Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

14:20 | 01/02/2021

|
(PetroTimes) - Tullow Oil từ bỏ gần hết các lô thăm dò dầu khí tại Bờ Biển Ngà, Shell tái khởi động sản xuất tại dự án Prelude, Total ký thỏa thuận với Iraq về năng lượng xanh... là những điểm nổi bật trong hoạt động của các công ty dầu khí lớn tuần qua.
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Tòa phúc thẩm La Hay hôm 27/1 đã yêu cầu Shell bồi thường cho nông dân Nigeria vì hai vụ tràn dầu ở nước này xảy ra cách đây 13 năm. Phán quyết của tòa án Hà Lan đang tạo tiền lệ cho các vụ kiện trong tương lai chống lại các công ty dầu khí tại các quốc gia mà họ đặt trụ sở. Về phần mình, Shell tiếp tục nói rằng các vụ tràn dầu là kết quả của sự phá hoại, diễn ra thường xuyên ở đồng bằng sông Niger ở Nigeria.

Do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, Tullow Oil đã thực hiện kế hoạch tái cấu trúc các hoạt động. Theo đó, tập đoàn sẽ rút khỏi phần lớn các lô thăm dò ở Bờ Biển Ngà. Trong bản cập nhật hoạt động được công bố mới đây, tập đoàn dầu khí Tullow Oil của Anh thông báo đã giảm danh mục đầu tư thăm dò tại Bờ Biển Ngà, để tập trung vào lô CI520, nằm trên đất liền, cách bờ biển Abidjan không xa. Công ty niêm yết tại London này từ bỏ các lô CI518, CI519, CI301, CI302, CI521 và CI522 mà họ hoạt động cùng với tập đoàn dầu khí của Bờ Biển Ngà, PETROCI.

Người đứng đầu Chevron đang thảo luận với Bộ Ngoại giao Mỹ về khả năng giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt áp đặt lên ngành dầu mỏ của Venezuela do chính quyền Tổng thống Trump áp đặt. Chevron đã hoạt động ở Venezuela trong nhiều thập kỷ, đã nhiều lần bị từ chối hoạt động ở quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Lần gia hạn mới nhất từ ​​Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 11/2020, cho phép Chevron ở lại Venezuela cho đến ngày 3/6/2021.

Shell đã bắt đầu tái khởi động việc sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại dự án Prelude ngoài khơi nước Úc sau gần một năm tạm ngưng. Việc tái khởi động lại nhà máy có công suất 3,6 triệu tấn xảy ra vào thời điểm tốt nhất có thể khi thời tiết lạnh giá ở Trung Quốc đã đẩy giá LNG lên mức cao nhất trong nhiều năm, xóa tan nỗi lo về thị trường tràn ngập nguồn cung khi các khách hàng Trung Quốc phải vật lộn để tích trữ nguồn nhiên liệu này.

Theo kế hoạch, Prelude là một dự án LNG tiên phong của tập đoàn đa quốc gia Anh-Hà Lan. Tuy nhiên, giống như hầu hết các dự án LNG ngoài khơi khác, dự án này đã bị trì hoãn và đội chi phí. Gần đây, do cạnh tranh gay gắt, Shell và các đối tác đã buộc phải hủy bỏ các dự án LNG khác. Tập đoàn đã từ bỏ các dự án mới để tập trung vào những dự án đang hoạt động.

Trong Dự thảo Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Liên bang Nga đến năm 2035, Gazprom sẽ độc quyền xuất khẩu khí đốt qua đường ống. Đây là một trong những điều kiện để phát triển hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt từ Liên bang Nga.

Dự thảo ghi rõ: Sự phát triển của xuất khẩu khí đốt từ Liên bang Nga gắn liền với các quyết định duy trì độc quyền của PJSC Gazprom để xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Liên bang Nga ở trạng thái khí theo cả theo hướng Tây và hướng Đông. Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Liên bang Nga cho thấy ý định của Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu theo các hợp đồng đã ký, có tính đến các cuộc đàm phán để gia hạn và phù hợp với các điều kiện thay đổi của thị trường. Thị phần của Liên bang Nga trên thị trường khí đốt châu Âu sẽ vẫn ở mức 33% sản lượng tiêu thụ trong khu vực.

Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) đã ký thỏa thuận với chính phủ Iraq nhằm phát triển lĩnh vực năng lượng xanh. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Total Patrick Pouyanné vừa kí biên bản ghi nhớ về khai thác khí đốt tự nhiên, năng lượng sạch và đầu tư kết cấu hạ tầng nhân chuyến thăm đất nước này. Đây được coi là dự án lớn và đầy hứa hẹn trong tương lai.

Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ ExxonMobil của Mỹ, do áp lực từ các nhà đầu tư, chuẩn bị thay đổi ban giám đốc, áp dụng các biện pháp mới để giảm tác động đến môi trường và có thể giảm chi tiêu vốn hơn nữa, tờ Wall Street Journal cho biết hôm 27/1.

Trong một tuyên bố, ExxonMobil xác nhận rằng kể từ tháng 12/2020, họ đã tham gia vào các cuộc thảo luận với công ty đầu tư Engine No.1, công ty đề xuất bổ nhiệm bốn thành viên mới vào hội đồng quản trị. Engine No.1 tin rằng ngành dầu khí phải phát triển, đặc biệt bằng cách không nhất thiết phải chi tiêu nhiều vào các dự án dầu khí mới mà nên xem xét các năng lượng thay thế một cách nghiêm túc hơn.

Cơ quan xếp hạng tài chính S&P hôm 26/1 đã công bố khả năng tụt hạng của một số công ty lớn trong lĩnh vực dầu khí trong bản xếp hạng do những thách thức mà họ phải đối mặt, từ sự bùng nổ năng lượng tái tạo đến biến động giá cả.

Cơ quan này đã đưa ra đánh giá về xếp hạng, cho thấy có khả năng cao là 9 tập đoàn và các công ty con của họ sẽ bị xuống hạng. Trong số đó có những công ty khổng lồ như ChevronExxonMobil của Mỹ, Royal Dutch Shell của Anh-Hà Lan, Total của Pháp và CNOOC của Trung Quốc. Gã khổng lồ BP của Anh có thể bị hạ cấp trong 2 năm tới hoặc được duy trì.

Quyết định của S&P dựa trên những thay đổi cơ bản đối với ngành dầu khí, chẳng hạn như "những thách thức và sự không chắc chắn đáng kể do quá trình chuyển đổi năng lượng gây ra, bao gồm cả sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo". S&P cũng ghi nhận sự biến động hiện tại của giá cả - gây ra bởi sự sụt giảm nhu cầu trong cuộc khủng hoảng Covid-19 - có thể tiếp tục trong tương lai.

Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Nh.Thạch

AFP