Để doanh nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ

10:45 | 14/08/2018

321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, doanh nghiệp (DN) càng công khai, minh bạch, rõ ràng về tài chính thì ngân hàng thương mại (NHTM) càng có niềm tin, thẩm định đúng, đưa ra những quyết định cho vay chính xác, hạn chế rủi ro cho cả hai phía.

Chính sách tiền tệ linh hoạt

PV: Hơn 90% DN nước ta là DN nhỏ và vừa (DNNVV), đa phần có nguồn vốn chủ sở hữu thấp, rất cần đến nguồn vốn vay ngân hàng (NH). Tuy nhiên, nhiều năm qua các DNNVV luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH. NHNN đã có những giải pháp gì để hỗ trợ các DNNVV tiếp cận vốn NH, thưa ông?

de doanh nghiep tiep can von gia re
Ông Nguyễn Hoàng Minh

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Tiếp cận vốn NH, đặc biệt là vốn giá rẻ, là yêu cầu khách quan, chính đáng của bất kỳ DN nào. Nhận thức được vấn đề đó, ngành NH đã cố gắng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Việc hỗ trợ vốn cho DN với giá rẻ, có 3 cơ chế quan trọng nhất là: tín dụng, lãi suất, tỷ giá.

Trong 3 năm trở lại đây, cơ chế tín dụng rất linh hoạt, cho phép tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm 17-18%. Riêng năm 2017, tăng trưởng tín dụng tới 18,5%. Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%, đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao mà ngành NH phải rất cố gắng để đạt được. Các NHTM dành phần vốn khá lớn và ưu đãi cả về lãi suất cho 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, của Thống đốc NHNN: Nông nghiệp nông thôn, DNNVV, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao.

Về chính sách lãi suất, kể từ tháng 6/2002 đến nay, theo quy định của NHNN, các NHTM thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, tức là NH và khách hàng thỏa thuận với nhau lãi suất cho vay. Cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho DN và NH thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND hiện nay phổ biến trong mức 7-8%/năm, cho vay trung, dài hạn 9-11%/năm. Ngành NH còn đưa ra trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 6,5%. Tuy nhiên, đối với DN có nền tài chính tốt, có quan hệ tốt với NH, có thể vay với lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành cơ chế cho vay ngoại tệ. Đối với cho vay ngoại tệ, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động 3-4,7%/năm, trung dài hạn từ 4,5-6%/năm.

Trong nhiều năm qua ngành NH dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính. Hồ sơ thủ tục vay vốn NH hiện nay chỉ còn bằng 1/3-1/4 so với cách đây khoảng 3 năm

Cơ chế thứ 3 là tỷ giá. Trong những ngày cuối tháng 6 và tháng 7 vừa qua, thị trường ngoại hối chịu nhiều sức ép lớn, khiến tỷ giá VND/USD liên tục đi lên. Tuy nhiên, NHNN luôn theo dõi sát sao diễn biến của thị trường và nhận định rằng, tỷ giá nóng lên nhưng không căng thẳng, bởi mọi nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, của DN, tổ chức, cá nhân… vẫn được đáp ứng đầy đủ. Tỷ giá niêm yết giữa các NHTM và thị trường tự do chênh lệch không lớn, tỷ giá niêm yết của các NHTM chưa bao giờ tới mức kịch trần.

Với những nguồn cung ngoại tệ dồi dào như hiện nay từ khu vực FDI, xuất khẩu, du lịch, kiều hối và đặc biệt dự trữ ngoại hối của NHNN hiện nay ở mức rất lớn, khoảng 63,5 tỉ USD, NHNN có đầy đủ các công cụ để có thể can thiệp thị trường khi cần thiết. NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

de doanh nghiep tiep can von gia re
Ngân hàng hiện có nhiều chương trình hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vố

Khi không có tài sản bảo đảm…

PV: Các DNNVV, DN khởi nghiệp khi vay vốn thường gặp khó khăn là thiếu tài sản bảo đảm. NHNN đã có những giải pháp gì để giúp DN tháo gỡ khó khăn này?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Hiện nay, rất nhiều DN không có tài sản thế chấp để vay vốn NH mặc dù có phương án sản xuất kinh doanh khá tốt, khả thi. Để giải quyết việc này, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp như: Tạo điều khiện thuận lợi nhất cho các DN tiếp cận vốn NH thông qua các đầu mối hỗ trợ, đó là các phòng kinh tế, các hội DN tại quận, huyện nơi DN đặt trụ sở; cho DN thế chấp bằng các dòng tiền ngắn hạn của mình, nghĩa là khi vay vốn NH thì DN chấp nhận và tạo điều kiện cho NH quản lý dòng tiền của DN, hoặc quản lý nguồn thu của DN để từ đó NH có cơ sở bảo đảm thu hoàn nợ tốt.

NHNN cho phép các NHTM được quyền cho vay không có tài sản bảo đảm. Cho vay không có tài sản bảo đảm thì quyền quyết định thuộc về các NHTM. Tuy nhiên, để cho vay không có tài sản bảo đảm, các NHTM đưa ra những điều kiện rất chặt chẽ, quan trọng nhất là DN phải có xếp hạng tín dụng nội bộ được NHTM đánh giá tốt, có quan hệ vay vốn tốt với NH như: uy tín, sử dụng vốn đúng mục đích…

Để cho vay không có tài sản bảo đảm, các NHTM đưa ra những điều kiện rất chặt chẽ, quan trọng nhất là DN phải có xếp hạng tín dụng nội bộ được NHTM đánh giá tốt, có quan hệ vay vốn tốt với NH như: uy tín, sử dụng vốn đúng mục đích…

Một lưu ý nữa đối với DN là ngoài vấn đề về tài sản bảo đảm, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, thì quan trọng nhất là tài chính minh bạch, rõ ràng. Rất nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ quản lý tài chính, quản lý sản xuất kinh doanh theo mô hình gia đình, nên báo cáo tài chính không minh bạch. DN càng công khai, minh bạch tài chính thì NHTM càng có niềm tin, thẩm định đúng, đưa ra những quyết định cho vay chính xác, hạn chế rủi ro cho cả hai phía.

Cải cách thủ tục hành chính

PV: Thủ tục khó khăn, phức tạp cũng là một trong những điều mà nhiều DN lo ngại trong tiếp cận vốn NH, khiến DN phải tìm đến các nguồn vốn khác giá cao và nhiều rủi ro hơn. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Trong nhiều năm qua, ngành NH dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính. Hồ sơ thủ tục vay vốn NH hiện nay chỉ còn bằng 1/3-1/4 so với cách đây 3 năm. Hiện nay, có thể nói rằng, các NHTM đã đơn giản hóa bộ hồ sơ vay vốn, nhưng ở một chừng mực nào đó, hồ sơ vay vốn yêu cầu phải bảo đảm tính chặt chẽ và đầy đủ về mặt pháp lý. Đó là những điều bắt buộc các NHTM phải làm đúng trong quá trình giải ngân tín dụng để bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của DN, trong thời gian tới, ngành NH cũng sẽ cố gắng đơn giản hóa thủ tục nhiều hơn nữa.

PV: Trong vay vốn, lãi suất luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của DN. Nhiều DN mong muốn được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp, ổn định. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều NHTM đưa ra các gói hỗ trợ với lãi suất hấp dẫn cho DNNVV nhưng chỉ được duy trì trong thời gian ngắn, sau đó sẽ nâng lên cao khiến DN không kịp trở tay?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Đối với lãi suất cho vay trung và dài hạn, thông thường các NHTM chỉ ổn định trong 1-2 năm đầu, những năm tiếp theo sẽ có sự thỏa thuận lại giữa NH và khách hàng vay vốn. Bởi hiện nay nguồn vốn cho vay của NHTM chủ yếu hình thành từ vốn huy động, trong đó vốn huy động ngắn hạn chiếm hơn 70%. Do đó, việc lấy vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là một trong những khó khăn để các NHTM có thể ổn định lãi suất trung và dài hạn cho DN. NHNN cũng yêu cầu các NHTM tăng cường huy động vốn trung dài hạn để ổn định lãi suất suốt thời gian vay vốn cho các DN vay vốn trung và dài hạn.

Đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho DN

PV: TP HCM được xem là một điểm sáng trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn NH, trong đó nổi bật là chương trình kết nối NH và DN. Ông đánh giá thế nào về chương trình này?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Chương trình kết nối NH và DN được đánh giá là một điểm rất sáng trong chỉ đạo điều hành của TP HCM trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Thống đốc NHNN. Để thực hiện chương trình, các sở, ngành, các quận, huyện đã vào cuộc rất quyết tâm, thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn một cách thuận lợi nhất, với lãi suất ưu đãi, hợp lý, từ đó hỗ trợ thị trường, góp phần giải quyết nợ xấu.

Đến nay, sau 6 năm thực hiện, thông qua chương trình đã có 927.900 tỉ đồng được hỗ trợ cho 50.864 DN với gần 200.000 lượt vay vốn. Đặc biệt, theo thống kê của các NHTM, trong các khoản vay này chưa có khoản nào bị nợ quá hạn, cho thấy hiệu quả rất tích cực của chương trình. Chương trình được đánh giá rất cao và có sức lan tỏa rất lớn. Năm 2014, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các NHTM trên toàn quốc học tập mô hình này ở TP HCM.

Riêng trong năm 2018, tại TP HCM có 15 NHTM đăng ký tham gia chương trình kết nối NH và DN với tổng số vốn cho vay là 259.900 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 83.000 tỉ đồng với lãi suất khá hợp lý, nếu vay ngắn hạn bằng VND thì lãi suất tối đa là 6,5%/năm, trung dài hạn 8,5-9%/năm.

PV: Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và sự phát triển DN hiện nay, nguồn vốn của NH có đáp ứng đủ cho nhu cầu DN?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Tính đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng TP HCM là 7,5% với mức dư nợ tín dụng khoảng 1.900.000 tỉ đồng, chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nước. Theo như mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 17%, thì 6 tháng cuối năm dư địa còn khoảng gần 10% nữa, tức tăng trưởng cho vay khoảng 190.000 tỉ đồng nữa. Với dư địa này, chắc chắn ngành NH không thiếu vốn cho vay tại TP HCM, dù thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn rất lớn.

Chúng tôi cũng tích cực xử lý nợ xấu để có thêm nguồn vốn nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các DN. Tính đến cuối tháng 5-2018, nợ xấu của TP HCM chỉ còn khoảng 3%. Nếu trừ đi nợ xấu của 3 NHTM “0 đồng” (Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, Đại Dương) phải xử lý trong thời gian dài, theo phương án riêng, thì nợ xấu của TP HCM còn khoảng 1,75%. Đây là con số thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Từ đó, chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi hơn để hỗ trợ cho DN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Đặng Đức Huy - Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ NHTMCP Sài Gòn (SCB): Dần hết cảnh muốn vay vốn phải “lobby”

Văn hóa của các NHTM thay đổi rất lớn. Bây giờ thị trường tài chính - ngân hàng cạnh tranh rất khốc liệt, các NHTM đều xem DN là đối tượng phục vụ và phải tìm kiếm khách hàng chứ không còn cảnh ngồi đợi khách hàng đến như trước. Do đó, vấn đề phải “lobby” cho NHTM để được vay vốn hiện nay có thể còn tồn tại nhưng không nhiều.

Bên cạnh đó, ngoài đào tạo cho nhân viên về chuyên môn nghiệp vụ, các NHTM cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng cả về mảng tín dụng, phi tín dụng, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm nhân viên tư vấn đúng chuẩn, đúng quy trình, cũng như thực hiện các chương trình thu thập ý kiến, khảo sát khách hàng để kịp thời phát hiện, xử lý tiêu cực. Bên cạnh đó, các NHTM hiện nay cũng có chế độ đãi ngộ nhân viên xứng đáng để triệt tiêu việc vì không thỏa mãn thu nhập mà phải làm những việc không minh bạch.

Bà Vũ Thị Mỹ Linh - Giám đốc báo cáo tài chính, thuế, logistics, Ho Tram Project Company: Doanh nghiệp cần quản lý dòng tiền

Để tiếp cận được vốn NH, một điều mà DN nhỏ cần cải thiện chính là việc kiểm soát được dòng tiền. Ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng… thì một vấn đề mà DN không thể lơ là chính là quản lý đường đi của tiền, xem xét kỹ vấn đề tài chính trước khi thực hiện một phương án kinh doanh, vì đây không phải chỉ là điều kiện để tiếp cận được các nguồn vốn mà còn là điều cốt lõi để DN tồn tại và phát triển.

Ông Đỗ Tấn Trúc - Trưởng phòng Hỗ trợ DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM: Tận dụng ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ

Nhiều DNNVV không biết rõ các chương trình hỗ trợ, do đó đã không tiếp cận các nguồn vốn rẻ từ các chương trình này. Cụ thể, tại TP HCM, ngoài vốn NH, TP HCM có rất nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với DN, nhiều khoản vay được hỗ trợ 100% lãi suất hoặc hỗ trợ 50% lãi vay NH, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…

Hiện tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng đang tư vấn, kết nối cho nhiều DN để tiếp cận vốn NH một cách dễ dàng hơn, cũng như tận dụng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ để thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

de doanh nghiep tiep can von gia reTỷ lệ tiếp cận vốn của DNNVV Việt không phải thấp
de doanh nghiep tiep can von gia reDoanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn ngân hàng?
de doanh nghiep tiep can von gia reHỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng

Mai Phương