Dạy trẻ sáng tạo đồ chơi - bài học từ Nhật Bản

09:12 | 14/08/2012

4,839 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tất cả các dụng cụ bạn dùng chỉ là một cái kéo, không keo dán, không băng dính. Chỉ cắt, gập, và ráp nối các ống giấy để tạo ra chú rô-bốt của riêng bạn, mất khoảng 30 phút. Những đồ chơi thủ công tưởng chừng quá lỗi thời và xa lạ với trẻ em, nay được một thanh niên Nhật Bản làm sống lại và khiến nó trở nên gần gũi với cả người lớn và trẻ em.

Truyền sự sống cho những vật vô tri

Chỉ với tờ giấy, mẩu gỗ cùng một cái kéo, nhà thiết kế tài ba người Nhật - Takashi Tsunoda – đã tạo nên những đồ chơi sống động, giản dị mà tinh tế. Cách anh làm ra chúng cũng rất đơn giản, chỉ cắt, gập và ráp nối các ống giấy, tờ giấy lại với nhau một cách đa dạng và khiến chúng trở nên có hồn và đầy màu sắc.

Ý tưởng sáng tạo nên những chú robot sống động này được bắt đầu từ chiếc máy Hinemosu-kit - một loại máy giúp tạo ra những ống giấy từ những tờ rơi đã qua sử dụng nhằm khuyến khích trẻ em sáng tạo ra những đồ chơi bằng tay với các ống giấy đó. Và để thực hiện được mục tiêu ấy, trước tiên phải tạo ra và trưng bài những tác phẩm thật tinh xảo để làm mẫu.

Sáng tạo ra được một cái gì đó mới mang đến cho người ta cảm giác thích thú nhưng bên cạnh đó cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn. Lần đầu tiên trong đời, Tsunoda trải nghiệm công việc làm ra một sản phẩm từ các ống giấy nên đã gặp rất nhiều giới hạn bởi lẽ anh chỉ có thể sử dụng một vật liệu duy nhất đó là ống giấy. Ảnh đã trải qua rất nhiều ngày tháng với nhiều lần thử và thất bại.

 

Rô-bốt bằng ống giấy (Piperoid) - Giải Thiết kế Đẹp của Nhật vào năm 2007.

 

Các sản phẩm trong giai đoạn đầu tiên được làm từ những tờ rơi đã qua sử dụng phù hợp với mục đích sáng tác trên máy Hinemosu kit. Tuy nhiên, những tờ rơi có sẵn đã qua sử dụng đó làm ra tác phẩm không có tính thẩm mỹ cao. Để cải thiện điều đó, tác giả đã phát triển việc sử dụng giấy màu và đã tạo ra nhiều loại sản phẩm này trong một thời gian.

Trong quá trình tạo ra nhiều sản phẩm với giấy màu, Tsunoda tình cờ nảy sinh ra một ý tưởng phân biệt các màu sắc bằng cách dùng máy in, ý tưởng này đã mở ra một bước tiến lớn trong giai đoạn tiếp theo. In giấy màu từ máy in có thể giúp Tsunoda vẽ lên các khuôn mặt, các chi tiết và sản phẩm trở nên tinh xảo và có những biểu hiện cảm xúc tinh tế hơn trước.

Tsunoda đã tạo ra nhiều chư rô-bốt một cách nhanh chóng và đã cuốn hút được sự chú ý của Taki (người tạo ra chiếc máy Hinemosu kit). Và ông đã bảo Tsunoda rằng “Cậu không cần phải làm game nữa đâu. Cậu bán những sản phẩm này đi”.

Từ giây phút đó Rô-bốt bằng ống giấy (Piperoid) đã trở thành một sản phẩm thương mại và Takashi Tsunoda trở thành một nhà thiết kế đồ thủ công.

Con đường thương mại hóa Piperoid không hề bằng phẳng. Tsunoda đã vô cùng kiên định qua vô vàn thử thách và thất bại. Anh như một người hoàn toàn không hòa nhập với công ty máy tính và đương nhiên phải hứng chịu nhiều cách đối xử hà khắc của đồng nghiệp.

Tuy nhiên, Piperoid đã có một lối rẽ khi nó được tham gia vào triển lãm “Design Tide”, một triển lãm rất lớn về thiết kế ở Tokyo. Và Tsunoda đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ triển lãm này bởi tính Nhật rõ rệt trong những tác phẩm mang phong cách Bắc Âu của mình.

Sau bước rẽ quan trọng đó, Piperoid đã được xuất khẩu đến với nhiều nước trên thế giới và vì vậy đã được bày bán tại MoMA (Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại New York) và đoạt giải thiết kế đẹp tại Nhật Bản.

Để đáp ứng tiêu thụ ngày càng cao, những ống giấy đã được sản xuất với số lượng lớn bởi những máy móc tiên tiến thay vì sản xuất bằng tay. Và rồi cuối cùng, Piperoid đã được công nhận là một tác phẩm độc đáo.

Thay đổi con người qua sản phẩm, thay đổi thế giới qua thiết kế. Đây là tham vọng triết học của anh Tsunoda mà anh học được từ người thày Taki của mình.

Và rồi, Tsunoda quyết định thành lập công ty riêng của mình với thương hiệu “twelvetone”. twelvetone” là một sân chơi và phòng thí nghiệm cho anh thử sức và để trả lời câu hỏi “Kawaii – Dễ thương là gì?” theo cách của riêng anh, theo một quá trình của sản xuất và bán sản phẩm.

 

Bài học đến từ Nhật Bản

Triển lãm “Thế giới đồ chơi nội thất” được Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hợp tác với Công ty TNHH Koto (Nhật Bản) tổ chức tại Hà Nội, đông đảo người dân đã được tiếp xúc với những đồ chơi đáng yêu và duyên dáng của “twelvetone”.

Các mẫu đồ chơi nội thất đều đơn giản nhưng xinh xắn, đáng yêu, được bắt nguồn cảm hứng từ các nhân vật lịch sử, nhân vật nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản và các nhân vật từ các trò chơi. Mỗi nhân vật đều mang một câu chuyện riêng, độc đáo, sẽ là một điểm nhấn trang trí cho gia đình và văn phòng và thậm chí như một đồ vật đựng hộp ghi nhớ.

Đồ chơi thủ công của “twelvetone” gây được tiếng vang và đạt nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc thi quốc tế bởi rất nhiều lý do, trong đó, lý do quan trọng nhất chính là “chất Nhật” thấm đẫm trong từng mẫu sản phẩm. Đó là sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú và một trái tim hướng về với nét đẹp của dân tộc.

Không chỉ sáng tạo đồ chơi giấy, Tsunoda đã sáng tạo thành công món đồ chơi thủ công mà trẻ em có thể tự lắp được “từ một mảnh giấy”, mà “không cần dùng đến kéo và keo dán”. Nhờ những sáng tạo này mà trẻ em Nhật Bản thích thú hơn với những tờ giấy tưởng chừng vô dụng, mà thực chất lại là cả một thế giới để trẻ thỏa sức sáng tạo.

Người xem đến với triển lãm, ngoài sự khâm phục tài năng, sự khéo léo của từng tác phẩm thì có lẽ, cũng thấy chạnh lòng vì đồ chơi thủ công của Việt Nam đang dần bị lãng quên.

 

Nhiều người đã lãng quên tò he.

 

Có thể khẳng định, đồ chơi bằng giấy của tác giả Takashi Tsunoda thoạt nhìn rất đơn giản nhưng lại cực kỳ tinh tế và đầy màu sắc, thế nhưng khi khán giả đổ xô đến xem triển lãm đồ chơi thủ công của nước ngoài, có rất ít người nhớ rằng, đồ chơi thủ công của Việt Nam cũng tinh tế và trau chuốt không kém. Đó là những chiếc tò he nhiều màu sắc, là những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân hay thậm chí là những con quay đơn giản.

Thay vì cho trẻ tiếp xúc với các đồ chơi dân gian hay hướng trẻ tự suy nghĩ, tự thiết kế những đồ chơi cho riêng mình, nhiều phụ huynh lại khuyến khích trẻ tiếp xúc những đồ chơi công nghệ, làm thui chột dần khả năng sáng tạo và tìm tòi của trẻ.

Quay lưng lại với những sản phẩm tinh thần của dân tộc chính là quay lưng lại với lịch sử và văn hóa của chính mình.Tại hội chợ đồ chơi quốc tế Mỹ diễn ra tại thành phố New York từ 14-17/2/2011, hình ảnh “con quay” truyền thống đã được Công ty cổ phần robot Tosy làm sống lại với một diện mạo khác để “đem chuông đi đánh xứ người” và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan và đại diện các công ty đồ chơi khác.

Tuy nhiên, thông qua triển lãm đồ chơi Nhật Bản của nhãn hiệu “twelvetone”, có lẽ những người làm công tác văn hóa cũng cần rút ra được bài học về việc gìn giữ và phát triển văn hóa đặc trưng của dân tộc, bắt đầu từ những đồ chơi tưởng chừng tầm thường và nhỏ bé. 

Petrotimes xin gửi tới độc giả một số hình ảnh từ buổi triển lãm:

 

Bộ máy cuốn giấy Hinemosu

 

Chi tiết Rô-bốt bằng ống giấy (Piperoid)

 

Ống giấy và thành phẩm robot

 

Các bộ phận của Rô-bốt và sau khi lắp ghép

 

Hình khối Pneuma

 

Quái vật hình khối – Monster Cube

 

 

Hình khối Gigo

Play Deco - mẫu thiết kế đoạt giải Thiết kế đẹp của Nhật vào năm 2011

 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc