Đâu chỉ có kiểm tra

21:59 | 28/05/2017

972 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã trở thành việc cần làm ngay mà Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua đã đặt ra.

Ngay sau đó, trong cuộc gặp gỡ các doanh nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký và công bố chỉ thị quy định mỗi năm chỉ kiểm tra DN một lần. Bước đầu, những động thái đó mang lại niềm vui và hy vọng cho DN. Tuy nhiên, các DN vẫn còn băn khoăn, lo lắng bởi lâu nay “phép vua” nhiều khi vẫn bị “thua lệ làng”.

Thực tế cho thấy, nhiều quy định của cấp trên đưa xuống đến cơ sở là gặp khó khăn, trì trệ bởi các “quan sở tại” lãng quên hoặc cố tình làm trái. Thế là các DN bị “hành” đến khổ sở nhưng kêu ca mãi vẫn cứ đành chịu trận. Bởi lời cổ nhân đã nói “Quan thì xa, bản nha thì gần”.

dau chi co kiem tra
Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp

Bây giờ, kinh tế tư nhân (KTTN) đã được Trung ương Đảng xác định là “động lực quan trọng của kinh tế đất nước”. Hằng năm, KTTN đóng góp 30% ngân sách và 40% GDP của cả nước. Đặc biệt, khu vực KTTN thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Để có đóng góp to lớn cho đất nước như vậy, các DN đều phải lao tâm, khổ tứ, lăn lộn với thương trường. Lực lượng lao động của DN phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, tăng ca, tăng giờ làm việc. Thế mà nay đoàn này đến thanh tra, mai đoàn khác đến kiểm tra, rồi hạch sách, gây khó dễ thì còn thì giờ, hơi sức đâu mà làm việc để có lợi nhuận.

Riêng chuyện kiểm tra đã khiến DN phải tốn kém thời gian, tiền bạc nhưng còn nhiều nỗi khổ khác mà không phải lúc nào họ cũng nói hết ra được. Bị hành nhiều quá mà họ vẫn phải gồng mình chịu đựng và đối phó.

Ông Đỗ Văn Thắng - đại diện Công ty TNHH Nhà thép Tiền Chế Zamil Việt Nam - phản ánh, từ đầu năm 2017 đến nay, bình quân mỗi tháng DN phải tiếp một đoàn kiểm tra, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của DN. Ông cũng cho biết, DN không phản đối việc kiểm tra, nhưng kiểm tra phải phù hợp để không gây phiền hà, khó khăn cho DN.

“Bản thân mỗi đơn vị kiểm tra vào hướng dẫn thì ít, tìm lỗi của DN để phạt thì rất nhiều. Còn các đoàn kiểm tra vào, nếu chúng tôi không tiếp, lần sau họ vào tìm lỗi có thể bị phạt nặng hơn”, ông Đỗ Văn Thắng than phiền.

Từ buổi đối thoại của Thủ tướng với DN diễn ra vào ngày 17-5, ông Đỗ Văn Thắng nêu mong muốn mỗi năm chỉ một đoàn vào kiểm tra DN và khi vào kiểm tra phải có kế hoạch thông qua Ban Quản lý Khu công nghiệp.

Bà Phan Thanh Hải đến từ Khu công nghiệp Thạch Thất và Quốc Oai (Hà Nội) phản ánh tình trạng khi công nhân đi làm các thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian vì phải xin nghỉ phép. Điều này ảnh hưởng đến ngày lương lao động, trong khi đó chưa biết giấy tờ có thể giải quyết được trong ngày hay không.

Sau khi tìm hiểu thực tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP Hà Nội sẽ thực hiện đúng theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng, một năm chỉ kiểm tra DN một lần. Thành phố cho phép DN hoàn toàn có quyền từ chối trong trường hợp nhiều đoàn kiểm tra đề nghị vào làm việc. Lãnh đạo thành phố có đường dây nóng, các DN phản ánh qua đó để thành phố chấn chỉnh công tác kiểm tra.

Về vấn đề thủ tục hành chính rườm rà, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp cùng Công an TP, hằng tuần vào khu công nghiệp giải quyết những giấy tờ liên quan cho công nhân.

Có những DN vừa và nhỏ, sản xuất kinh doanh ở mức đủ nuôi sống công nhân viên nhưng quanh năm phải tiếp những vị khách không mời mà đến vòi vĩnh. Từ chính quyền quận, huyện, xã, phường đến tổ dân phố, nay điện thoại, mai mời đến họp hành mà mục đích chính chỉ để xin tiền. Bước vào mùa hè thì xin hỗ trợ kinh phí đi nghỉ mát. Ngày lễ, ngày tết thì xin tiền liên hoan, tổng kết. Rồi bất kể sự kiện gì do địa phương tổ chức cũng xin DN tài trợ. Khi thấy DN băn khoăn, chần chừ thì có vị cán bộ địa phương nhắc nhở: “Các anh chị sống ở đâu thì phải thờ thổ công ở đấy chứ. Đơn giản thế mà không hiểu, không làm à?”.

Vì vậy, có thể nói rằng, ngoài việc kiểm tra của cơ quan chức năng đối với DN thì việc chấn chỉnh nạn nhũng nhiễu DN cũng rất cần được quan tâm. Việc này liên quan đến chính quyền địa phương. Bởi DN đóng trên địa bàn nào thì không chỉ đóng góp cho ngân sách Nhà nước mà còn giúp cho địa phương phát triển, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ. Thường xuyên giữ mối quan hệ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN có phần trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành ở cơ sở. Không quan tâm, không nắm được những vấn nạn mà DN phải gánh chịu thì nỗi lo vẫn tiếp tục đè nặng trên đầu DN.

Thủ tướng đã gặp gỡ lắng nghe và đối thoại với DN. Một số chủ tịch, bí thư tỉnh, thành phố cũng có động thái tương tự. Mong sao, những cuộc gặp gỡ này sẽ phát triển rộng khắp tới các cấp chính quyền từ quận, huyện, xã, phường. Có như thế thì mới tháo gỡ bớt khó khăn cho DN cả về kiểm tra lẫn nạn nhũng nhiễu.

Ngọc Linh