Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

10:12 | 28/03/2021

|
(PetroTimes) - Lợi nhuận của Saudi Aramco giảm mạnh, Arab Saudi quyết định giảm thuế cho Aramco; Angola muốn tư nhân hóa một phần tập đoàn dầu khí quốc gia; Gazprom thử nghiệm sản xuất hydro từ khí thiên nhiên; ExxonMobil bị hạ bậc tín nhiệm… là những điểm nổi bật trong hoạt động của các công ty dầu khí lớn tuần qua.
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Công ty dầu mỏ Aramco của Arab Saudi mới đây cho biết lợi nhuận của họ đã giảm mạnh trong năm ngoái do các đợt phong tỏa trên khắp thế giới đã hạn chế nhu cầu dầu. Theo đó, thu nhập năm 2020 của Aramco đã giảm gần 45% so với năm 2019. Tuy nhiên, "ông lớn" dầu mỏ này vẫn kiếm được 49 tỷ USD và cho biết các cổ đông vẫn sẽ nhận được cổ tức lên tới 75 tỷ USD.

Trên thực tế, Aramco còn phải đối mặt với những thách thức khác. Công ty này vừa chịu ảnh hưởng từ hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở sản xuất dầu của mình. Cũng trong tuần qua, chính phủ Arab Saudi đã quyết định giảm gánh nặng thuế đối với Saudi Aramco nhằm tăng tính hấp dẫn của công ty trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm. Số tiền này sẽ vẫn quay lại ngân sách dưới dạng cổ tức.

Năm ngoái, Saudi Aramco được giảm hơn một nửa thuế khai thác (royalty) xuống 22,1 tỷ USD, tính theo công thức mới 15% (trước đây là 20%) đối với giá dầu dưới 70 USD/thùng, 45% khi giá trong khoảng 70 - 80 USD/thùng và 80% khi giá trên 100 USD/thùng. Ngoài ra, công ty cũng được giảm hơn một nửa tiền thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 19,35 tỷ USD và 30% thuế suất đối với lĩnh vực tinh chế. Tính chung cả năm 2020, Saudi Aramco nộp ngân sách gần 110 tỷ USD (giảm 30,6%), bao gồm cổ tức 68,3 tỷ USD (giảm 6,25%). Năm 2021, công ty có kế hoạch tăng chi phí đầu tư cơ bản thêm 8 tỷ USD lên 35 tỷ USD, chủ yếu vào lĩnh vực E&P để tăng sản lượng và tinh chế.

Ngày 22/3/2021, Công ty Dầu khí Qatar (Qatar Petroleum) đã ký Thỏa thuận 10 năm Mua và Bán (SPA) với Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) về việc cung cấp 2 triệu tấn LNG/năm cho Trung Quốc. Thỏa thuận 10 năm SPA này đã được Bộ trưởng Quốc gia về Năng lượng của Qatar Saad Sherida Al-Kaabi và Chủ tịch Sinopec Trương Ngọc Trác ký tại một buổi lễ trực tuyến với sự hiện diện của quan chức cấp cao của cả hai bên. Theo thỏa thuận, việc cung cấp LNG sẽ được bắt đầu từ tháng 1/2022 và LNG sẽ được chuyển tới các trạm đầu mối LNG của Sinopec ở Trung Quốc. Thỏa thuận này cũng thể hiện cam kết của Qatar đối với việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khách hàng toàn cầu trong hình thức cung cấp LNG lâu dài và đáng tin cậy.

Từ thỏa thuận bán LNG đầu tiên vào tháng 9/2009 cho tới nay, Qatar đã cung cấp cho Trung Quốc hơn 62 triệu tấn LNG. Trung Quốc là bạn hàng năng lượng chiến lược và quan trọng của Qatar thông qua toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng. Qatar cũng là động lực tăng trưởng chính của thị trường LNG toàn cầu khi chính phủ nước này thông qua những chính sách ngày càng tích cực đối với môi trường.

Tổ chức xếp hạng quốc tế Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm ExxonMobil từ AA1 xuống АA2, triển vọng ổn định, đồng thời lưu ý, Exxon cần nỗ lực cố gắng để giữ bậc xếp hạng này, bao gồm tái cơ cấu tài sản, cắt giảm nợ đáng kể vào năm 2022 và đảm bảo chi phí đầu tư cơ bản để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, Moody's cảnh báo về những rủi ro lớn đối với ngành dầu khí liên quan đến thay đổi chính sách thuế tại Mỹ và châu Âu (thuế carbon).

Không loại trừ khả năng ExxonMobil có thể tiếp tục bị hạ bậc xếp hạng tín dụng nếu không sớm cắt giảm nợ. Tại LB Nga, ExxonMobil tham gia 30% vào dự án Sakhalin-1 phát triển 3 mỏ (Chayvo, Odoptu và Arkutun-Dagi), các đối tác còn lại bao gồm Sodeco (Nhật Bản) - 30%, Rosneft và ONGC (Ấn Độ) mỗi bên 20%. Moody’s đồng thời công bố hạ xếp hạng tín dụng đối với Total từ AA3 xuống A1.

Giám đốc điều hành Gazprom Energoholding (đơn vị thành viên của Gazprom) Denis Fedorov cho biết, công ty đang thực hiện một số dự án thử nghiệm về hydro “xanh lam” (hydro được sản xuất từ khí thiên nhiên). Ông Fedorov nhấn mạnh, hydro đang là một trong những hướng phát triển của công ty. Hiện Gazprom Energoholding đang tham gia xây dựng block năng lượng mới tại nhà máy nhiệt điện Novo-Salavatsk nhằm sản xuất hỗn hợp khí thiên nhiên và hydro. Dự án này sẽ thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Gazprom nhờ việc giảm hàm lượng carbon trong sản phẩm cuối cùng. Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả toàn hệ thống năng lượng của công ty, gia tăng khả năng chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện sang sản xuất hydro và giảm phát thải CO2.

Là một phần trong những cải cách do Tổng thống Joao Lourenço thực hiện nhằm chống tham nhũng trong lĩnh vực dầu mỏ và làm cho Sonangol, công ty dầu khí nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, 30% cổ phần của Sonangol sẽ được đưa ra thị trường chứng khoán trước năm 2022, với giá khoảng 6,4 tỷ USD. Điều này đã được Baltazar Miguel, thành viên hội đồng quản trị của công ty, thông báo vào ngày 19/3/2021.

Sau thông báo này, công ty cổ phần tư nhân Gemcorp Capital, đối tác quan trọng của Angola trong lĩnh vực năng lượng, đã thể hiện sự nhiệt tình và mong muốn sở hữu toàn bộ hoặc một phần cổ phần này. Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường cảnh báo rằng việc đánh giá về 30% cổ phần của Sonangol nên được xem xét lại. “Bất kỳ đánh giá nào về giá trị của Sonangol đều phải tính đến sự cạn kiệt của các mỏ dầu ở Angola và chi phí sản xuất cao, cũng như các hợp đồng tài trợ trước khi xuất khẩu không rõ ràng của Sonangol. Robert Besseling, nhà phân tích của Pangea-Risk, cho biết việc bán các tài sản không phải dầu mỏ và không thiết yếu sẽ tạo ra một số lợi ích từ các nhà đầu tư tư nhân địa phương ở Angola, nhưng việc tư nhân hóa các tài sản dầu sẽ bị các nhà đầu tư quốc tế xa lánh”.

Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Angola phụ thuộc lớn vào lĩnh vực dầu mỏ, chiếm 1/3 GDP và khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù sự biến động của giá dầu thô đã cho thấy khả năng dễ bị tổn thương của đất nước, nhưng nước này đang cố gắng thu hút đầu tư vào ngành này để tài trợ cho các dự án phát triển.

Tại Ý, Eni vừa đạt được thỏa thuận với tòa án để tránh bị truy tố trong một số vụ án tham nhũng ở Congo. Trên thực tế, công tố viên Ý đã thành công trong việc xác định tội danh của Eni và một số quan chức của công ty này, bao gồm cả Giám đốc điều hành Claudio Descalzi, báo La Repubblica đưa tin. Theo các thẩm phán của văn phòng công tố Milan, ban đầu Eni đã sử dụng các biện pháp điều động bất hợp pháp để gia hạn quyền hoạt động của mình đối với các mỏ Marine VI và VII nằm ngoài khơi Congo.

Sau đó, các nhà điều tra xác nhận được rằng Magdalena Ingoba, cháu gái của Tổng thống Congo Denis Sassou Nguesso, và vợ của Giám đốc điều hành hiện tại của công ty, Claudi Descalzi, là chủ sở hữu của công ty dịch vụ dầu khí Petroservice. Công ty này đáng chú ý đã giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ cho thuê tàu khoan và các dịch vụ thượng nguồn khác.

Trong phần này của vụ án, cựu giám đốc của Eni, cánh tay phải của Descalzi, Roberto Casula, được xác định là đồng phạm, cũng như Ernest Olufemi Akinmade, Andrea Pulcini và Alexander Haly, giám đốc điều hành của công ty. Theo các thẩm phán, Alexander Haly được chuyển giao một số công ty do Magdalena Ingoba kiểm soát để tránh bất kỳ sự nghi ngờ nào.

Trước mức độ nghiêm trọng trong kết luận điều tra của văn phòng công tố viên Milan, công tố viên Paolo Storari yêu cầu Eni bồi thường 11 triệu euro và thêm 800.000 euro tiền phạt, vì không tuân thủ luật pháp Ý về trách nhiệm doanh nghiệp. Một quyết định được Eni chấp nhận và nói rằng họ muốn xoa dịu tình hình.

Ngày 25/3, Công ty Chariot Oil&Gas của Anh đã ký các thỏa thuận mua lại nền tảng Quản lý Năng lượng châu Phi (AEMP) với số tiền 2 triệu USD, thanh toán chủ yếu bằng cổ phiếu phổ thông. Con số này chiếm tới 4% vốn cổ phần của công ty. Thông qua giao dịch này, Chariot sẽ có quyền truy cập vào danh mục hơn 1 GW của các dự án khai thác năng lượng mặt trời và hỗn hợp chất lượng cao hiện đang được phát triển tại hơn 20 quốc gia trên lục địa châu Phi.

Chariot chỉ ra rằng một khi giao dịch hoàn tất, họ sẽ có một ngành kinh doanh thứ hai, được gọi là Điện chuyển tiếp Chariot. Chi nhánh mới này sẽ nhằm mục đích chuyển đổi thị trường năng lượng cho các hoạt động khai thác ở châu Phi, bằng cách cung cấp năng lượng sạch hơn, bền vững hơn và đáng tin cậy hơn.

AEMP là một nhà sản xuất năng lượng độc lập chủ yếu phát triển, cấp vốn, xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo và năng lượng tương lai cho các khách hàng khai thác và công nghiệp ở châu Phi.

Ngày 25/3/2021, Petro China thông báo dự chi 239 tỷ NDT (37 tỷ USD) trong năm 2021. Mức chi này vượt mức chi của các công ty dầu khí lớn hàng đầu thế giới, như Công ty dầu khí quốc gia của Arab Saudi Aramco, Exxon Mobil Corp., Shell, là những công ty đang phải cắt giảm chi phí do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đối với giá dầu và nhu cầu dầu.

Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), công ty khoan thăm dò ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc, dự trù ngân sách từ 90-100 tỷ NDT trong năm 2021. CNOOC cho biết sẽ tăng tỷ lệ sản xuất khí tự nhiên lên 30% trong năm 2025, mở rộng kinh doanh năng lượng gió ngoài khơi trong những năm tới.

Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Nh.Thạch

AFP