Điều chỉnh Quy hoạch 60:

Để an ninh năng lượng được bền vững

11:00 | 19/09/2015

892 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự biến động về nhu cầu năng lượng ngày càng phức tạp thì việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 (Quy hoạch 60) của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp với thực tế, đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế của đất nước.  

Cần thiết phải điều chỉnh

Như đã biết, Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 (Quy hoạch 60) là một chủ trương lớn của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia được bền vững. Sau 3 năm thực hiện Quy hoạch 60, do tốc độ phát triển các ngành công nghiệp, nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ chủ yếu như nhiệt điện chạy than, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, hóa chất, giấy đã có nhiều thay đổi. Ngoài ra, kết quả và số liệu thăm dò tài nguyên than tại bể than sông Hồng chuẩn bị cho Quy hoạch điện VII cũng cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề cần được cập nhật, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Do vậy, nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong việc điều chỉnh quy hoạch ngành than, vào ngày 1-9 mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, các cấp bộ, ngành liên quan với nhiều góp ý khách quan, đóng góp cho quy hoạch điều chỉnh mới phải sát thực tế, đảm bảo mục tiêu ngành than Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

de an ninh nang luong duoc ben vung
Khai thác than lộ thiên tại Quảng Ninh

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, tốc độ phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ than, nhất là nhiệt điện than, xi măng, hóa chất… gia tăng, điều kiện tài nguyên cũng có nhiều thay đổi  như hiện nay nên cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch 60 cho phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh của ngành than, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Theo đó, nội dung Dự thảo Quy hoạch 60 điều chỉnh bao gồm 6 chuyên đề chính, cụ thể là: Tài nguyên, trữ lượng và công tác thăm dò; Phân giao quản lý tài nguyên giữa Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc; Quy hoạch khai thác, sàng tuyển, vận tải ngoài và cảng xuất, nhập khẩu than; Dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước và cân đối cung cầu; Nhu cầu nhập khẩu than và nguồn nhập khẩu; Phân tích kinh tế, tài chính và các giải pháp thực hiện.

Ngành than còn vướng nhiều nút thắt

Nhất trí về việc cần sửa đổi Quy hoạch 60, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đã chỉ ra rằng, vấn đề quan trọng nhất trong Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch 60 là phải xác định được nguồn than, sau đó mới tính đến các kế hoạch triển khai. Ông Ngãi dẫn chứng trong Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành than trong 5 năm phải hoàn thành công tác thăm dò, xây dựng được 28 mỏ mới, mở rộng 61 mỏ cũ… Theo tính toán, nếu đầu tư cho phát triển 10 mỏ, mỗi mỏ 20 triệu tấn/năm, thì 5-7 năm nữa sẽ có thêm 20 triệu tấn, cộng với 40 triệu tấn/năm hiện nay, sẽ đáp ứng nhu cầu 60-70 triệu tấn/năm cho thị trường.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư mở rộng mỏ là rất lớn tiêu tốn chục nghìn tỉ đồng, do đó ngành than cần sự hỗ trợ đắc lực từ nhiều phía.  Một vấn đề nữa đó là việc đánh giá, thăm dò trữ lượng  tại bể than sông Hồng được đề cập từ nhiều năm qua nhưng đến nay chưa hoàn thành, nguyên nhân là do những vướng mắc trong công tác cấp phép. “Tới đây Chính phủ, Bộ Công Thương cần giao cho TKV và Tổng Công ty Đông Bắc hoàn toàn đảm bảo công tác thăm dò trữ lượng, đồng thời, tạo cơ chế vốn cho các đơn vị này đầu tư mở mỏ mới, cùng với đó là thời gian nhất định phải hoàn thành”, chuyên gia Trần Viết Ngãi kiến nghị.

Một vấn đề nữa, bây giờ Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới. Thế giới đang hạn chế nhiệt điện đốt than, nhưng Việt Nam lại tăng cường lĩnh vực này. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… từ nhiều năm qua đã chủ yếu dùng khí hóa lỏng để xây dựng nhà máy điện. Với xu hướng phát triển hiện nay, theo quan điểm của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nếu Việt Nam không có một tầm nhìn bao quát toàn bộ ngành năng lượng, việc phát triển kinh tế giai đoạn tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Miến, Tổng cục Địa chất, Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cần xem xét lại con số 39 tỉ tấn trữ lượng than trong dự thảo vì đây là con số đã có từ lâu, hiện không còn chính xác. Chi tiết hơn với bể than Đông Bắc, ông Miến đề nghị cần thành lập tổ tư vấn thẩm định, rà soát tài nguyên để đảm bảo khách quan. Cùng góp ý vào dự thảo, ông Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban Quản lý Các dự án than Đồng bằng sông Hồng (TKV) - đề nghị tính toán trữ lượng tại các mỏ than một cách thận trọng hơn.

Tính toán nguồn than cho điện

Về vấn đề đảm bảo nguồn than cho điện, dẫn số liệu dự báo nhu cầu tiêu thụ than của các hộ trong nước tăng cao và đến năm 2017 sẽ thiếu nguồn than trong nước, Phó tổng giám đốc TKV Khuất Mạnh Thắng yêu cầu, khi điều chỉnh Quy hoạch 60 nên tính toán sát cung - cầu. Đồng thời, ngoài việc đưa vào quy hoạch nhu cầu theo từng năm thì cần đưa vào tính toán nhu cầu than tiêu thụ theo mùa. Ông Thắng đề nghị TKV tiếp tục là đơn vị chủ trì thực hiện Quy hoạch 60 điều chỉnh và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp phép thăm dò, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, các chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục tham gia tư vấn để triển khai các dự án kịp tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Với than nhập khẩu, theo ông Thắng: “Hiện nay chỉ có các hộ tiêu thụ truyền thống có cam kết và hợp đồng lâu dài với TKV, còn đa số các hộ tiêu thụ nhỏ không có cam kết, điều này gây khó khăn cho TKV tìm kiếm nguồn và lên kế hoạch nhập khẩu than nên Bộ Công Thương và Chính phủ có chỉ đạo khi điều chỉnh Quy hoạch 60”.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải nhấn mạnh, nhu cầu than cho phát điện ngày tăng cao. Cụ thể, theo Tổng sơ đồ điện VII đang điều chỉnh thì dự báo từ nay đến 2017 cần 38,3 triệu tấn và năm 2020 là 70 triệu tấn. Vì vậy, phải tính toán nhu cầu than cho điện trên cơ sở tham chiếu Quy hoạch của ngành điện. Với các nhà máy điện ở khu vực phía Nam, lưu ý đến quy hoạch cảng than để đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ than và có tính toán dự phòng nguồn than cho các tình huống rủi ro do thời tiết, thiên tai bằng việc đầu tư xây dựng các kho chứa than tại khu vực này.

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để tài nguyên năng lượng của Việt Nam không chỉ thích ứng với biến đổi của thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế những năm tới mà còn đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho phát triển kinh tế đất nước. Theo kế hoạch, Quy hoạch 60 điều chỉnh sẽ được Bộ Công Thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối năm 2015.

 

Hà Trang