Đi thật xa để trở về… quê hương

14:00 | 07/03/2021

98 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chương trình “Quán Thanh xuân” tháng 3/2021 phát trên truyền hình Việt Nam, kênh VTV1 với chủ đề “Người quê ra tỉnh” là một liều thuốc tinh thần xoa dịu nỗi nhớ quê hương, đưa khán giả về lại với thanh xuân, nơi lưu giữ ký ức thơ ấu đẹp đẽ của mỗi người.

“Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”, mỗi lần có ai đó nhắc về hai từ quê hương, lòng tôi lại rộn ràng, vui không sao tả xiết. Tôi thích kể và cũng hay lắng nghe những câu chuyện về quê hương, thứ luôn cuốn hút tôi trong câu chuyện là những nét đặc trưng rất đỗi mộc mạc của các món ăn, phong tục và con người. Chương trình “Quán Thanh xuân” tháng 3/2021 phát trên truyền hình Việt Nam, kênh VTV1 với chủ đề “Người quê ra tỉnh” là một liều thuốc tinh thần xoa dịu nỗi nhớ quê hương, đưa khán giả về lại với thanh xuân, nơi lưu giữ ký ức thơ ấu đẹp đẽ của mỗi người.

Chuyến xe khách có trạm dừng cuối là Quán Thanh xuân đã vào bến. Cửa xe mở, mỗi vị khách xuống xe để tiếp tục thực hiện hành trình, ước mơ riêng của mình. Ai nấy đều tay xách nách mang những món quà quê mang lên thành thị. NSND Thanh Ngoan mang theo món bánh cáy Thái Bình; NSND Trọng Trinh mang kẹo cu-đơ đặc sản Nghệ An. MC Thảo Vân mang cải ngồng xứ Lạng; Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương mang măng đắng Thái Nguyên; Nhà báo Hồ Viết Thịnh mang cá khô Nghệ An; Ca sĩ Phương Thanh mang nem chua Thanh Hóa. Khuôn mặt ai cũng hồ hởi xen lẫn sự tự hào khi giới thiệu về sản vật của quê hương mình.

Câu chuyện thời thế hệ của 6x, 7x về việc lên thành phố đi học có lẽ là khởi nguồn cho câu nói “Người quê lên tỉnh”. Thời ấy đất nước nghèo, gia đình nào cũng mong thoát ly để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chuyện nhà Mộc là bộ phim diễn tả chân thực về xã hội những năm 70-80. Ông Mộc vì thương con cái không muốn vất vả, quyết đầu tư cho con đi học lấy cái chữ, xa rời thôn quê với công việc đồng áng, mong về một tương lai tốt đẹp hơn nơi đô thị.

Vậy các khách mời đã có cơ hội bén duyên với đô thị phồn hoa nhờ đâu? NSND Trọng Trinh khi mới được 18 tháng gia đình đã gửi đi Hà Nội. MC Thảo Vân chia sẻ về người anh rể từng đi du học Nga đã thôi thúc mình lên Hà Nội đi học, vậy là Thảo Vân trở thành người duy nhất trong gia đình có tám anh chị em đi học. NSND Thanh Ngoan lần đầu tiên lên Hà Nội là khi 13 tuổi. Ca sĩ Phương Thanh lại có ký ức thật đặc biệt với người cha của mình, ông đưa Phương Thanh đi một chuyến tàu vào miền Nam qua đường… cửa sổ.

Rồi những bỡ ngỡ khi lần đầu tiên ra thành phố, sự háo hức khám phá về một mảnh đất mới với những câu chuyện dí dỏm được kể lại. Nhà báo Quỳnh Hương có sự phân biệt rõ ràng về mùi của Hà Nội. Ranh giới chính là chiếc cầu Long Biên chứng nhân lịch sử, chỉ cần đi qua cầu là mùi phố đã rất khác. Đó là mùi của bếp dầu, của tủ lạnh…, những thứ mà ở vùng quê còn xa lạ. Quỳnh Hương mê mùi phố đến nỗi… bỏ học để đạp xe đi dạo quanh thưởng thức! MC Thảo Vân thì có cơ hội được tới nhà thầy cô giáo ăn cơm, ấn tượng của cô về mâm cơm thật sự lạ lùng, bởi vì ngon, nhưng “Cái gì cũng ít, đặc biệt là thịt. Người Lạng Sơn không bao giờ bày những đĩa thịt bé xíu như thế”. Câu chuyện về việc bắt xe buýt của Nhà báo Hồ Viết Thịnh có lẽ cũng rất thân quen với nhiều khán giả, anh lên Hà Nội nhập học, đứng vẫy xe buýt nhưng xe không dừng lại. Phải mất tận 2 năm nhà báo mới làm quen và thuộc lòng những điểm xe và các con phố Hà Nội.

Ca sĩ Phương Thanh kể về tuổi thơ có phần bươn trải hơn, cô chia sẻ rằng dù gia đình đã có nhà trên thành phố, nhưng hằng ngày cô vẫn phụ giúp bố mẹ đủ việc để trang trải cuộc sống. Bơm xe, bán báo…, nữ ca sĩ đều đã từng làm quen. NSND Trọng Trinh nhớ lại cảm giác đi học bị các bạn chê là “nhà quê”. Nhà báo Hồ Viết Thịnh nhớ về những ngày tháng nghèo khó, bạn đến chơi nhà nhưng không đủ đồ ăn thiết đãi, láu cá nghĩ cách để “chữa cháy” bữa ăn.

Việc trụ lại ở thành phố sau khi ra trường hơi chật vật với nhà báo Quỳnh Hương, nhưng cô vẫn giữ được lửa, không ngừng lập ra mục tiêu để chinh phục đạt được thành công.

Đứng từ góc độ ngược lại, trai thành phố Trần Lực lại “ngưỡng mộ” trai nông thôn bởi bộ quần áo, kiểu tóc. Trần Lực đòi bà may cho bằng được bộ áo nâu, quần chun để mặc đẹp, cắt trọc tóc mới đúng điệu.

Những thói quen, nét chân quê vẫn luôn là thứ chúng ta nên gìn giữ, để nhắc nhở rằng chúng ta là ai, để chúng ta nguôi ngoai nhớ nhung phần nào nỗi nhớ quê hương gia đình. MC Thảo Vân vẫn giữ thói quen uống trà mạn mỗi ngày bởi cô có kỉ niệm uống trà với bố, thích mùi than hoa, bếp củi mùa đông của mẹ. NSND Trọng Trinh chia sẻ vui rằng bản thân là một thành viên tích cực của hội người Nghệ An hay được gọi là Hội Nghệ nhân, gặp nhau là nói tiếng Nghệ tưng bừng!

Ca sĩ Phương Thanh lại cảm thấy yêu những dịp về quê ở nhà cậu, ngủ trên chiếc giường gỗ không nệm, đạp xe nhong nhong trong xã, nhớ tiếng địa phương thân quen lâu rồi mới được nghe… Những trải nghiệm giữa đô thị và thôn quê giúp Phương Thanh rất nhiều trong công việc, đó đều là những trải nghiệm tuyệt vời. NSND Thanh Ngoan cũng chia sẻ về tuổi thơ nhớ quê hương đến phát khóc, cô vẫn có mong muốn sau này sẽ về quê, dạy miễn phí các làn điệu chèo, xẩm cho cả xã…

Quán Thanh xuân cũng gửi tới khán giả những chùm ca khúc về tình yêu quê hương nguồn cội đến từ những ca sĩ và các khách mời trong chương trình: NSND Thanh Ngoan, ca sĩ Phương Thanh…

Đi thật xa để trở về… quê hương

Ta tìm được sự an ủi, bình yên, chất quê thân thương, thứ mà ở nơi đất khách quê người không thể có. Quê hương là nơi mà chúng ta “đi thật xa để trở về”. Dù có sinh sống và lập nghiệp tại thành phố bao nhiêu năm, ai cũng mong muốn sẽ trở về quê để đóng góp và xây dựng quê hương ngày một phát triển hơn.

Kiều Mai