Razak và vợ ông ta.

Vấn đề thứ hai liên quan tới khả năng lãnh đạo của ông Mahathir. Trong bài phát biểu sau lễ nhậm chức, ông Mahathir liên tục coi nhẹ tuổi tác của mình và nói rằng chính phủ mới của ông sẽ bao gồm “cả nam lẫn nữ trong đó có một người trẻ”. Giới quan sát nhìn nhận khả năng ông Mahathir sau khi củng cố lòng tin của cử tri và ổn định tình hình chính trị sẽ nhường lại chức thủ tướng cho lãnh đạo phe đối lập, ông Anwar Ibrahim. Ông Anwar hiện đang ở tù vì tội tham nhũng và quan hệ tình dục trái tự nhiên. Nhiều người cho rằng án tù của ông có động cơ chính trị. Ông Anwar từng là phó thủ tướng và bộ trưởng tài chính trong chính phủ của ông Mahathir và được xem là người sáng giá để kế nhiệm ông Mahathir cho đến khi ông bị sa thải năm 1999.

Ngày 11/5, Tân thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết quốc vương Malaysia đã đồng ý ân xá ngay lập tức cho cựu lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim. Phát biểu với các phóng viên, tân thủ tướng Malaysia xác định rõ: “Đó sẽ là một quyết định ân xá, có nghĩa là ông Anwar sẽ được thả ngay lập tức và sau đó được tự do tham gia đầy đủ vào đời sống chính trị”. Theo ông Mahathir, chính quốc vương Malaysia đã cho biết là ông sẵn sàng ân xá ông Anwar ngay lập tức, và một cách toàn diện, tức là ông Anwar hoàn toàn có đủ tư cách hoạt động chính trị.

Trước cuộc bầu cử, ông Mahathir từng nói rằng ông sẽ từ chức và trao lại chức vụ thủ tướng cho ông Anwar khi nhân vật này được ân xá. Theo các nhà quan sát, sau khi được ân xá, ông Anwar sẽ còn phải ra tranh cử trở lại để làm dân biểu, rồi sau đó mới có đủ điều kiện tham gia chính phủ.

Nh.Thạch

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc