Di tích lịch sử “kêu cứu”

10:51 | 16/11/2018

251 lượt xem
|
(PetroTimes) - Cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh, phần lớn đều bị xâm hại bởi nạn vẽ bậy, viết bậy.

Những ngày qua, việc giới chức Nhật Bản mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm vẽ bậy lên di tích lịch sử của quốc gia này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi chứng cứ cho thấy, rất có thể thủ phạm là một người Việt Nam. Đó là chữ “A.HÀO” cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản. Ngay lập tức truyền thông Nhật Bản nhanh chóng đưa tin về sự việc, bởi đây là lần đầu tiên khu thành cổ bị xâm phạm và vẽ bậy.

di tich lich su keu cuu
Phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản bị xâm hại

Sự việc không chỉ dấy lên sự phẫn nộ ở cộng đồng người Nhật mà còn khiến đông đảo người Việt giận dữ và xấu hổ. Bởi đông đảo ý kiến cho rằng, chính ký tự có dấu “huyền” đã tố cáo thủ phạm của hành vi đáng xấu hổ này là một người Việt nào đó. Vụ việc đang được Nhật Bản điều tra.

Nhìn về trong nước, có một thực tế dễ nhận thấy: Việc xâm hại di tích bằng việc viết, vẽ bậy đã không còn là cá biệt. Cả nước hiện có hơn 40.000 di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Điều đáng buồn là phần lớn các di tích này đều bị xâm hại bởi nạn vẽ bậy, viết bậy.

di tich lich su keu cuu
Thành cầu Long Biên phải “gánh” một đống “khóa tình yêu”

Những di tích ngay ở chính Hà Nội như: Tháp Hòa Phong, Ô Quan Chưởng, Tháp nước Hàng Đậu, Cột cờ Hà Nội… hay chứng nhân lịch sử cầu Long Biên… cũng đều là nạn nhân của sự vô ý thức này.

Tại Cột cờ Hà Nội, hình vẽ, tên người thuộc đủ ngôn ngữ chi chít. Nhiều khách tham quan khi đến đây đã vô tư ghi dấu ấn của riêng mình bằng bút, phấn, thậm chí còn dùng dao khắc sâu lên di tích lịch sử. Còn cầu Long Biên không chỉ chịu sự vẽ bậy, viết bậy lên thành cầu mà cây cầu từng phải khốn khổ khi phải “gánh” thêm những “khóa tình yêu”...

Sở dĩ những sự việc vô ý thức đó vẫn xảy ra nhan nhản và đông đảo người dân Việt vẫn chưa ý thức được hành vi vi phạm di tích của mình. Bởi hình thức xử phạt và răn đe với những hành động thiếu văn hóa này còn quá nhẹ.

Trả lời báo giới, ông Toshio Kosaka, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới núi Phú Sĩ cho biết: Theo quy định Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy, viết bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng Việt Nam) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngay quốc gia gần nước ta như Thái Lan đã từng kết án 10 năm tù cho 1 người Canada và 1 người Anh vì đã vẽ bậy lên bức tường cổ ở Chiang Mai. Trong khi ở Việt Nam, dù đã có quy định về hành vi xử phạt và cũng chỉ là phạt hành chính nhưng dường như chỉ là cho có, “giơ cao đánh khẽ”.

Nghị định số 98/2010/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa đã quy định: Những hành vi làm sai lệch di tích là “làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích”.

Khoản 1, Điều 23 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Hình thức xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 điều này.

Chưa nói đến mức phạt này còn quá nhẹ, chỉ nói đến thực thi luật cũng chưa thật nghiêm. Một lãnh đạo thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao ở một địa phương khi trả lời báo giới đã thừa nhận rằng, lực lượng thì mỏng, di tích lại dày đặc nên rất khó kiểm soát, việc truy tìm đối tượng viết, vẽ, khắc lên di tích không khác gì “mò kim đáy bể”. Và, dù ngay tại thủ đô nhan nhản các di tích bị xâm hại, nhưng để bắt quả tang đối tượng vi phạm và xử phạt cũng rất ít.

Chế tài xử phạt quá nhẹ, lực lượng công vụ giữ gìn di tích thiếu khiến những di tích lịch sử văn hóa luôn phải “kêu cứu” vì không còn nguyên vẹn, bị viết, vẽ nham nhở mất hết vẻ tôn nghiêm, nét đẹp văn hóa của di tích.

Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.
di tich lich su keu cuu"Nóng" chuyện bảo vệ di tích
di tich lich su keu cuuViệt Nam có thêm 6 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia
di tich lich su keu cuuSố phận bi hài của biệt thự cổ 100 tuổi ở TP.HCM
di tich lich su keu cuuXót xa di tích quốc gia chờ sập

Huy An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan