Dầu tăng giá do lo ngại nguồn cung nhiều hơn tác động của cầu giảm, rủi ro suy thoái

09:10 | 13/05/2022

823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 12/5 đưa tin, giá dầu tăng do lo ngại về nguồn cung và căng thẳng địa chính trị ở châu Âu chiếm ưu thế hơn so với lo ngại tác động kinh tế đang ảnh hưởng đến thị trường tài chính khi lạm phát tăng cao. Dầu thô Brent tăng 46 cent, tương đương 0,4%, lên 107,97 USD/thùng lúc 11:44 sáng EDT (1644 GMT). Dầu thô WTI tăng 1,14 USD, tương đương 1,1%, lên 106,85 USD/thùng.
Dầu tăng giá do lo ngại nguồn cung nhiều hơn tác động của cầu giảm, rủi ro suy thoái
Kho dầu dự trữ của công ty Colonial Pipeline.

John Kilduff, đối tác của Agan Capital LLC ở Galena, Illinois, Mỹ, cho biết giao dịch rất ít và không ai biết điều gì sẽ diễn ra. Một lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đang chờ được đưa ra đối với dầu từ Nga, nhà cung cấp dầu thô và nhiên liệu chính cho EU, được cho là sẽ thắt chặt hơn nữa nguồn cung toàn cầu.

EU vẫn đang mặc cả về các chi tiết của lệnh cấm vận dầu Nga và cần được sự nhất trí của tất cả các thành viên. Tuy nhiên, một cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn khi Hungary phản đối lệnh cấm vì nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của nước này.

Nói rộng hơn, giá dầu và thị trường tài chính đã chịu áp lực trong tuần này trong bối cảnh lo ngại về lãi suất tăng, đồng đô la Mỹ mạnh nhất trong 2 thập kỷ, lạm phát và suy thoái có thể xảy ra.

CPI của Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng 4/2022 đã tăng 8,3%, làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất lớn hơn và tác động của chúng đối với tăng trưởng kinh tế.

Việc phong tỏa do COVID-19 kéo dài tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới cũng đã ảnh hưởng đến thị trường.

Hôm thứ Năm (12/5), trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết giá xăng tiêu dùng tăng vọt và tăng trưởng kinh tế chậm lại dự kiến ​​sẽ hạn chế đáng kể sự phục hồi nhu cầu trong thời gian còn lại của năm và đến năm 2023. Cơ quan này cho biết thêm: “Các đợt phong tỏa kéo dài trên khắp Trung Quốc... đang khiến thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới giảm tốc đáng kể".

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 trong tháng thứ hai liên tiếp.

Hôm thứ Tư, giá dầu đã tăng 5% sau khi Nga trừng phạt 31 công ty có trụ sở tại các quốc gia áp đặt lệnh cấm vận đối với Moscow.

Điều đó đã tạo ra sự bất an trên thị trường cùng lúc dòng khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu qua Ukraine giảm 1/4. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu khí đốt qua Ukraine bị gián đoạn kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine./.

Thanh Bình