Đâu là “gót chân Achilles” của IS?

07:00 | 24/10/2014

1,947 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải là trung tâm trong chiến dịch truyền thông của phương Tây về cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) như Kobani (Syria), nhưng sự sinh tồn của nhóm Hồi giáo cực đoan này thực chất lại phụ thuộc vào việc có giành được quyền kiểm soát tỉnh Anbar và thành phố Fallujah ở Iraq hay không.

Năng lượng Mới số 368

Nơi nhạy cảm nhất…

Dường như tất cả chúng ta đều đã từng nghe ở đâu đó về vị trí chiến lược của tỉnh Anbar miền Bắc Iraq. Lãnh đạo địa phương này đã từng kêu cứu và cảnh báo nếu để mất Anbar vào tay IS, chúng sẽ kiểm soát một trong những con đập quan trọng nhất của Iraq cùng nhiều căn cứ quân sự, đồng thời dùng nơi này thành bàn đạp tấn công các thành phố ở Hit và Kabisa, kiểm soát một phần Ramadi, thiết lập đường viện trợ từ Syria tới gần sát Baghdad, đe dọa nghiêm trọng thủ đô Baghdad.

Tuy nhiên, không nhiều người để ý rằng, IS chưa bao giờ thực sự rời Anbar và cuộc tấn công dữ dội của IS ở vùng này chỉ là một sự trở lại đông đảo hơn, lợi hại hơn của chúng.

Kể từ năm 2003, sau khi kết thúc chiến tranh xâm lược Iraq của Mỹ, Anbar - tỉnh lớn thứ 2 Iraq, chiếm 1/3 diện tích nước này, đã được coi là một đấu trường quân sự nhạy cảm nhất, khốc liệt nhất của các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó Chi nhánh al-Qaeda tại Iraq (AQI) - tổ chức tiền thân của IS. Anbar có đường biên giới chung với 3 quốc gia là Ảrập Xêút, Jordan và Syria, đồng thời giáp 6 tỉnh của Iraq là Mosul, Salahuddin, Baghdad, Babil, Karbala và Najaf. 

Những sa mạc phức tạp và rộng lớn của Anbar là địa bàn lý tưởng cho các nhóm cực đoan đặt trụ sở và tiến hành các hoạt động khủng bố bởi chúng nằm giữa các thành phố lớn, xa các tuyến giao thông chính và không bị các cơ quan tình báo giám sát. Cộng đồng người Sunni và mối quan hệ bộ tộc du mục chiếm ưu thế ở Anbar cũng tạo nên một môi trường xã hội phù hợp với IS.

Trong suốt năm 2013, Anbar đã chứng kiến cuộc biểu tình chống chính phủ của người Sunni và đây cũng là chiến trường đầu tiên của IS ở Iraq. Ngay từ đầu năm 2014, phiến quân đã chiếm được Fallujah, 1 thành phố quan trọng ở tỉnh Anbar với đa số dân là người Sunni. Tiếp theo đó, IS mở các trận đột kích lớn táo bạo và chiếm giữ những khu vực rộng lớn ở Ramadi và tăng cường sự hiện diện trong thế mạnh tại một số thị trấn gần khu vực 3 biên giới Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Đâu là “gót chân Achilles” của IS

Bản đồ thể hiện vị trí chiến lược của tỉnh Anbar

… cũng là “tử huyệt”

Trong khi đó, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chỉ bắt đầu quan tâm đến Anbar từ đầu tháng 8-2014, khi IS lợi dụng những rối ren trong nội bộ Chính phủ Iraq để tăng cường sự hiện diện của mình và đánh chiếm nhiều thị trấn và làng mạc ở tỉnh này.

IS chia Anbar ra thành 3 đơn vị hành chính và quân sự khác nhau, đồng thời dùng vũ lực đàn áp sự phản kháng của người dân, chiếm dần từng thị trấn, làng mạc, bắt đầu từ phía sa mạc và mở rộng chiến tuyến về phía thành phố Hit và Ramadi và cuối cùng là đe dọa doanh trại quân đội Ain al-Assad từ phía Khan al-Baghdadi.

Sự lừng khừng của Chính phủ Iraq trong việc ngăn chặn đà tiến quân của IS ở Anbar, bất chấp yêu cầu viện trợ quân sự, vũ khí khẩn thiết từ các bộ tộc chống IS trong khu vực này đã khiến gần như toàn bộ Anbar dần dần rơi vào tay phiến quân. Khái niệm “hỗ trợ bộ lạc” chống IS có vẻ lúc đó vẫn mơ hồ với Chính phủ Iraq bởi nhiều yếu tố. Baghdad không thể cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho các thường dân trong khu vực xung đột mà không có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi: “Ai nhận được sự hỗ trợ? Họ sẽ phối hợp với lực lượng quân đội của chính phủ ra sao? Vị trí của các chiến binh bộ lạc trong kế hoạch an ninh là như thế nào? Họ cần gì? Tài chính, vũ khí, hậu cần hay hỗ trợ trên không?”. Thêm vào đó, bản thân quân đội Iraq cũng đang phải gánh di sản của chủ nghĩa bè phái ở Anbar - nơi người Sunni chiếm ưu thế đã sẵn mang bất mãn với chính phủ - do đa số người Shiite cầm quyền của cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki.

Quân đội Iraq triển khai ở Ramadi sau cuộc đụng độ với các tay súng IS hôm 20-10

Đến tháng 4 vừa rồi, tức là 2 tháng trước khi IS chiếm được Mosul - thành phố lớn thứ 2 Iraq, phiến quân IS đã tụ quân tại thị trấn Abu Ghraib nằm giữa thủ đô Baghdad và Anbar, tổ chức một cuộc diễu hành quân sự ở thị trấn này trước khi tiến đánh đập Fallujah, cắt đứt nguồn cung cấp nước và đe dọa trực tiếp đến Baghdad.

Ấy vậy mà mãi tới gần đây, Iraq mới chú ý đến vai trò của các chiến binh bộ lạc trong cuộc chiến chống IS. Ngày 16-10, Bộ Quốc phòng Iraq đã chuẩn y việc thành lập một lữ đoàn đặc nhiệm cấu thành bởi các bộ lạc ở tỉnh Anbar, nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh trong cuộc chiến chống lại IS. Theo đó, lữ đoàn chống IS sẽ có quân số vào khoảng 3.000 người thuộc nhiều bộ lạc khác nhau ở Anbar và sẽ được huấn luyện bởi các chuyên gia quân sự của Mỹ và Iraq trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng. Địa điểm huấn luyện là hai căn cứ nằm ở phía đông và phía tây thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar.

Trong khi đó, càng tiến gần tới thủ đô Baghdad, phiến quân IS càng có dấu hiệu chững lại và dần phải thoái lui trước các cuộc không kích của Mỹ và phong trào phản kháng của các bộ tộc Iraq, cũng như các đợt tấn công của quân đội chính phủ Baghdad. Từ một bàn đạp để mở rộng ảnh hưởng ra các tỉnh khác, giờ đây Anbar đang trở thành nơi co cụm của phiến quân và là một địa điểm chiến lược quyết định đến sự tồn vong của IS.

Việc giành lại quyền kiểm soát các khu vực bị IS chiếm đóng cũng như khuyến khích các bộ tộc giáo phái Sunni ở Anbar nổi dậy chống phiến quân cần phải là cốt lõi trong kế hoạch an ninh mới của Iraq và là điều chính phủ Baghdad cần phải thực hiện ngay. Liên minh quốc tế phải cùng với Iraq đối thoại với nhau để xây dựng một lực lượng chịu trách nhiệm tiêu diệt IS ở Anbar càng nhanh càng tốt. Bởi mất Anbar, IS sẽ mất luôn chỗ đứng chân quan trọng trên lãnh thổ Iraq và nó có thể đẩy nhanh tiến độ suy yếu rồi dẫn đến sụp đổ của IS.

Nguồn tin mới nhất từ quân đội Iraq cho biết, các xe tăng và xe bọc thép của Iraq đã đẩy lui bước tiến của các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thị trấn Amiriya Fallujah ở phía tây thủ đô Baghdad. Theo nguồn tin, quân chính phủ đã phản công lực lượng IS ở ngoại ô Amiriya Fallujah, vốn bị IS vây hãm gần tháng nay. Các binh sĩ đã phá hủy 5 xe của IS. Hiện chưa có báo cáo về con số thương vong, song dường như bước tiến của IS đã bị chặn lại.

Trong một diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc cho biết, chi phí cho cuộc chiến chống lực lượng IS tại Iraq và Syria đã lên tới 424 triệu USD chỉ trong vòng 10 tuần kể từ khi các cuộc không kích bắt đầu. Theo Thời báo Phố Wall, Lầu Năm Góc phải chi trung bình 7,6 triệu USD/ngày cho các cuộc không kích  ở Iraq và Syria, bao gồm cả chi phí giám sát các chuyến bay ở Trung Đông, một đội cố vấn quân sự và tất cả những người hỗ trợ cho bộ máy quân sự hoạt động. Cho đến nay, Bộ Quốc phòng đang dựa vào quỹ tài trợ cho chiến tranh để thanh toán các chi phí. Tuy nhiên, do cuộc chiến sẽ phải kéo dài trong nhiều năm nên chính phủ đã bắt đầu lo ngại với mức chi phí ngày càng tăng như thế này.

 

Linh Phương

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc