Để hoạt động tình nguyện ý nghĩa hơn

07:10 | 10/07/2016

268 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Phong trào tình nguyện tại các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) trên cả nước đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích, các chuyến tình nguyện lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính những thành viên tham gia và hầu như các “mầm xanh” đang “trống” những kiến thức cơ bản để xử lý những tình huống bất ngờ…

Không may bị lũ cuốn

Ngày 4-7, người dân ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An rơi nước mắt khi tiễn đưa em Phan Thị Hải - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương bị lũ cuốn khi tham gia hoạt động tình nguyện tại Quảng Ninh về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngoài Hải, còn có hai nữ sinh viên khác cũng thiệt mạng khi tham gia chuyến tình nguyện là: Vũ Thị Xoa (20 tuổi, quê Hải Dương) và Nguyễn Thị Ngân (19 tuổi, quê Hà Nội).

de hoat dong tinh nguyen y nghia hon
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú

Theo những người bạn của Hải đang học tại Trường ĐH Ngoại thương kể lại, ngày 2-7, Hải cùng một nhóm bạn đi tình nguyện tại các thôn, bản ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Khi đi qua suối Pác Hoóc, xã Tình Húc, nữ sinh viên 19 tuổi này cùng 3 bạn khác rơi vào hố nước sâu và bị cuốn đi. Chỉ có một người được cứu thoát.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Nguyễn Văn Triệu - Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Năm nay, Trường ĐH Ngoại thương có 19 đội tình nguyện thực hiện các chương trình xã hội từ miền Trung trở ra. Tại Quảng Ninh, có 4 nhóm sinh viên làm tình nguyện.

“Sau khi xảy ra tai nạn, trường đã cho dừng toàn bộ hoạt động tình nguyện để xem xét lại công tác tổ chức và tổng kết rút kinh nghiệm” - vị Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại thương nói. Ông Triệu cũng cho biết trước khi tổ chức tình nguyện, nhà trường đã xem xét, khảo sát kỹ địa điểm tình nguyện, sau đó tuyển người, lập danh sách và gửi lên ban lãnh đạo trường cũng như địa phương sẽ đến tình nguyện… Bên cạnh đó, trường còn tổ chức tập huấn và có những khuyến cáo với các em học sinh khi tham gia chuyến tình nguyện, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi vụ tai nạn mới đây.

de hoat dong tinh nguyen y nghia hon
Lực lượng cứu nạn tìm kiếm các nữ sinh

Cũng giống với trường hợp của nhóm sinh viên tình nguyện Trường ĐH Ngoại thương, cách đây 3 năm, một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra tại khu vực suối Thần Sa, thuộc xóm Kim Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và cướp đi sinh mạng của 4 tình nguyện viên.

Các nạn nhân đều là tình nguyện viên của chương trình tình nguyện Chắp cánh ước mơ (cả đoàn 21 người, trong đó có 17 người là sinh viên các trường ĐH tại Hà Nội). Theo tìm hiểu, vào thời điểm đó, đoàn tình nguyện đến tặng quà cho học sinh nghèo tại xã Thượng Nung (huyện Võ Nhai) nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

Trên đường trở về, đoàn tình nguyện nghỉ chân tại suối Thần Sa. Trong lúc chụp ảnh lưu niệm, 6 người trong nhóm bị rơi xuống vực sâu. Ngay khi nghe tiếng hô hoán, người dân địa phương đã nhanh chóng đến khu vực bị nạn, nhưng chỉ cứu được 2 người.

Chính quyền huyện Võ Nhai sau đó cũng huy động lực lượng cứu hộ gần 40 người đến hiện trường tham gia tìm kiếm nhưng những nỗ lực của lực lượng cứu nạn không đưa được 4 tình nguyện viên trở về.

Cần trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý và Giáo dục Việt Nam nhận định: Vụ tại nạn của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương chưa thể khẳng định là do công tác quản lý hoạt động tình nguyện lỏng lẻo, bởi đây là tai nạn thiên nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.

“Các chương trình tình nguyện tại các trường ĐH - CĐ hoặc phổ thông các cấp tôi hoàn toàn ủng hộ. Vì những chương trình đó nằm trong khâu giáo dục để hoàn thành các phẩm chất năng lực con người, đặc biệt là các trải nghiệm về mặt xã hội, giúp sinh viên sau này ra trường hòa nhập với cộng đồng. Trong vụ việc mới đây ở Quảng Ninh, chúng ta phải xem cụ thể quá trình tổ chức có lường hết được những khó khăn hay không và kế hoạch đảm bảo với các đơn vị mà mình đến nơi để tham gia tình nguyện có chu đáo không”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nói.

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý và Giáo dục Việt Nam, trong vụ việc này cần kiểm tra lại khâu tổ chức của nhà trường đối với địa phương. Nếu tự động xuống thôn, xã mà chính quyền địa phương không biết, hoặc kế hoạch xuống mà chưa chu đáo thì có thể xem đó là trách nhiệm thuộc về trường tổ chức chưa tốt. Còn nếu đã báo cho địa phương rồi nhưng mà gặp phải thời tiết xấu thì phải tính đến chuyện rủi do có thể xảy ra để có những phương án đối phó.

“Đối với sinh viên, trước mỗi chuyến đi như vậy ngoài kỹ năng sống thì cần chuẩn bị cho mình các kỹ năng phòng tránh tai nạn rủi ro. Trước mỗi chuyến đi, các nhóm và các thành viên tình nguyện phải nghe ngóng về mặt thời tiết để chủ động về việc mang các trang thiết bị đối phó. Phải chú ý đến công tác bảo đảm an toàn và hỗ trợ nhau, phân công nhóm đảm nhận các công việc cụ thể”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nhấn mạnh.

Kinh nghiệm người trong cuộc

Là một người gắn bó với các hoạt động tình nguyện từ nhiều năm nay, anh Trần Văn Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Hội Thanh niên tình nguyện tuổi 20) cho rằng, vụ tai nạn mới xảy ra với các sinh viên Trường ĐH Ngoại thương là một trong những trường hợp hy hữu xảy ra khi đi tình nguyện nhưng cũng không thể xem nhẹ vì hiểm họa có thể ập đến bất cứ khi nào, nhất là với các bạn trẻ mới bước chân vào cổng trường ĐH.

“Chúng tôi đã từng gặp sự cố khi lên khảo sát ở 2 xã Mường Nhé, huyện Tây Bắc, tỉnh Điện Biên và xã Mường Tè, huyện Cực Tây, tỉnh Lai Châu làm tình nguyện. Khi đó, do chưa thông thuộc địa bàn, nên 2 thành viên trong đoàn bị trượt chân xuống suối. Lúc đó tôi cũng hoảng, nhưng rất may mắn là các bạn ấy mặc đầy đủ đồ cứu hộ nên sau đó được đưa lên bờ kịp thời, không xảy ra việc đáng tiếc” - nguyên Phó chủ nhiệm Hội Thanh niên tình nguyện tuổi 20 nhớ lại.

Theo anh Dũng, phong trào tình nguyện rất có ý nghĩa khi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn... nhưng thời gian gần đây, việc đi tình nguyện đang xảy ra nhiều tai nạn. Đáng phàn nàn là có bạn tham gia các hoạt động tình nguyện để chuộc lợi, lợi dụng màu áo tình nguyện để mưu cầu cá nhân. Một yếu tố khác dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm khi đi tình nguyện là do không ít các sinh viên không được trang bị kỹ năng sống.

Theo anh Dũng, khi tham gia vào các hoạt động tình nguyện, sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ và xác định được mục đích khi tham gia thì hãy “gật đầu đồng ý”. Bên cạnh đó, những người “thủ lĩnh” cũng cần phải biết đặt kế hoạch cho chính bản thân mình và cho toàn đội tình nguyện. Khi tổ chức cho sinh viên đi tình nguyện tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần đào tạo các kỹ năng sinh tồn, tự cứu mình thoát nạn và sơ cấp cứu để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc như các sinh viên Trường ĐH Ngoại thương vừa rồi.

Ngoài ra, khi đi về các vùng như vậy cần phải có nhân viên y tế đi cùng đoàn để có thể ứng cứu những khi bị bệnh. Một phần cũng do các cơ quan trường lớp, các câu lạc bộ quản lý không chặt dẫn đến việc tách nhóm đi chơi riêng nên dễ xảy ra những tai nạn hy hữu.

Xuân Hinh - Hoàng Cư

Năng lượng Mới 538