Đê điều Hà Nội bị xâm phạm nghiêm trọng

08:40 | 11/10/2012

811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không phải bàn cãi hay đánh giá về vai trò của hệ thống đê điều với sự an nguy của Hà Nội. Trong lịch sử, thủ đô không ít lần vỡ đê, không chỉ gây thiệt hại về người và của, mà còn gây hiệu ứng tâm lý dài dài. Vì vậy, không thể làm ngơ trước những hành động xâm lấn đê điều ngày càng diễn ra một cách ngang nhiên, thách thức pháp luật.

Không thể chờ thêm bất cứ ngày nào!

Ngày 28/9 vừa qua, đại diện lãnh đạo huyện Từ Liêm, xã Liên Mạc, thanh tra xây dựng và các lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế đối với Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ du lịch Chèm và Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long xung quanh những sai phạm của 2 doanh nghiệp này từ nhiều năm nay. Theo ghi nhận của phóng viên, các hạng mục chủ yếu nằm ở việc san lấp đất, tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng; xây dựng mới công trình không phép trên bãi sông; cải tạo nhà, xưởng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; mở rộng mặt bằng trong quá trình cải tạo. Đáng chú ý, còn có cả một bãi tập xe trong hành lang đê vẫn đang hoạt động. Cụ thể, việc cưỡng chế được tập trung vào 7 công trình vi phạm trong phạm vi 50m lưu không thoát lũ (giữa chỉ giới thoát lũ và chỉ giới xây dựng) - đối với Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ du lịch Chèm và 8 công trình của Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long.

Đê điều trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, ảnh chụp tại xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm

Theo báo cáo kết quả thanh tra liên ngành đầu mùa mưa bão năm nay, từ năm 2004, Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ du lịch Chèm đã kịp xây dựng hai khu nhà xưởng bề thế với tổng diện tích rộng tới 2.000m2, khu nhà làm việc 306m2, đồng thời làm cả... rào chắn dài 45m. Vậy mà 8 năm sau khi hoàn chỉnh một xưởng đúc bê tông bề thế như vậy và khi thành phố vào cuộc thì huyện Từ Liêm mới ra tay. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Mạnh Thiết - Chủ tịch UBND xã Liên Mạc (huyện Từ Liêm) cho biết, quyết định cưỡng chế, trên thực tế là việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả công trình vi phạm trật tự xây dựng. Điều đó cho thấy động thái quyết liệt của lãnh đạo xã Liên Mạc cũng như huyện Từ Liêm trong việc xử lý vi phạm, mặc dù theo ông Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi 2 công ty này không chịu chủ động tháo dỡ đúng thời hạn mà chính quyền địa phương đã đưa ra.

Tiếp tục có mặt tại các tuyến đê thuộc Phúc Thọ, Đan Phượng, Từ Liêm và quận Tây Hồ, những điểm nóng về vi phạm Pháp lệnh Đê điều trên địa bàn thủ đô Hà Nội, chúng tôi còn chứng kiến sự bức xúc của người dân khi phải sống chung với thảm cảnh do đê điều bị xẻ thịt. Ở các cửa khẩu, nơi được cảnh báo rõ: Phục vụ quốc phòng - an ninh, thì hàng đoàn xe tải chở cát và mọi hàng hóa được sản xuất từ các xưởng dựng trái phép trên mặt đê, vẫn ra vào tấp nập. Điều đáng nói là, mọi cung đường ở hàng chục cửa khẩu dọc mặt đê đều xuống cấp nghiêm trọng bởi nó phải oằn mình gánh chịu những chiếc xe hàng có tải trọng lớn chục tấn qua lại mỗi ngày. Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn chảy qua xã Liên Trung (Đan Phượng) hay Liên Mạc (huyện Từ Liêm) đã gây sạt lở đất canh tác nông nghiệp dọc triền sông. Thậm chí, điều này được cảnh báo là hết sức nguy hiểm, bởi việc kéo dài tình trạng trên khiến lòng sông biến dạng, thay đổi dòng chảy gây sạt lở làm ảnh hưởng đến độ bền của một số đập thủy lợi.

Anh Nguyễn Duy Dũng, cán bộ Ủy ban Dân tộc, người sinh sống tại xã Liên Trung (Đan Phượng) cho rằng: Vì lợi nhuận kinh doanh, các doanh nghiệp này không hề quan tâm nhiều đến vấn đề gọi là “an toàn đê điều”. Chỉ riêng việc không che chắn cẩn thận, chở quá tải… nhiều xe thường xuyên làm rơi vãi, chảy nước xuống tỉnh lộ 640 đoạn đi qua địa phận các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Từ Liêm khiến cho mặt đường ngày càng bị bong tróc, trơ ra lớp sỏi đá. Ngoài ra, chuyện xe chở cát phóng nhanh, vượt ẩu, chạy bạt mạng cũng khiến không chỉ người tham gia lưu thông trên đường mà cả những người dân sống ở hai bên đường rất bất an.

Hệ thống đê sông Hồng phần lớn được đắp bằng đất, lại không đồng bộ bởi toàn hệ thống chỉ hình thành sau lịch sử hàng ngàn năm trị thủy của dân tộc. Vì vậy, đê thường xuyên bị xói mòn, nhất là khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, đã làm thay đổi dòng chảy cũng như lưu lượng nước ở đồng bằng sông Hồng. Hằng năm, lũ lụt vẫn là thách thức đối với sự phát triển bền vững và ổn định của đồng bằng, không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế.

Chính quyền bó tay, xâm phạm tái diễn

Đứng trên cầu Thăng Long nhìn xuống dòng sông Hồng, ai cũng thấy rõ việc khai thác cát hai bên sông Hồng diễn ra một cách ngang nhiên như thế nào. Ngoài việc hút cát từ dưới sông lên, các đơn vị, doanh nghiệp khai thác cát còn tập kết cát, sỏi được vận chuyển từ nơi khác đến, tạo thành những đống khổng lồ, có đống tới hàng chục vạn mét khối, đè nặng lên thân đê, gây mất an toàn cho đê. Những việc làm này không khác gì thách thức chính quyền, nhưng nó đã tồn tại bao nhiêu năm nay mà vẫn không bị xử lý. Vậy, phải chăng là sự thiếu trách nhiệm của một số huyện như Từ Liêm, Đông Anh về đê điều, bão lụt.

Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một lãnh đạo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT TP Hà Nội) về vấn đề này. Theo vị lãnh đạo này, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão chỉ có nhiệm vụ phát hiện, thông tin cho các quận, huyện để xử lý. Còn theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm có tới 9 vụ vi phạm Luật Đê điều. Mặc dù, những sai phạm này xảy ra năm 2004, nhưng đến nay, các công trình vi phạm vẫn tồn tại và hoạt động. Mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT đi kiểm tra, toàn bộ phần đất của công ty nằm hoàn toàn trên bãi sông ngoài đê hữu sông Hồng, điểm gần nhất cách chân đê chính 20m, phía ngoài tiếp giáp với đê bối.

Còn theo phản ánh của người dân địa phương, việc khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp, không theo quy hoạch đã làm sạt lở hàng chục ngàn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp. Người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị chính quyền xã, huyện kiểm tra và có biện pháp xử lý nhưng mọi việc “đâu vẫn hoàn đấy”. Nhiều năm nay vẫn tuyên truyền, ra quân xử lý, nhưng thực tế chỉ làm cao điểm trước mỗi mùa mưa bão. Việc khai thác cát sỏi không tuân thủ quy hoạch đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới đê điều, dòng chảy và các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhưng đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt vài ba triệu đồng/vụ, không đủ sức răn đe.

Đó là còn chưa kể hàng loạt doanh nghiệp tận dụng mặt đê để đóng than tổ ong, đóng khuôn bê tông, sản xuất nhựa... hay gần 100 hộ ngành đường thủy sinh hoạt ngay trên mặt đê Liên Mạc cả chục năm nay. Bản thân Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão cũng hết sức bức xúc mà không thể thay đổi tình hình. Có một thực tế đáng lo ngại, các doanh nghiệp, cá nhân thường chấp hành không đúng các quy định về bảo vệ hành lang đê điều. Qua điều tra của phóng viên, phần lớn các điểm khai thác không được cấp phép, còn nếu doanh nghiệp nào được cấp phép thì việc khai thác cát trở nên vô tội vạ. Đáng chú ý là các vi phạm như: Tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng khối lượng lớn trên các bờ bãi sông; xe chở đất đá, cát sỏi quá tải hoành hành ngày đêm trên các tuyến đê của thành phố, gây hư hỏng đê ở nhiều nơi...

Cứ sau mỗi lần ra quân truy quét của các cơ quan chức năng thì tình trạng vi phạm này lại tiếp tục tái diễn. Nhiều khu vực khai thác giáp ranh giữa các địa phương, chính quyền đôi bên đều ở trong tình trạng “cha chung không ai khóc”, nên dòng sông tha hồ được “nạo, hút” tới mức cạn kiệt.

Không ai mong đê điều gặp sự cố, bởi như đã trình bày, điều đó tác động rất lớn. Có thể, 5-7 năm nữa, những vụ sạt lở kinh hoàng ngay dưới chân cầu Thăng Long sẽ giải thoát “sức ì” của chính quyền một số quận, huyện trong việc bảo vệ an toàn đê điều, giúp họ “tuyên chiến” thực sự với cát tặc núp bóng doanh nghiệp! Do nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên hệ thống sông Hồng đã đến hồi báo động. Do vậy, công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Đã hơn một lần Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội Đỗ Đức Thịnh phản ánh với báo giới về thái độ “vô tư” thái quá của chính quyền địa phương. “Theo chức năng, các cơ quan quản lý đê điều chuyên trách phát hiện vi phạm và chuyển cho chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vụ vi phạm chính quyền địa phương không xử lý kịp thời hoặc chưa xử lý kiên quyết”, ông Thịnh khẳng định. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thậm chí chính quyền địa phương một số nơi còn bao che cho các vi phạm, nên các cơ quan chuyên ngành khó phát hiện. Mặt khác, trong một số trường hợp, các cơ quan quản lý chuyên trách cũng chưa phối hợp chặt chẽ trong việc đôn đốc thực hiện, dẫn đến vi phạm gia tăng. Chi cục đang đề nghị thành phố tập trung nguồn lực hoàn chỉnh việc cắm mốc hành lang đê để hạn chế vi phạm; tham mưu cho các bộ, ngành sớm quy hoạch các bãi sông, bến sông để xác định rõ chỗ nào được khai thác cát, chỗ nào để vật liệu xây dựng.

Bộ NN&PTNT đã có báo cáo Chính phủ về tình trạng vi phạm đê điều đang xảy ra nghiêm trọng trên nhiều quận, huyện của TP Hà Nội, số vụ vi phạm có xu hướng tăng cả về quy mô lẫn mức độ nghiêm trọng. Trong khi công tác xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ vi phạm đã được xử lý dứt điểm còn ít, có nhiều tồn đọng.

Hà Chung

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc