Để lưới điện an toàn

07:00 | 28/08/2013

533 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do đặc thù hệ thống lưới điện truyền tải trải rộng trên mọi miền đất nước nên ngành điện luôn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng và tác động mạnh nhất của hiện tượng bão lũ. Và để chủ động ứng phó với hiện tượng này, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, công tác phòng chống bão lụt luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt ra và quyết liệt triển khai đến tất cả các đơn vị, công ty thành viên. Tuy nhiên, vì là “thiên tai” mà sức của ngành điện thì có hạn nên để hạn chế tối đa thiệt hại mà hiện tượng bão lũ gây ra, ngành điện rất cần sự chung tay giúp sức của chính quyền các địa phương và đặc biệt là của nhân dân.

Chủ động ứng phó

Thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn cho thấy, do tính chất đặc thù của khí hậu, mỗi năm nước ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ đổ vào đất liền gây thiệt hại lớn về người và của. Chính vì vậy, phòng chống lụt bão đã được Đảng, Chính phủ đặt ra là nhiệm vụ chính trị mà các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phải quyết tâm thực hiện, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra. Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên, để sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão, EVN đã ban hành Chỉ thị số 1668/CT-EVN về công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão năm 2013.

Ông Đặng Hoàng An - Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Năm 2013, theo nhận định sơ bộ về xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa, bão, lũ năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ diễn biến phức tạp. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn, trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta khoảng 5-6 cơn… Đây là thách thức không nhỏ đến công tác vận hành an toàn lưới điện quốc gia, cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh của nền kinh tế và tiêu thụ điện của người dân.

Kiểm tra lưới điện trước mùa mưa bão

Và để ứng phó với những diễn biến bất thường của tình hình thời tiết, EVN đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương đánh giá, tổng kết, đánh giá công tác phòng chống lụt bão 2012, rút kinh nghiệm cho năm 2013, đồng thời củng cố, kiện toàn tổ chức ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp… Bên cạnh đó, để công tác phòng chống lụt bão hiệu quả, EVN cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão cho năm 2013 một cách cụ thể, chi tiết và sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị; hoàn tất công tác kiểm tra, sửa chữa thiết bị, công trình, nhà xưởng kho tàng… đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực chỉ huy và các lực lượng ứng trực 24/24 giờ; tăng cường phối hợp với ban chỉ huy phòng chống lụt bão ở các cấp chính quyền, cơ quan chức năng ở địa phương và các đơn vị trên cùng địa bàn trong công tác phòng chống lụt bão; chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về ảnh hưởng đến cung ứng điện và quá trình khắc phục để cung ứng điện trở lại…

Với những bước chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, chu đáo như trên, từ nhiều năm nay, công tác phòng chống lụt bão của EVN luôn được Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Bộ Công Thương đánh giá rất cao. Ngay như cơn bão số 6 (tên quốc tế Mangkhut) đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta những ngày đầu tháng 8/2013 chẳng hạn. Cơn bão đã gây mất điện tại 8 trạm biến áp (TBA) 110kV, 9.591 TBA phân phối điện, tác động đến lưới điện phân phối tại 102 huyện, thị, thành phố, 366 lộ đường dây trung áp... Tuy nhiên, với tinh thần “4 tại chỗ”, hầu hết các sự cố trên đều đã được EVN khẩn trương khắc phục sửa chữa và đưa lưới điện vận hành trở lại một cách nhanh nhất. Đây có thể xem là một nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, công nhân viên ngành điện trong công tác đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia, giữ “huyết mạch” của nền kinh tế ổn định, nhanh chóng đưa điện vào phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu thụ của người dân.

Câu chuyện này cũng cho thấy một điều, công tác phòng chống bão lụt ở EVN là rất phức tạp và khó khăn, nó tiêu tốn một lượng không nhỏ nhân lực và vật lực của ngành điện. Và nó cũng một lần nữa cho thấy những hy sinh rất thầm lặng của người thợ điện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hình ảnh người thợ điện không quản đêm hôm, thời tiết nắng hay mưa, khắc phục các sự cố điện, vì thế rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

Cần chính quyền, người dân vào cuộc

Như đã nói ở trên, bão lụt là hiện tượng thời tiết nên con người chỉ có thể làm sao để hạn chế tối đa tác động cũng như những ảnh hưởng của nó mà thôi chứ không thể khống chế được. Thực tế bao năm qua, dù đã chủ động các phương án, huy động tối đa sức người, sức của ứng phó với bão lũ nhưng thiệt hại mà ngành điện phải gánh chịu không hề nhỏ. Ngay như việc ứng phó cơn bão số 6 vừa rồi, ngành điện cũng thiệt hại hơn 47 tỉ đồng.

Lại một chuyện nữa, mùa mưa bão về cũng là thời gian mà ngành điện phải đối diện với nguy cơ mất an toàn lưới điện. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này bên cạnh các yếu tố bất khả kháng do bão lũ thì có một phần không nhỏ là do chính người dân sinh sống tại các khu vực có lưới điện đi qua. Ví như sự cố điện cao thế 500kV tại Bình Dương gây mất điện toàn bộ 22 tỉnh, thành phía nam ngày 22/5/2013, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự bất cẩn của đơn vị thi công, vô ý cẩu ngọn cây chạm vào đường điện cao thế. Hay như giữa tháng 6 vừa rồi, tại thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, Hưng Yên), người dân chặt cây đổ vào đường dây 35kV làm đứt dây, khiến toàn bộ các xã của huyện Kim Động và một số xã của huyện Ân Thi và TP Hưng Yên mất điện cũng vậy…

Đó chỉ là một trong số rất nhiều sự cố điện xảy ra khắp các địa phương trên cả nước và thực tế, để hạn chế tình trạng này, một mình ngành điện không thể xoay sở được mà phải có sự nhập cuộc của chính quyền địa phương. Khi mùa mưa bão đến, mối lo này của ngành điện lại như nhân lên gấp bội, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực, địa phương còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao.

Và theo ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất, thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão EVN: Đối với hành lang lưới điện cao áp và an toàn điện trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương vận động nhân dân tự kiểm tra, xử lý các tồn tại đường dây hạ thế sau công tơ, hệ thống điện sinh hoạt trong nhà, nâng cao các ổ cắm, bảng điện có khả năng bị ngập.... Đồng thời, tổ chức chặt tỉa cây cối đề phòng sự cố, tai nạn điện; giải quyết các vụ nhà, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm thông báo đến nhân dân chú ý đề phòng để tránh xảy ra tai nạn điện giật khi mưa to gió lớn, ngập úng như: cháy, nổ ở đường dây điện, trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, sứ vỡ, rò điện, nước tràn vào trạm điện…

Trong bối cảnh vốn tái đầu tư của ngành điện còn hạn chế thì việc chung tay giúp sức của chính quyền địa phương các cấp, của nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn lưới điện, phòng chống lụt bão là rất lớn. Còn trong định hướng lâu dài, để hạn chế tối đa những sự cố tương tự như trên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi họp báo tháng 6/2013 đã nhấn mạnh: Ngành điện phải tăng cường đầu tư thêm các đường dây 500kV cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý. Nhưng rõ ràng, định hướng này phải được thực hiện triển khai trong một thời gian dài và được đầu tư, đổi mới. Song, nếu ý thức của người dân, trách nhiệm của chính quyền địa phương không được nâng lên, những rủi ro như nói trên sẽ vẫn còn tái diễn với ngành điện.

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps