Đêm nhạc “Khúc ru trầm” -Liveshow của một nhà thơ

09:28 | 25/05/2022

152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đêm ca nhạc chọn lọc những ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong tuyển tập Khúc ru trầm diễn ra tháng 5.2022 trên một sân khấu sang trọng, ấm áp ở một vùng đất mà nhà thơ đã một thời công tác: Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Đêm nhạc “Khúc ru trầm” -Liveshow của một nhà thơ
Đêm thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Khúc ru trầm là cuộc hội ngộ đầy duyên nợ của gần 40 nhạc sĩ ở mọi miền đất nước và hải ngoại: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Thế Bảo, Hoài An, Võ Hoài Phúc, Quỳnh Hợp, Quỳnh Lệ, Trịnh Thùy Mỹ, Trung Kim, Minh Trí (Sài Gòn); Nhạc sĩ Trọng Đài, Nguyễn Cường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trọng Lưu, Nguyễn Trần Đức Anh (Hà Nội), Lê Anh (Huế), Dương Văn Lợt (Kon Tum), Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Đăng Khương (Hoa Kỳ). Riêng các nhạc sĩ tên tuổi ở ngay chính quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng của nhà thơ chiếm phần nhiều như nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, Đình Thậm, Huỳnh Ngọc Hải, Diệp Chí Huy, Nam An, Nguyễn Đức, Nguyễn Xuân Minh, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Duy Khoái, Phan Trường Sơn, Quang Khánh, Thái Phú, Đinh Gia Hòa, Trương Công Ảnh, Huỳnh Văn Tấn, Thu Nguyễn, Hoàng Bích… Họ đã trải lòng ra cùng với hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh suốt gần một đời người đắm đuối cùng thơ.

Đêm nhạc “Khúc ru trầm” -Liveshow của một nhà thơ
Trình diễn trong đêm thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Đêm nhạc Khúc ru trầm giới thiệu 14 ca khúc chọn lọc viết về làng quê, về tình yêu, tình người, đặc biệt về hình ảnh người mẹ một thời lam lũ qua tiếng hát của các ca sĩ tên tuổi thành phố Đà Nẵng như Đình Thậm, Thu Hương, Thanh Trà, Mỹ Phượng, Hữu Đức, Thanh Yên, Công Trứ… với hàng trăm khán giả đến tham dự. Nhiều người cho rằng, thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh là một dòng thơ nặng về tâm tưởng, đầy hoài niệm. Ấn tượng nhất đối với khán giả là chùm ca khúc đậm đà tình quê, bởi quê hương và mẹ luôn là cảm thức trong trái tim của bao người. Lắng nghe giọng hát của ca sĩ Đình Thậm, người nghe nhận ra ngay miền đất Điện Bàn trù phú nghĩa tình với “dâu xanh tốt như tình xanh trái” trong ca khúc “Quê tôi” mà nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã phổ từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Ngọc Hạnh. Hay với ca khúc “Nỗi lòng nông dân” một đời cơ cực với những câu thơ chất chứa nỗi niềm: “Ai hiểu được dưới vành nón lá, mặt trời mọc giữa ruộng sâu” của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải phổ từ bài thơ “Nông dân” của Nguyễn Ngọc Hạnh cũng khơi dậy nhiều cảm xúc cho người xem. Hình ảnh người mẹ với đôi quang gánh giữa chợ quê gợi lên bao nhớ thương khi tiếng ca nồng ấm của Thanh Trà cất lên: “Cây đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc nón cong vành dâu bể/ Cho đời con được thẳng ngay/ Một mình ra chợ chiều nay/ Ngồi chỗ mẹ ngồi thuở ấy/ Mà sao đôi mắt cay cay” trong ca khúc “Gánh phố” của nhạc sĩ Nam An. Hình ảnh đối lập giữa nét cong của chiếc đòn gánh, chiếc nón sắp bung vành với “đời con thẳng ngay” gợi nhiều liên tưởng, phần nào nói lên quan niệm sống của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh suốt gần cả một đời người. Hình ảnh người mẹ luôn thấp thoáng đâu đây trong cái “ngõ hẹp” đầy ký ức tuổi thơ: “Ngõ hẹp dần/ lối mòn cũng nhỏ dần/ mòn con đường làng/ mỗi ngày mẹ tôi ra sông giặt áo/ Mòn ánh trăng khuya/ cong vút lưỡi liềm/ Rơi xuống chạm ngõ nhà em”. Bài thơ “Ngõ hẹp” này được nhạc sĩ Võ Hoài Phúc chắt chiu từng giai điệu làm cho thi ảnh từng câu thơ gợi lên bao ký ức, đầy ắp nỗi nhớ thương.

Nguyễn Ngọc Hạnh vốn là nhà thơ mang nặng hồn quê, từ ngôi làng nhỏ bên dòng sông Vu Gia trong đêm xa làng thời chiến tranh khốc liệt. Vì yêu quê tha thiết, nên khi xa làng ra phố, thi sĩ không nguôi nhớ mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình: “Đêm xa làng đong đầy nước mắt/ nhớ mẹ tôi/ nhớ cha tôi khuya sớm trên đồng”. Ca khúc này được giải thưởng lớn của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 và trong đêm nhạc, chính tác giả là nhạc sĩ Đình Thậm hát giữa vùng quê đất Quảng lại càng nhớ thương da diết. Những vần thơ về con sông quê của Nguyễn Ngọc Hạnh luôn đầy cảm xúc, lắng sâu: “Bóng mẹ gầy/ lặn lội bờ sông/ Đêm giá lạnh/ ẵm bồng ru tiếng khóc/ Nỗi niềm trôi xuôi/ theo con đò dọc/ Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi”. Bài thơ “Qua đò nhớ mẹ” được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến phổ nhạc cách đây đã mấy mươi năm rồi, nhiều ca sĩ trong và ngoài nước hát đã nhiều rồi. Vậy mà qua tiếng hát của Thu Hương đã để lại nhiều thiện cảm trong lòng khán giả với giọng hát đậm đà chất dân ca mượt mà giai điệu miền Trung. Khúc ru trầm chủ đề của đêm nhạc, cũng là tên của một ca khúc do nhạc sĩ Huỳnh Văn Tấn phổ nhạc từ bài thơ Nhớ con của Nguyễn Ngọc Hạnh, một nỗi buồn của người cha là tác giả dành cho đứa con gái bé nhỏ đã rời xa cõi tạm này trong đau xót: “Ẩn ức điều gì trong đôi mắt con/ mà day dứt nồi niềm trần thế/ Có điều gì như là dâu bể/ mà lòng cha quặn thắt đến bao giờ”. Bài hát này tuy nhạc sĩ Tùng Dương đã hát rồi, nhưng đêm nay một ca sĩ nghiệp dư, anh Trương Đình Đức khi cất giọng lên khán giả lặng yên như thấu hiểu nỗi đau, nỗi buồn không thể nào quên khi nhà thơ đã mất đi đứa con gái đang thời xuân sắc…

Chúng ta có thể thấy một số bài thơ được phổ nhạc phổ biến rộng rãi của Nguyễn Ngọc Hạnh như là bài Làng, Nhớ mùa hoa ven sông, Qua đò nhớ mẹ, Đêm xa làng, Ký ức làng quê, Gửi em chỗ ướt mẹ nằm, Gánh phố, Nỗi lòng nông dân, Khúc ru trầm, Sông chỉ một dòng… chỉ mới nghe những cái tựa đề thôi đã gợi cho chúng ta bao niềm thương nỗi nhớ về làng, về dòng sông thời thơ bé. Chính vì vậy, từ lâu những khúc nhạc phổ từ thơ của anh đã được công chúng yêu thích; nhiều tác phẩm được giới thiệu trên sóng VTV, QRT, DNTV và hàng loạt các chương trình, phóng sự văn nghệ trên các đài truyền hình, phát thanh, báo chí, youtube…

Trong đêm nhạc này, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã được lãnh đạo của Thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc dành tặng những bó hoa tươi thắm cho đứa con của LÀNG, một tâm hồn thơ cả một đời gắn bó với đất Quảng thân yêu ruột thịt của mình. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha từ Hà Nội cũng bay vào tham dự Đêm nhạc đặc biệt này, ông đã có nhiều cảm nhận tinh tế về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Thơ anh giàu tính nhạc, thơ đọc lên đã thành những giai điệu đậm chất trữ tình. Đó là lợi thế để thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được phổ nhạc nhiều và trở thành những ca khúc hay trong lòng công chúng. Nguyễn Ngọc Hạnh ra đi từ làng, về sống nơi phố thị nhưng tình cảm với quê hương, với những điều gắn bó từ làng vẫn vẹn nguyên, vẫn dạt dào, âm ỉ chảy trong huyết mạch. Những bài thơ đầy ắp nỗi niềm thương cảm của nhà thơ đã được gần 40 nhạc sĩ phổ thành 77 ca khúc thật ấn tượng. Giữa những tất bật của cuộc sống đời thường, khi nghe những ca khúc này lòng mỗi người lại muốn quay về hoài niệm với ký ức xa xưa…

Nguyễn Sơn Tùng