Đào tạo nhà quản lý hiện đại

15:09 | 02/02/2018

1,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với mỗi nhà doanh nghiệp, có lẽ một trong những mong muốn không bao giờ nguôi ngoai là thường xuyên tuyển chọn thêm được những cộng sự tài năng mới, những nhà quản lý của thời hội nhập.
dao tao nha quan ly hien dai

Mong ước này không phải tự nhiên mà có. Thực tế nhiều năm qua cho thấy những thất vọng triền miên của các nhà quản lý nhân sự doanh nghiệp. Những tiếng thở dài, những cái lắc đầu ngao ngán sau mỗi cuộc phỏng vấn những sinh viên đại học chuyên ngành mới ra trường. Phần lớn trong các em cứ như những người đi trên mây, xa xôi và lạc lõng với những đòi hỏi rất thực tế của mỗi doanh nghiệp. Thời hội nhập đã đến, các doanh nghiệp Việt Nam tìm đâu ra những lớp nhà quản lý kế cận để có thể đương đầu cạnh tranh với “năm châu bốn biển”?

Nguyên nhân gốc rễ có lẽ không phải từ lớp trẻ. Người lớn dạy gì, các em học cái đó. Đã từng có nhiều tranh cãi về chương trình đào tạo trong các trường đại học. Tuy nhiên, cho đến giờ này, với nhiều cử nhân ra trường, các doanh nghiệp vẫn phải kéo dài thời gian “thực tập” để... đào tạo lại.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong chương trình đào tạo, các em phải học nhiều môn không liên quan đến những tác nghiệp cụ thể, thiết thực trong quản lý doanh nghiệp. Các trường đã “nhồi nhét” vào các em những thứ mà nhà trường có chứ không phải những kiến thức và kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Ngay như tin học và ngoại ngữ, nhiều trường luôn luôn coi đó là những môn phụ, nhưng khi tuyển chọn, những em giỏi “môn phụ” ấy lại nhiều cơ hội có việc làm hơn, được hưởng mức lương cao hơn những em khác.

Thế là giữa đào tạo và sử dụng như những bánh xe có bước răng khác nhau, vận hành một cách thập thõm và khập khiễng.

Ngược lại thời gian thì mới thấy, từ nhiều thập niên qua, các nước theo phe XHCN không dạy khoa học quản lý, đặc biệt là quản lý xí nghiệp. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã gạt khoa học quản lý ra khỏi mối quan tâm của nhiều người. Vì kế hoạch là chỉ tiêu pháp lệnh nên cứ theo lệnh mà làm, không cần quản lý.

Từ đó để tìm lời giải thích cho những thua lỗ hoặc làm ăn kém hiệu quả ở nhiều DNNN, mặc dù đã sau hơn 30 năm đổi mới, nếu loại trừ yếu tố tha hóa về đạo đức thì bên cạnh đó là kém cỏi trong quản trị doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường, mỗi xí nghiệp, mỗi doanh nghiệp có lợi ích riêng xuất phát từ bản năng tồn tại. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học lừng danh về quản lý xuất hiện như F. W. Taylor, C. I. Barnard (Mỹ), Henri Fayol (Pháp), Max Weber (Đức)... Nhờ hàng loạt vấn đề của quản lý được phát hiện, phân tích và hệ thống hóa, khoa học hóa, quản lý đã trở thành nhân tố quyết định sức sống và sự thành công của mọi tổ chức nói chung và của mỗi doanh nghiệp nói riêng.

Tiếc thay, cho đến nay, nhiều trường đại học ở nước ta chưa thấy hết vai trò này của quản lý trong cuộc sống kinh tế - xã hội và vì thế, không định hướng được việc đào tạo các em trở thành những người có đầy đủ những tố chất để sẵn sàng trở thành nhà quản lý.

Một trong những điều thất vọng nhất của các nhà quản lý nhân sự khi tuyển chọn người cho doanh nghiệp là khả năng thực hành của các em. Giao tiếp kém, tin học kém, ngoại ngữ kém, thậm chí tiếng Việt cũng kém, không đủ từ ngữ để soạn thảo một văn bản cho tử tế. Trong khi đó, hồ sơ của các em đầy ắp những bằng cấp, nào bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ tin học, rồi chứng chỉ ngoại ngữ A, B... Cao không tới, thấp không thạo, vậy các em sẽ làm được công việc gì trong doanh nghiệp đây?

Vậy với các nước vốn thoát thai từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung như Việt Nam thì học quản lý từ đâu?

Chắc chắn phải học từ các nước kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Nhật... Họ đã có hàng trăm năm nghiên cứu và áp dụng thành công khoa học quản lý vào hoạt động của các doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam ta đã học họ, thay vì đào tạo đi sâu vào chuyên môn hẹp, như kinh tế công nghiệp, thương nghiệp, vật tư, lao động... bằng chương trình đào tạo quản trị kinh doanh riêng. Ngoài những kiến thức về kinh tế nói chung, các em đã được cung cấp các kiến thức về 3 điều: biết buôn bán, biết tài chính - kế toán và biết quản lý.

Mặc dù đẳng cấp chưa bằng họ nhưng cũng là điều đáng mừng.

Tại Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Dù cách nói, cách thể hiện khác nhau, nhưng dân tộc nào cũng coi sự học, sự nghiệp giáo dục là quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của dân tộc mình, của đất nước mình. Người Việt Nam nào cũng thuộc lòng câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Giáo dục và đào tạo là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và điều đáng nói là trong 16 mục tiêu còn lại, chúng ta đều thấy ít nhiều có liên quan tới giáo dục và đào tạo”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc