Đất giao cho Coca Cola nên để... trồng cỏ nuôi bò

12:55 | 14/06/2013

936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
20 năm tồn tại ở nước ta, Coca - Cola đã đóng góp được gì cho nền kinh tế hay chỉ là con số 0 tròn trĩnh...

Coca - Cola đang lý giải chuyện lỗ lãi bằng những luận điểm quá vô lý.

Nghi án trốn thuế của Coca - Cola bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2012 khi một loạt cơ quan thông tấn báo chí đưa thông tin về chuyện lỗ lãi ở doanh nghiệp này và gần như ngay lập tức, nó đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong xã hội. Có quá nhiều lý do để dư luận xã hội phản ứng nhưng mạnh mẽ nhất là cái điệp khúc lỗ quá vô lý của doanh nghiệp.

Theo thông tin đăng tải thì chỉ riêng năm 2010, Coca – Cola lỗ 188 tỉ đồng (gần 9 triệu USD) và lỗ luỹ kế trong 1 thậm kỷ gần đây lên tới 180 triệu USD. Kêu lỗ là vậy nhưng trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, Coca – Cola lại dự kiến sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào Việt Nam. Dư luận xã hội bất bình là ở chỗ đó bởi Coca Cola - một tập đoàn kinh tế, một thương hiệu nước giải khát ở tầm thế giới thì chẳng có lý gì lại “ngu xuẩn” đến mức bỏ ra cả đống tiền để “chơi” cả.

Đáp lại những nghi vấn này, ông Irial Finan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Coca - Cola khẳng định, Coca Cola với truyền thống 127 năm tồn tại sẽ có chiến lược kinh doanh riêng. Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh rằng, khi Coca - Cola tiến hành đầu tư ở đâu thì việc đầu tiên họ tính đến sẽ là làm sao để bám dễ, tạo dựng thương hiệu, xây dựng lòng tin ở nơi đó trước khi nghĩ tới chuyện lỗ lãi.

Về khoản đầu tư dự kiến lên tới 300 triệu USD, ông này cho biết, Coca - Cola nhìn thấy tiềm năng rất lớn ở thị trường Việt Nam bởi đây là thị trường nước giải khát mới đang trong quá trình phát triển. Mục tiêu của Coca - Cola tại thị trường Việt Nam vì thế là dài hơi nên chuyện có lỗ 10 năm hay 20 năm là chuyện bình thường.

Trả lời câu hỏi đã là định hướng, là kế hoạch kinh doanh thì theo tính toán, bao giờ Coca - Cola mới sinh lời, vị Phó chủ tịch này lại không đưa ra được thời điểm cụ thể hay ít nhất là dự kiến mà lại lấp liếm bằng những cái gọi là môi trường đầu tư, vào kinh tế vĩ mô...

Cách lý giải chuyện lỗ lãi của vị Phó chủ tịch Coca - Cola đúng là nực cười bởi cái lẽ đây là một tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động ở tầm thế giới. Mà đã là doanh nghiệp, đã có đầu tư thì tất nhiên là phải có lãi và đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế thì nguyên tắc vòng quay vốn càng được chú trọng. Coca - Cola chắc chắn hiểu điều đó vì họ không phải là một đứa trẻ học việc mà là một gã khổng lồ trên thị trường đồ uống toàn cầu.

Có nên để Coca - Cola tiếp tục tồn tại, mở rộng sản xuất ở nước ta.

Vậy tại sao họ lại vẫn đổ tiền vào Việt Nam dù chưa biết bao giờ khoản đầu tư đó sẽ mang lại lợi nhuận, trong khi máy móc thiết bị thì cũng có năm, có tuổi chứ làm sao hoạt động mãi được và rồi công nghệ trong thời đại khoa học công nghệ cũng thay đổi liên tục như vậy? Câu trả lời chỉ có thể là, Coca - Cola đang được hưởng lợi và những khoản lợi nhuận này đang được phù phép, biến tướng thông qua các thủ đoạn chuyển giá để trốn thuế. Lợi nhuận mà Coca - Cola đã được giấu lẹm đi thông qua những hành vi như thế.

Một phần tài nguyên của đất nước đã bị Coca - Cola chiếm dụng 20 năm, đó chính là phần diện tích đất mà Coca - Cola đang dùng để mở nhà máy sản xuất. Và với những gì đã đóng góp, đã mang lại cho nền kinh tế, cho đất nước thì họ đúng là kẻ ăn cắp trơ trẽn. Thử hình dung, 20 năm trước, thị trường đồ uống của Việt Nam có gì hay chỉ gần như một mình Coca - Cola chiếm vị thế độc tôn mà lại lỗ trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ khác, cũng kinh doanh sản xuất đồ uống lại có lãi, dù lãi ít hay nhiều.

Ở đây lại có một mâu thuẫn, Coca - Cola bảo công suất nhà máy chưa vận hành hết nên lợi nhuận thu về vì thế là không đáp ứng đủ chi phí khấu hao máy móc nhưng họ lại tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Mở rộng để làm cảnh, để khoe mẽ tiềm lực, để đắp chiếu chăng? Chúng tôi thiết nghĩ là không. Họ sẽ không dại, không “ngu xuẩn” như vậy một lần nữa đâu!

Nói đến đây chắc ai cũng hiểu, cái lý của Coca - Cola lại cái lý cùn của một tên trộm, họ đang trơ trẽn với sai phạm của mình. Vậy nên, nếu Coca - Cola không thể đóng góp được gì cho nền kinh tế thì hãy để họ đi và cái phần diện tích mà đất mà họ đang sử dụng, hãy dùng để trồng cỏ nuôi bò sẽ tốt hơn vì như thế, chí ít, trẻ em Việt Nam còn có thêm một vài lít sữa để uống mỗi ngày.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài là vô cùng cần thiết cho tiến trình công nghiệp hoá đất nước. Nói như vậy cũng không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận cho những doanh nghiệp như Coca - Cola tồn tại và phát triển vì đó là sự lãnh phí tài nguyên của đất nước.

Sai phạm ở Coca – Cola đến đâu, nên hay không nên để Coca – Cola tiếp tục tồn tại ở Việt Nam điều mà dư luận xã hội đang đặt ra với cơ quan quản lý.

Thanh Ngọc