Đánh thức tiềm năng đầu tư dầu khí

20:11 | 13/08/2022

11,406 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, TS. Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, song song với việc có cơ chế khuyến khích đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí tại các khu vực mới, còn ít được nghiên cứu; dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần làm rõ quy định về khai thác tận thu dầu khí, trước bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí các mỏ trong nước những năm gần đây đang giảm dần, giảm sâu.

- Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù để kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí?

- Trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu khí thế giới chịu những ảnh hưởng nặng nề từ xu hướng chuyển dịch năng lượng và dịch Covid-19, ngành dầu khí Việt Nam đã nhanh chóng có những giải pháp thích ứng. Tuy nhiên, có một thực tế là tất cả mỏ lớn, trên 30 năm khai thác, sản lượng các mỏ dần suy giảm.

TS PHAN MINH QUỐC BÌNH

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu/condensate của Việt Nam đạt mức đỉnh với sản lượng trên 20 triệu tấn/năm vào năm 2004 sau đó bắt đầu suy giảm. Ngoài mỏ Bạch Hổ, một số mỏ khác như Ruby, Sư Tử Đen, Rạng Đông là các nguồn cung dầu thô chính đến nay cũng đều suy giảm sản lượng, một số mỏ được đưa vào khai thác từ sau 2010 có sản lượng khá nhỏ. Các nguồn cung khí hiện hữu, một số mỏ cũng suy giảm nhanh và dần cạn kiệt (Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây...).

Bên cạnh đó, tiến độ phát triển/khai thác các nguồn khí cũng gặp nhiều yếu tố rủi ro, phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán thương mại, thống nhất giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị khí. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp… Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới.

Các quy định hiện hành mâu thuẫn, chồng chéo cũng khiến cho việc khai thác dầu khí trong những năm qua gần như không có tiến triển. Muốn tìm những mỏ mới phải đi xa vùng sâu, xa bờ, khai thác rất khó khăn. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách, điều kiện ưu đãi đầu tư phù hợp để giải quyết thực trạng này, đánh thức tiềm năng đầu tư dầu khí.

- Vậy để giải quyết bài toán về khai thác, đầu tư, theo ông, nội dung gì cần được đặc biệt lưu ý trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)?

- Theo tôi, nội dung cần đặc biệt lưu ý trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm, khuyến khích đầu tư cho hoạt động điều tra cơ bản và các chính sách ưu đãi đầu tư trong hoạt động dầu khí.

Đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, đây chính là khâu đầu tiên và quan trọng để tìm kiếm dòng dầu cho quốc gia, phát hiện tối đa tiềm năng dầu khí.

Tại khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) về chính sách của Nhà nước về dầu khí, có quy định “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam”. Trong dự thảo có đề cập đến cơ chế khuyến khích tổ chức cá nhân khi tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí được quyền sử dụng thông tin và thu hồi chi phí khi tham gia đấu thầu, ký kết Hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí trong khu vực đã thực hiện điều tra cơ bản (theo khoản 2, Điều 12 của Dự thảo).

Tuy nhiên, các khu vực dầu khí truyền thống (nước nông) đều đã được nghiên cứu đánh giá, ở các mức độ chi tiết khác nhau, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa để khuyến khích các nhà đầu tư, tăng cường huy động nguồn lực cho hoạt động này tại các khu vực mới, còn ít được nghiên cứu (các khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp...), khó có điều kiện để triển khai các công việc tiếp theo như ký kết hợp đồng dầu khí mới để được phép thu hồi các chi phí như trong Dự thảo đề xuất.

Đối với các chính sách ưu đãi đầu tư trong hoạt động dầu khí, cần xem xét làm rõ các chính sách về khai thác tận thu dầu khí, đặc biệt trong bối cảnh các mỏ dầu khí đang khai thác hiện hữu tại Việt Nam có sản lượng khai thác suy giảm nhanh và dần cạn kiệt.

- Trong bối cảnh suy giảm sản lượng, cần tận thu nguồn tài nguyên dầu khí, nâng cao hệ số thu hồi. Nội dung này đã được quy định như thế nào trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), thưa ông?

- Dự thảo chưa có quy định cụ thể về các chính sách liên quan mà mới chỉ quy định về hình thức “Hợp đồng tận thu dầu khí” tại khoản 14, Điều 3 về giải thích từ ngữ và Khoản 2, Điều 23a về các hình thức hợp đồng dầu khí. Đây là điểm khác biệt mang tính tích cực so với quy định của pháp luật dầu khí hiện hành và phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế.

Tuy nhiên, trong nội dung dự thảo mới chỉ quy định chi tiết về các nội dung chính của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (hợp đồng PSC). Các chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt (Chương VI) đều đang được xác định theo các điều khoản chính của hợp đồng PSC (theo cơ chế thu hồi chi phí, chia dầu khí lãi và nhà thầu nộp các khoản thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu và các khoản phí khác như hoa hồng, phí đào tạo…).

Đối với hình thức “hợp đồng tận thu dầu khí”, dự thảo cần xem xét bổ sung các chính sách theo hướng khuyến khích nhà thầu tiết giảm tối đa chi phí, không áp dụng cơ chế thu hồi chi phí và chia dầu khí lãi theo thang sản lượng mà xem xét áp dụng tỷ lệ % cố định được chia của nước chủ nhà từ dầu khí lãi (tỷ lệ do nhà thầu đề xuất khi tham gia chào thầu và được đàm phán khi xem xét ký kết hợp đồng).

Đối với các khoản thuế, ngoài thuế tài nguyên, xem xét giảm hay miễn quy định về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu và các khoản phí liên quan để khuyến khích các nhà thầu tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu tối đa tài nguyên dầu khí.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Đại biểu Nhân dân

Cần lấp những lỗ hổng pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư lĩnh vực Dầu khí

Cần lấp những lỗ hổng pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư lĩnh vực Dầu khí

Dựa trên thực tiễn hoạt động, những khó khăn vướng mắc gặp phải, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) có những góp ý, kiến nghị cụ thể và mong muốn Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ tháo gỡ khó khăn, tăng mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, cạnh tranh với các nước trong khu vực, để thúc đẩy được đầu tư trong lĩnh Dầu khí.

DMCA.com Protection Status