Đầu tư công và giảm nợ công: 1 trong 2?

09:06 | 14/11/2011

399 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, vấn đề mà dư luận, Quốc hội và người dân quan tâm nhất là kịch bản cho nền kinh tế trong 4 năm tới mà Chính phủ trình lên gần đây. Tuy nhiên, trong hai vấn đề mấu chốt là đầu tư công và giảm nợ công, cái nào nên được ưu tiên trước nhất?

Giải pháp mang tính rộng khắp

Đa số các chuyên gia kinh tế đều đồng quan điểm, Chính phủ Việt Nam không nên giảm đầu tư công vào thời điểm hiện tại. “Đầu tư là xương sống của mọi nền kinh tế, đặc biệt là với những nền kinh tế đang phát triển. Cứ tưởng tượng, nếu một doanh nghiệp không nhận được nguồn đầu tư hoặc tái đầu tư, thì rõ ràng tương lai doanh nghiệp đó sẽ ra sao? Quá bất định, không còn hướng phát triển! Điều đó cũng tương tự ở nền kinh tế vĩ mô”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa phát biểu tại Hội nghị về khả năng ứng phó khủng hoảng của kinh tế châu Á vừa tổ chức tại Hà Nội gần đây.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp bà Phạm Chi Lan, đầu tư công có 2 loại. Một mang tính an sinh xã hội cao, mang tính cộng đồng sâu rộng, đó là điện – đường – trường – trạm; phần còn lại phục vụ nền kinh tế phát triển là công nghiệp, thương mại, sân bay, cầu cảng… Cả hai đều quan trọng với Việt Nam vào lúc này.

Việc đi vay này là để trang trải cho các khoản thâm hụt ngân sách do đầu tư ban đầu vào cơ sở hạ tầng, nên nói cách khác, nợ công chính là thâm hụt ngân sách lũy kế đến một thời điểm nhất định. Để dễ hình dung hơn quy mô của nợ công, người ta thường đo xem khoản nợ chiếm bao nhiêu % tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài

Hiện Việt Nam phải sử dụng khoảng 14-16% ngân sách để chi trả nợ hàng năm. Điều đó có nghĩa, số tiền bỏ ra trả nợ bằng toàn bộ số tiền chi cho giáo dục và đào tạo; nó cũng gấp đôi số tiền chi cho y tế; bằng gần 20 lần chi cho khoa học công nghệ. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Trần Du Lịch tiết lộ, con số Bộ Tài chính đưa ra là chúng ta phải trả nợ cho năm 2012 là khoảng trên dưới 100.000 tỉ đồng, xấp xỉ 5 tỉ USD. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát con số đó, với điều kiện: quy mô, cơ cấu, hoạch định những chính sách quản lý đúng đắn và phù hợp với nợ phải được công khai.

“Ở diễn biến tương tự, sự minh bạch nợ công có vai trò rất lớn trong việc gia tăng trách nhiệm quản lý, giải trình của các cơ quan quản lý nợ. Nợ công là món nợ, xét cho cùng cũng sẽ được trả bằng tiền đóng thuế”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh. “Người dân, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước và họ cũng sẽ được Nhà nước cho biết các thông tin liên quan đến các khoản nợ công, để ý thức được vai trò đồng hành cùng Nhà nước trong việc giám sát các hạng mục được triển khai bằng vốn đi vay để sử dụng nguồn vốn này an toàn và hiệu quả. Bởi thế, nợ công là vấn đề của xã hội, nhưng nợ công chỉ có thể được giải quyết rốt ráo nếu đầu tư công mang lại lợi nhuận tối đa”.

Đầu tư chất xám cho… đầu tư công

Để thanh toán nợ công, chúng ta phải có tiền. Để có tiền, chúng ta phải làm ra… nhiều tiền. Và để làm ra nhiều tiền, chúng ta chỉ còn cách phải đẩy mạnh đầu tư ban đầu, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng và khả năng thương mại của những dự án trọng điểm. Đó là quan điểm của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Hà Huy Tuấn.

Theo ông Tuấn, Chính phủ không nên giảm nhịp đầu tư, mà nên tập trung vào công tác đầu tư chất xám cho đầu tư công. “Tôi ủng hộ đầu tư công, ủng hộ tiếp tục vay nước ngoài nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nền kinh tế vĩ mô có thể làm ra nhiều lợi nhuận. Trong công tác quản lý đầu tư công, quan trọng nhất là đổi mới tư duy. Chính phủ nên cân nhắc công nghiệp, cảng biển, sân bay… với lợi ích địa phương để giải quyết từng ngành, từng địa phương và thậm chí tỉ lệ đầu tư có nhất thiết phải là 40% GDP hay không, hay có thể nhích lên hoặc hạ xuống tùy thời điểm”, ông Tuấn cho biết.

TS Trần Du Lịch đi vào chi tiết hơn với những lập luận về công tác phân cấp đầu tư. Trên cơ sở tìm hiểu thực tế, các phát triển từng khuyên chúng ta phải thận trọng trong phân cấp đầu tư công. Nếu phân cấp cho địa phương và ngành bừa bãi, thì quy hoạch chiến lược chắc chắn bị phá vỡ vì khi được phân cấp, địa phương và ngành chỉ quan tâm đến lợi ích của nhóm cục bộ. Rốt cục, chỉ Trung ương là bị gây khó.

Dẫn lời nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, nếu ngừng cấp giấy phép đầu tư ngay lập tức, thì chúng ta cũng phải cần tới 6 năm và cỡ 300 tỉ USD để hoàn thiện toàn bộ dự án đang dang dở. “Con số đó biết nói và có sức nặng của riêng nó. Bởi vậy trong rất nhiều hội thảo và hội nghị, nhóm chuyên gia đã đưa ra hướng giải quyết, đó là nên chăng Chính phủ nên khẩn trương rao bán những dự án đang rơi vào tình trạng bị nghi ngờ về tính khả thi. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh vẫn thờ ơ, hãy mạnh dạn cho dừng lại, để tránh thất thoát về chi phí điều hành chắc chắn sẽ phát sinh”, bà Lan phân tích.

Xâu chuỗi đầu tư công và nợ công, thực chất đó là vay và trả. Vay được, xin được đã khó, nhưng quản trị quá trình xây dựng, quản trị công trình khi hoàn thành khó hơn nhiều lần. Quản lý từng đồng vốn, dù là vốn Nhà nước, đi vay hay của địa phương cũng hết sức quan trọng. Xin được mượn lời của chuyên gia Phạm Chi Lan thay lời kết: Mong Nhà nước nhìn vấn đề đầu tư công, nợ công từ góc nhìn xã hội, từ trách nhiệm đóng thuế của người dân để bắt đầu một cuộc “đại phẫu” ngay từ quý I năm tài khóa 2012.

Nợ công (nợ Chính phủ), đó là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ nợ, hoặc được Chính phủ bảo lãnh và nợ của các địa phương thuộc mọi cấp từ Trung ương đến địa phương. Các khoản trên bao gồm nợ trong nước (các khoản vay từ tổ chức cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ tổ chức cho vay ngoài nước); nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và dài hạn (trên 10 năm).

Hữu Tùng