Để điện mặt trời phát triển

06:08 | 25/05/2017

3,994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm qua, mặc dù được đánh giá là quốc gia có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong việc phát triển điện mặt trời, nhưng theo ghi nhận, việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Chi phí đầu tư lớn, giá bán thấp… được chỉ ra là nguyên nhân căn cơ dẫn đến thực tế này. Vậy nên, khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, giới chuyên gia tin rằng, đây sẽ là bước đà quan trọng để điện mặt trời phát triển, hướng tới mục tiêu công suất 850MW vào năm 2020 theo Quy hoạch điện VII.

Chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam PGS.TS Đặng Đình Thống: Đã có điều kiện cần và đủ

de dien mat troi phat trien

Trước đây, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển sạch, chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển các nguồn năng lượng nói chung… Trong đó, đã có một số điều, mục đề cập đến năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung và điện mặt trời nói riêng. Gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành 2 văn bản quan trọng đối với phát triển NLTT, trong đó có điện mặt trời. Đó là, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (điều chỉnh) và Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cả 2 văn bản này đều nêu rõ mục tiêu “ưu tiên phát triển nguồn điện NLTT, tạo đột phá trong đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó quy định cụ thể về thuế, giá bán điện mặt trời. Cụ thể, mức giá điện mặt trời được ban hành như hiện nay là 9,35 cent/kWh, nếu so với thế giới chỉ được xếp vào loại trung bình. Tuy nhiên, đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam mạnh mẽ hơn thời gian tới, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Cũng phải nói thêm rằng, nếu là 10 năm trước, suất đầu tư điện mặt trời khoảng 6.000-7.000 USD/kWp, nhưng hiện nay suất đầu tư trung bình chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 USD/kWp, tức là giảm 6-7 lần. Sở dĩ suất đầu tư điện mặt trời giảm mạnh trong thời gian qua một phần là do công nghệ sản xuất điện mặt trời ngày càng hoàn thiện. Lý do thứ hai là, 5-10 năm gần đây, Trung Quốc và Đài Loan đã tham gia vào thị trường này và nhanh chóng trở thành những địa chỉ sản xuất pin mặt trời hàng đầu thế giới với giá cực rẻ, buộc các công ty ở Tây Âu và Mỹ muốn tồn tại cũng phải giảm giá bán sản phẩm của mình. Hiện nay, sản lượng pin mặt trời của Trung Quốc đã chiếm khoảng 50% thị phần pin mặt trời thế giới.

de dien mat troi phat trien

Với những chính sách mới, điện mặt trời có thể góp phần giải quyết vấn đề cung cấp điện ở khu vực phía Nam. Bởi hầu hết các dự án điện mặt trời đã và đang chuẩn bị đầu tư tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Đây cũng là khu vực có số giờ nắng cao và cường độ bức xạ mặt trời lớn nhất cả nước. Vì vậy, nếu Chính phủ ban hành kịp thời chính sách ưu đãi phát triển điện mặt trời thì các tỉnh/thành phía Nam sẽ có điều kiện được bổ sung nguồn điện sạch, từng bước đáp ứng nhu cầu nội miền, góp phần giảm áp lực cung cấp điện của EVN.

Chiến lược phát triển NLTT, trong đó có điện mặt trời đã được ban hành, các chính sách về thuế, giá cũng có nhiều ưu đãi… đó là các yếu tố quan trọng nhất cho phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển điện mặt trời nói riêng, NLTT nói chung thành công, rất cần sự minh bạch, nhất quán trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Ngoài ra, thủ tục hành chính đối với các dự án vẫn còn rườm rà. Điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Tước: Tháo gỡ rào cản để đưa NLTT về hộ gia đình

de dien mat troi phat trien

Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng có tiềm năng rất lớn về phát triển điện mặt trời, nhất là theo quy mô hộ gia đình. Cường độ bức xạ trung bình ở TP HCM khoảng 5 kWh/m2/ngày và số ngày nắng trung bình khoảng 300 ngày/năm. Thành phố có khoảng hơn 2 triệu hộ gia đình, nếu trung bình mỗi hộ lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 3kWp, thì tổng công suất điện mặt trời sẽ khoảng 6GWp. Đây là con số khá lớn, nhưng vẫn chỉ là tiềm năng lý thuyết, bởi việc ứng dụng điện mặt trời quy mô hộ gia đình vẫn còn khá hạn chế. Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM, trên địa bàn thành phố mới chỉ có khoảng 60 hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời, với tổng công suất hơn 230kWp.

Theo đánh giá của chúng tôi, có khá nhiều rào cản, thách thức cho sự phát triển điện mặt trời nói chung và quy mô hộ gia đình nói riêng ở Việt Nam.

Thứ nhất là rào cản về thể chế. Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế và chưa mang lại hiệu quả thiết thực, do điện mặt trời là một lĩnh vực mới, đang phát triển ở nước ta.

Thứ hai là rào cản về kỹ thuật - công nghệ. Việt Nam mới chỉ nội địa hóa được một phần công nghệ điện mặt trời. Ngoài ra, chúng ta cũng đang thiếu trầm trọng chương trình nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác và sử dụng điện mặt trời.

“Hiện nay, đã có một số dự án điện mặt trời công suất nhỏ đang được triển khai ở giai đoạn tiền khả thi. Chính vì vậy, để thu hút đầu tư, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng và ban hành Quy hoạch điện mặt trời Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù phát triển ở mức độ nào thì điện mặt trời cũng không thể là nguồn năng lượng chủ đạo trong hệ thống điện quốc gia mà chỉ hỗ trợ phủ đỉnh công suất vào giờ cao điểm”.

(Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi)

Thứ ba là rào cản về kinh tế, tài chính. Suất đầu tư dự án điện mặt trời dù đã giảm nhưng còn khá cao, trong khi giá điện lại rất thấp, nên chưa thu hút được người dân cũng như doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà, công xưởng...

Thứ tư là rào cản về thông tin, truyền thông. Các dự án, mô hình, chương trình thí điểm về lắp đặt điện mặt trời thành công chưa được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, xây dựng niềm tin cho hộ gia đình và cộng đồng.

Cuối cùng là rào cản về sự tham gia tích cực của cộng đồng. Hộ gia đình là thành phần sử dụng năng lượng chính, nếu không có sự tham gia, chung tay thực hiện thì chính sách, mục tiêu phát triển điện mặt trời sẽ khó trở thành hiện thực.

Với các địa phương khác, tôi cho rằng, để nhân rộng ra phạm vi cả nước còn phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Giải pháp tốt nhất là mỗi địa phương nên xây dựng các cơ chế hỗ trợ riêng, lồng ghép, phối hợp với các cơ chế, chính sách chung của Việt Nam, thúc đẩy thị trường điện mặt trời ở mỗi tỉnh, thành phố phát triển. Qua đó, góp phần vào mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2020 đạt công suất 1GWp, năm 2030 đạt 24GWp, thực hiện đúng chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam.

Về phía Nhà nước, bên cạnh cơ chế hỗ trợ, giá mua, bán, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách ưu đãi, thúc đẩy hộ gia đình tích cực tham gia lắp đặt điện mặt trời quy mô gia đình. Đồng thời, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng ở địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ứng dụng NLTT nói chung và điện mặt trời nói riêng, nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu được những lợi ích thiết thực của điện mặt trời…

Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh: Đưa nông dân vào cuộc

de dien mat troi phat trien

Trong một thời gian dài, quy hoạch năng lượng nói chung và năng lượng điện nói riêng chưa coi trọng nguồn NLTT trong cơ cấu nguồn điện, vì suất đầu tư cho 1kW công suất điện mặt trời cao. Dự báo xu thế công nghệ năng lượng mặt trời cũng chưa được xem xét thỏa đáng, nên chưa cập nhật kịp thời và chưa theo kịp được xu thế suất đầu tư giảm rất nhanh trên thế giới trong những năm trở lại đây.

Ngoài ra, việc thiếu cơ chế đấu nối, bù trừ, mua điện trực tiếp từ NLTT nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng cũng là rào cản, dẫn đến khó thu hút được các nhà đầu tư cũng như huy động sự tham gia của các hộ gia đình, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang thực sự cần những chính sách đột phá trong phát triển thị trường điện mặt trời. Nhà nước cần ban hành cơ chế đấu nối (Grid code), huy động “xã hội hóa” đầu tư điện mặt trời nối lưới quy mô nhỏ từ các hộ gia đình, xí nghiệp, công xưởng quy mô nhỏ. Nông dân thay vì chỉ có thu nhập từ cây trồng, vật nuôi, cũng có thể tham gia vào đầu tư hệ thống điện mặt trời, từ đó có thêm thu nhập…

Để đạt được mục tiêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh về điện mặt trời, Nhà nước cần ban hành chính sách và hướng dẫn chi tiết thủ tục mua bán điện mặt trời. Đặc biệt, việc cần làm ngay là ưu tiên hỗ trợ thực hiện các giải pháp phát triển điện mặt trời độc lập hoặc lai ghép với các nguồn năng lượng khác ở những khu vực chưa có điện lưới. Điều này có thể thu được nhiều lợi ích: Tăng số hộ gia đình được tiếp cận với nguồn năng lượng sạch; tăng cường năng lực chuyên môn, kỹ thuật cho nhân sự trong nước về lĩnh vực điện mặt trời; thiết lập các chuỗi giá trị nội địa cho ngành công nghiệp mới này…

Chính sách phát triển điện mặt trời tại một số quốc gia

Nhiều quốc gia đang nỗ lực thực hiện các dự án lớn để phát triển điện mặt trời, nhưng cũng có không ít quốc gia lại đang kìm hãm sự phát triển của nguồn năng lượng này vì nhiều lý do khác nhau.

Chậm phát triển vì chính sách quốc gia

Theo Imke Lubbeke, một quan chức của Văn phòng Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại châu Âu, việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung và điện mặt trời nói riêng ở châu Âu hiện chưa đạt kết quả như mong muốn. Kết quả phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, đến năm 2021, tốc độ sử dụng điện mặt trời tại EU sẽ chỉ tăng 23%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 62% trong 6 năm qua.

de dien mat troi phat trien
Sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Trung Quốc

CHLB Đức vẫn là quốc gia đứng đầu châu Âu về sản xuất và sử dụng điện mặt trời, nhờ sự ủng hộ lâu dài của chính phủ. Trong khi đó, một số nước khác ở châu Âu đã bị IEA chỉ trích là thiếu chính sách nhất quán tầm quốc gia về phát triển và sử dụng năng lượng bền vững.

Australia cũng là đất nước có ánh nắng mặt trời hầu như quanh năm, nhưng điện mặt trời vẫn chưa phát triển. Kể từ năm 2013, khi ông Tony Abbott được bầu làm Thủ tướng, ông đã tiến hành giảm bớt các mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời, cấm tài trợ cho năng lượng xanh, giải tán Ủy ban Khí hậu và làm chậm tốc độ phát triển khoa học công nghệ điện mặt trời. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng NLTT ở quốc gia này chỉ đạt 1,1%.

Còn ở Tây Ban Nha, chính phủ nước này đã thông qua đạo luật liên bang, đánh thuế sử dụng pin mặt trời. Theo chính phủ nước này, họ đang tạo ra quá nhiều điện mặt trời, vượt hơn 60% so với nhu cầu. Sự mất cân đối ấy đã làm cho chính phủ trở thành “con nợ” lớn của các nhà sản xuất điện. Để giải quyết, Tây Ban Nha cố gắng thu hẹp quy mô sử dụng pin mặt trời - điều mà chính phủ từng khuyến khích và hỗ trợ suốt 10 năm qua. Nhưng biện pháp đánh thuế không nhận được ủng hộ của người dân, thậm chí, Teresa Ribera, cố vấn cấp cao của Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDDRI) còn tỏ ra lo ngại, luật “thiếu logic” này có thể “nghiêm túc kêu gọi người dân chống lại chính phủ”.

Rõ ràng, lãnh đạo các nước cần xây dựng chính sách hợp lý về phát triển và sử dụng NLTT, trong đó có điện mặt trời. Riêng các quốc gia châu Âu cần một thị trường năng lượng năng động, cạnh tranh, dễ kết nối hơn và phù hợp với công nghệ NLTT, nếu không, nguy cơ sẽ bị tụt hậu trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Vì sao Trung Quốc dẫn đầu?

Theo Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA), năm 2016, nguồn điện mặt trời của nước này đã đạt 77,42GW, tăng gần gấp đôi năm 2015, đưa Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới về nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, điện mặt trời chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn 1% trong tổng công suất điện năng của Trung Quốc. NEA dự định tăng thêm khoảng 110GW trước năm 2020. Trong đó, vai trò của khoa học - công nghệ mang tính quyết định. Đây là kết quả của sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ khi cung cấp những khoản vay giá rẻ cho các công ty lớn sản xuất điện mặt trời, đồng thời là giải pháp để Trung Quốc giải quyết vấn đề chất lượng không khí.

Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản đang nâng cao năng lực phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời một cách sáng tạo. Năm 2013, Nhật Bản bắt đầu khai thác nguồn năng lượng này với nhà máy điện mặt trời khổng lồ được xây dựng trên biển, sản xuất đủ điện cho khoảng 22.000 hộ gia đình. Tới nay, Nhật Bản đã xây dựng thêm hai nhà máy điện mặt trời nổi và có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy nữa. Chính phủ Nhật Bản đã ủng hộ các nghiên cứu khoa học mới trong lĩnh vực điện mặt trời, hỗ trợ tích cực cho ngành năng lượng này phát triển.

Hàn Quốc cũng có chế độ ưu đãi mới cho các nhà sản xuất và tiêu dùng NLTT. Bộ trưởng Năng lượng nước này cho biết, Seoul sẽ thực hiện một hệ thống đấu giá thị trường cạnh tranh đối với các nhà sản xuất điện mặt trời vào năm 2017. Nhà phân phối có thể mua điện từ các nhà sản xuất NLTT thông qua đấu thầu và thỏa thuận giá cố định kéo dài 20 năm, giúp các nhà sản xuất năng lượng xanh có lợi nhuận ổn định. Ngoài hệ thống đấu thầu cạnh tranh, Hàn Quốc sẽ mở rộng trợ cấp để hỗ trợ tới 50% chi phí lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình và trường học.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ với những chính sách đồng bộ đã tạo điều kiện cho các nước này phát triển điện mặt trời, giúp cân bằng nguồn năng lượng quốc gia và đảm bảo môi trường sống của người dân.

Hà Thanh - Thanh Huyền

  • el-2024