Đẩy mạnh nền công nghiệp chế biến sâu titan

14:37 | 25/12/2013

2,076 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu theo Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg của Chính phủ hiện đang được nhiều doanh nghiệp (DN) tích cực thực hiện đúng hướng và lộ trình cam kết, tiến tới hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản titan tại Việt Nam trong thời gian tới.

Năng lượng Mới số 285

Chưa khai thác hết giá trị

Nước ta là một trong những nước có trữ lượng và chất lượng khoáng sản titan hàng đầu thế giới. Titan được sử dụng trong các ngành quan trọng như: hàng không, vũ trụ, tàu ngầm, hóa chất và các ngành kinh tế khác. Năm 2007, trữ lượng khoáng sản titan nước ta được xác định là 34,5 triệu tấn. Tuy nhiên, theo dự báo mới nhất, trữ lượng ước tính lên tới khoảng 658 triệu tấn, trong đó, trữ lượng có thể quy hoạch khoảng 440 triệu tấn. Nếu con số này được khẳng định, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về trữ lượng khoáng sản titan bao gồm 2 dạng titan gốc và titan sa khoáng. Cả hai loại titan này đều được khai thác lộ thiên.

Khai thác titan tại Bình Thuận

Các sản phẩm được chế biến từ titan và zircon đang được các DN sản xuất trong nước tiêu thụ ngày một nhiều. Theo thống kê của Hiệp hội Titan Việt Nam, năm 2008, xấp xỉ 30.000 tấn titan pigment, dự báo thời gian tới, tăng trưởng tiêu thụ bình quân 15-20%/năm. Zircon mịn và siêu mịn tiêu thụ trên 10.000 tấn, đặc biệt là zircon siêu mịn có cỡ hạt 1-10mm. Mới đây nhất, ngày 29/11, tại tỉnh Bình Thuận, khu công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình (xã Sông Bình, huyện Bắc Bình) đã được khởi công theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khu công nghiệp chế biến sâu titan lớn nhất và duy nhất của Việt Nam, chuyên chế biến sâu titan với 3 nhóm sản phẩm chính gồm xỉ titan, rutin nhân tạo, zircon mịn và siêu mịn; pigment (dioxittitan), các hợp chất zircon; titan xốp, titan kim loại và hợp kim titan.

Theo ông Lê Văn Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam, hiện nay, 32 dự án khai thác titan ở nước ta có hiệu lực với tổng công suất 1,26 triệu tấn/năm. Đến năm 2020, dự kiến các dự án cấp mới sẽ là 43, với tổng diện tích 27.443ha. Nhiều năm qua, các DN tuy đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác và chế biến quặng titan nhưng cũng chỉ dừng ở các sản phẩm quặng tinh, làm nguyên liệu và có giá trị kinh tế thấp. Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam Lê Văn Lịch cũng cho biết, ngành công nghệ chế biến titan mới chỉ dừng lại ở các công đoạn như hoàn nguyên ilmenite, nghiền mịn hoặc siêu mịn zircon, chế biến xỉ titan với công nghệ, thiết bị đơn giản, chủ yếu sử dụng công nghệ Trung Quốc lạc hậu, hiệu quả thấp, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới môi trường. Đồng thời, hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến titan ở Việt Nam trong những năm qua là “quá nóng” khi số lượng đơn vị tham gia khai thác chế biến ngày càng nhiều với công suất trên 1,2 triệu tấn/năm, trải dài từ vùng quặng gốc Thái Nguyên, chạy dọc biển miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Titan là khoáng sản không tái tạo, quý hiếm nên một số DN đã bắt đầu chú trọng đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, thăm dò, đánh giá trữ lượng chính xác nhằm khai thác tận thu nguồn tài nguyên này. Thực tế cho thấy, một số DN bắt kịp chính sách mới của Chính phủ về đầu tư chế biến sâu như: Công ty Khoáng sản Bình Định, Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn. Tại Thái Nguyên, Công ty CP Ban Tích, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi Thái Nguyên đầu tư các nhà máy luyện xỉ titan. Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đã đầu tư nhà máy chế biến zircon siêu mịn công suất 10.000 tấn/năm, chất lượng quốc tế, góp phần giảm nhập khẩu loại sản phẩm này. Công ty XNK Quảng Bình đầu tư dự án sản xuất xỉ titan 20.000 tấn/năm; Công ty TNHH Nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên - Huế xây dựng hai dây chuyền sản xuất zircon giai đoạn 1, công suất 4.500 tấn/năm; dây chuyền và đầu tư dự án luyện xỉ titan công suất 10.000 tấn/năm, chuẩn bị nâng thêm công suất 10.000 tấn/năm…

Khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, có trữ lượng titan lớn nhất, chiếm hơn 90% trữ lượng cả nước, cũng có nhiều DN đi vào chế biến sâu với đầu tư cơ bản, dây chuyền đồng bộ chế biến ilmenite, zircon, Rutil như: Công ty CP Khoáng sản Bằng Hữu, Công ty CP Đường Lâm… Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hợp Long chuẩn bị đầu tư dự án sản xuất titan Pigment bằng công nghệ Alsher…

Về chế biến sâu, hiện tại mới có 2 nhà máy sản xuất Ilmenite hoàn nguyên công suất 20.000 tấn/năm và 5 nhà máy luyện xỉ đã sản xuất giai đoạn 1, công suất 84.000 tấn/năm. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là không có đối tác chuyển giao công nghệ, đặc biệt, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên một số dự án chế biến sâu không thực hiện được hoặc phải dừng.

Để quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý khoáng sản titan, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành, địa phương và DN thực hiện tốt quy định luật pháp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 về “Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025”. Bộ Công Thương đã quy định phẩm cấp chất lượng khoáng sản trong giai đoạn chưa có chế biến sâu, đồng thời hạn chế, tiến tới dừng xuất tinh quặng Ilmenite và chỉ đạo quyết liệt đầu tư các dự án chế biến sâu. Theo Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, nếu sản xuất được xỉ titan hoặc Rutil nhân tạo, giá trị sản phẩm tăng 2,5-3,5 lần; nếu sản xuất được titan Pigment, giá trị tăng 10-15 lần; nếu sản xuất được titan kim loại, giá trị tăng ít nhất 80 lần; nếu sản xuất được zircon siêu mịn (từ zircon 65%) giá trị tăng 3-4 lần.

M.Kiên