Đất bỏ hoang nhưng dân khát đất

09:07 | 11/09/2011

698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng chục hécta đất nông nghiệp của xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) bị bỏ hoang, người dân xã "địu nghề" đi đến các huyện lân cận tìm thuê đất nông nghiệp để được làm nghề truyền thống của mình: trồng hoa.

"Khát” đất – khát nước

Xã Tây Tựu – vùng trồng hoa lớn nhất của huyện Từ Liêm, là nơi cung cấp chủ yếu các loại hoa cho nội thành Hà Nội. Có 315ha đất nông nghiệp phục vụ cho nghề trồng hoa, nhưng người dân trong xã vẫn đi thuê 128ha đất ruộng ở các xã lân cận để trồng trọt và sản xuất.

Mấu chốt của chuyện phải đi thuê đất nằm ở khâu tưới tiêu. Đây chính là mối lo ngại lớn của các hộ sống bằng nghề trồng hoa ở Tây Tựu. Nguyên nhân là kênh mương cung cấp nước tưới đang bị ô nhiễm nặng nề do các nhà máy công nghiệp gần đó thải ra. Mấy năm gần đây, nguồn nước tưới của con kênh thủy lợi Đồng Nai (kênh thủy lợi duy nhất cung cấp nước tưới tiêu cho những cánh đồng tại xã Tây Tựu) bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con nông dân. Bên cạnh đó, nguồn nước từ các giếng khoan cũng chứa nhiều chất sắt nên không tốt cho việc trồng hoa. Những năm qua, người nông dân xã Tây Tựu ngày càng “khát” đất nông nghiệp để trồng hoa, hàng trăm hộ dân nơi đây hàng ngày phải rời làng sang các xã thuộc huyện Hoài Đức và Đan Phượng để thuê đất trồng hoa.

Có mặt tại những cánh đồng “hoang” của xã Tây Tựu, chúng tôi không thể tin được rằng, những cánh đồng cỏ dại kia đã từng là những đồng hoa tỏa ngàn sắc hương. Trong nỗi bức xúc của một người dân đã gần 30 năm gắn bó với nghề truyền thống trên chính mảnh đất của mình, nhưng bây giờ phải đi thuê đất để trồng hoa, anh Nguyễn Tuấn Anh (ở thôn 2, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm) nói: “Gia đình tôi có hơn 3 sào ruộng để trồng hoa ở khu cánh đồng Đồng Nai, đã 3 năm trở lại đây, cây hoa trồng ở cánh đồng này còi cọc, héo rũ, bao nhiêu tiền của đổ vào đấy mà không thể vực lên được nên gia đình tôi và nhiều hộ khác đã phải bỏ đất hoang”.

Sau nhiều lần cải tạo đất và tìm nguồn nước tưới hoa mới bằng khoan giếng ngay tại đồng hoa, nhưng mọi cố gắng của người dân cũng chỉ là công cốc. Nước ô nhiễm đã ngấm vào đất, nên dù tưới nước bằng giếng khoan cây hoa vẫn cằn cỗi, kém phát triển. Để mưu sinh, người dân xã Tây Tựu đã đi thuê đất ở các vùng lân cận để trồng hoa. Nghịch lý có đất bỏ hoang mà phải đi thuê đất. Họ chỉ cho chúng tôi thấy những kênh nước đen kịt đang chảy qua cánh đồng hoa của họ. Kênh Đồng Nai, một hệ thống kênh nước tỏa ra khắp cánh đồng để cung cấp nước tưới tiêu nay là kênh thoát nước thải của Cụm Công nghiệp Lai Xá. Nguồn nước tưới bị ô nhiễm bắt đầu xuất hiện từ năm 2008 đến nay và vẫn đang tiếp diễn…

Hoa chết, người mắc bệnh

Theo những người dân nơi đây, từ khi Cụm Công nghiệp Lai Xá được xây dựng đến khi đi vào hoạt động, các nhà máy trong Cụm công nghiệp đã xả thải trực tiếp ra kênh nước Đồng Nai, xuyên qua xã Tây Tựu rồi mới chảy ra sông. Sau một thời gian, nước kênh này đã chuyển màu đen, chỉ cần lội xuống dòng nước này sẽ bị ngứa hoặc nổi mẩn, thử hỏi hoa nào chịu được? Những ngày trời nắng, nước mương cạn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến những hộ dân ở tận ven tỉnh lộ 70, cách kênh dẫn nước Đồng Nai hàng cây số cũng phải hứng chịu thứ mùi khó chịu này. Bác Nguyễn Thị Hanh (ở thôn 2, xã Tây Tựu) kể: “Gia đình chúng tôi ở gần kênh nước Đồng Nai, ngày trời mưa thì đỡ, còn những ngày trời nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên từ kênh Đồng Nai không thể nào chịu nổi. Gia đình tôi có cháu nhỏ nên mỗi khi trời nắng nóng kéo dài, tôi phải đưa cháu sơ tán vào trong thôn để tránh mùi hôi thối này”.

Được biết, Cụm Công nghiệp Lai Xá có tổng diện tích 49,1ha. UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2005. Đến năm 2008, UBND tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho 35 doanh nghiệp và Trường tư thục Thành Đô. Hiện nay, có 30/35 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích này. Tuy nhiên, Cụm Công nghiệp Lai Xá không có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, UBND xã Tây Tựu đã nhiều lần gửi công văn tới UBND huyện Hoài Đức, huyện Từ Liêm, Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an TP Hà Nội và các sở, ban, ngành đề nghị cử cán bộ kiểm tra, xử lý tình trạng trên, nhưng đến nay mức độ ô nhiễm tại con kênh này vẫn ngày một tăng mà chưa có bất kỳ biện pháp khắc phục nào. “Nhiều hôm trời nắng kéo dài, kênh nước chảy qua trụ sở UBND xã Tây Tựu có màu đen nâu, bốc mùi hôi thối, đứng xa hàng trăm mét vẫn không thể nào chịu nổi cái mùi đó, huống chi dùng để tưới hoa” – ông Lê Văn Việt – Chủ tịch UBND xã Tây Tựu than thở. Mới đây, chúng tôi tiếp tục có Công văn số 249/UBND gửi Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội, đề nghị cơ quan này phối hợp trong việc kiểm định chất lượng nước thải của Cụm Công nghiệp Lai Xá để có biện pháp khắc phục thực trạng trên, giúp người dân sớm ổn định sản xuất.

“Để có đất trồng hoa, các hộ dân ở đây đã đi thuê đất ở các vùng lân cận, giá mỗi sào đất nông nghiệp dao động khoảng 1,5-2 triệu đồng/năm”, ông Lê Văn Việt cho hay.

Bao giờ "châu về hợp phố"

Hàng chục hécta đất trồng hoa bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, nếu trồng được cũng cho hiệu quả kinh tế quá thấp, trong khi hàng năm người dân vẫn phải nộp đủ thuế đất nông nghiệp. Theo thống kê, hiện nay tại thôn Trung, thôn 2, thôn Thượng có khoảng 17ha xung quanh Cụm Công nghiệp Lai Xá phải bỏ hoang.

Sau khi nhận được phản ánh của UBND xã Tây Tựu, Công an TP Hà Nội đã có văn bản trả lời, trong đó nêu: Mặc dù nguồn nước thải không trực tiếp xả vào kênh mương tưới tiêu thuộc cánh đồng xã Tây Tựu nhưng có hiện tượng ngấm, rò rỉ khiến cho nước tại đây có màu sắc, hiện tượng như người dân phản ánh. Tuy nhiên, đến nay cơ quan môi trường chưa thể trả lời về mức độ ô nhiễm khi chưa có kết quả chính xác từ việc lấy mẫu và phân tích nước thải trong quá trình sản xuất. Đây cũng là lần trả lời gần nhất của cơ quan chức năng về tình trạng này. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Điều người dân lo ngại hơn là nguồn nước thải này sẽ thấm vào cả nguồn nước sinh hoạt chung và dẫn đến ảnh hưởng lớn về sức khỏe.

Dân kêu, chính quyền sở tại bất lực, ruộng đồng bỏ hoang. Không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới có thể trồng hoa trên chính mảnh đất canh tác của mình…?

Thiên Minh