Đề xuất mức tăng giá viện phí “mềm”

10:42 | 06/02/2012

246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên Bộ Y tế, Tài chính, LĐTB&XH đã cơ bản thống nhất với dự thảo điều chỉnh viện phí mới. Theo đó, hơn 400 dịch vụ y tế được đề xuất tăng giá, với mức giá “mềm” hơn so với lần đề xuất trước đây.

Theo dự thảo mới, bệnh nhân nằm 2-3 người trên một giường sẽ được giảm giá tiền giường.

Mức tăng đã… giảm!

Sau 8 năm “đòi” tăng viện phí nhưng không thành, vừa qua Bộ Y tế đã hoàn thành và quyết định trình Chính phủ bản Dự thảo điều chỉnh viện phí. Đáng chú ý, mức tăng của các dịch vụ này thấp hơn nhiều lần so với đề xuất trước đó. Nhờ đó mà bản dự thảo này đã được các bộ ngành thẩm định thông qua.

Ví dụ như mức khám chữa bệnh tuyến trung ương đề nghị tăng từ 2.500 đồng lên 20.000 đồng (trước đề nghị tăng 30.000 đồng), khám tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực tăng từ 1.000 đồng lên 5.000 đồng/lượt (trước đề nghị tăng 10.000 đồng). Theo mức giá này, giá tiền khám mà người bệnh phải trả đã giảm 30% so với đề xuất ban đầu.

Giá giường bệnh thông thường cũng được tính từ 10.000 đến 18.000 đồng/ngày, còn các chuyên khoa đặc biệt là 20.000 đồng/ngày. Với những giường hồi sức đặc biệt mức thu tối đa là 160.000 đồng trong khi trước đây đề xuất từ 300.000 đến 350.000 đồng. Giá giường này được tính với tỉ lệ một người trên một giường bệnh. Còn với những bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2 – 3 người/giường sẽ giảm giá thành.

Đánh giá về dự thảo mới lần này, ông Nguyễn Văn Đại – nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế cho rằng: “Dự thảo lần này có những điểm ưu việt rõ ràng bởi việc nâng số loại hình dịch vụ được tăng giá lên, nhưng giảm mức tăng là một ý tưởng hợp lòng dân, đồng thời cũng làm yên lòng các bệnh viện”.

Vẫn còn nhiều khó khăn!

Với dự thảo điều chỉnh viện phí này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) cũng đã đồng thuận. Theo đó, Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ nâng mức chi trả cho bệnh nhân hướng tới mức gần sát nhất khi người bệnh thực hiện khám chữa bệnh. Qua đó, người bệnh sẽ không phải chi thêm những khoản “phụ phí” như lâu nay.

Tuy đồng ý, nhưng dự thảo lần này đang đặt ra cho BHXHVN nhiều thách thức. Theo BHXHVN, tăng khả năng chi trả BHYT đồng nghĩa với việc phải tăng thu ngân sách. Trong khi đó, năm 2011 quỹ mới chỉ kết dư 6.000 tỉ đồng, dự tính nếu tăng mức chi trả BHYT cho bệnh nhân thì mỗi năm quỹ chi thêm 6.000-7.000 tỉ đồng. Nếu không tự cân đối được thì quỹ lại rơi vào tình trạng “tự ăn thịt mình” như trước đó. Do vậy, một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm khuyến cáo cần phải tăng mức đóng BHYT hiện nay (là 4,5%) lên 5% thì mới đảm bảo.

Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng: “Dự thảo lần này đã gạt đi nhiều dịch vụ vô lý và tăng hàng chục lần như trước đây. Bởi theo danh mục mới tất cả dịch vụ đều được tính toán với một mức giá cụ thể. Điểm khác biệt là những dịch vụ này sẽ áp dụng theo phân tuyến kỹ thuật và đăng ký thực hiện của các bệnh viện”.

Cũng theo ông Sơn, dù việc tăng viện phí có thể sẽ là gánh nặng cho BHXH, nhưng nếu thực hiện dựa trên tiêu chí “công minh” sẽ tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội. Do vậy, tính khả thi của dự thảo tăng viện phí lần này sẽ cao hơn – ông Sơn khẳng định.

Theo phản ánh bệnh nhân, dù mức giá các dịch vụ y tế điều chỉnh hay không điều chỉnh thì hiện giá đã được các bệnh viện nâng lên rất cao. Chẳng hạn giá dịch vụ khám ngoài giờ của Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư là 200.000 đồng/lượt khám; Bệnh viện Nhi T.Ư là 110.000 đồng/lượt khám; còn khám dịch vụ trong giờ, mức giá cũng “đồng hạng” tại các bệnh viện là 70.000 đồng.

Theo DV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc