"Đánh đu" tính mạng vì "lơ" an toàn lao động

06:43 | 18/06/2013

813 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thiếu hiểu biết về đảm bảo an toàn lao động đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số vụ tai nạn ngày càng gia tăng. Đi kèm theo tình trạng này là tính mạng người lao động đang bị xem nhẹ.

Thống kê của Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTB &XH) cho thấy, 5 tháng đầu năm nay trong cả nước có 176 người chết vì tai nạn lao động. TP HCM đứng đầu về số vụ tai nạn lao động, chiếm 1/4 cả nước. Chỉ tính riêng trong năm 2012, trên toàn thành phố đã xảy ra 1.568 vụ tai nạn lao động, làm 98 người chết và nhiều người bị thương mang gánh nặng cho gia đình và xã hội.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/062013/17/15/IMG_1555.jpg

An toàn lao động không được đảm bảo, tính mạng người lao động bị xem nhẹ

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do người lao động và doanh nghiệp đều thiếu hiểu biết về pháp luật an toàn lao động (ATLĐ). Việc xây dựng văn hóa lao động với yếu tố đảm bảo an toàn trong lao động trong các công ty đang bị xem nhẹ. Đây cũng là yếu tố dẫn đến việc người lao động lơ là với công tác đảm bảo ATLĐ.

Tình trạng này đã dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn lao động trên đị bàn thành phố những tháng đầu năm diễn ra với tần suất cao. Có thể dẫn ra đây vụ tai nạn xảy ra tại ngôi nhà trên đường Trần Xuân Hòa (Q.5) vào ngày 10/5, khiến một công nhân vệ sinh máy lạnh tử vong khi rơi từ độ cao hơn 15 m xuống. Hay mới đây nhất là vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Công ty TNHH cơ khí ống thép Tín Vũ (Quốc lộ 1A, P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân) vào ngày 7/6 làm một công nhân tử nạn vì bất cẩn để cuộn thép nặng đè lên cơ thể trong quá trình làm việc.

Qua những vụ tai nạn trên có thể thấy rõ, việc phổ biến pháp luật ATLĐ trong các doanh nghiệp và người lao động hiện nay vẫn còn rất mờ nhạt. Cụ thể mức xử phạt vi phạm pháp luật ATLĐ đối với người sử dụng lao động và lao động hiện nay chỉ ở mức 30 triệu đồng. Mức xử phạt này được xem là quá nhẹ và thiếu sức răn đe, khiến nhiều doanh nghiệp thà chấp nhận đi nộp phạt chứ không chịu đầu tư kinh phí để đổi mới trang thiết bị, máy móc và thực hiện các biện pháp bảo đảm ATLĐ theo đúng quy định pháp luật. Trong khi đó, người lao động cũng không có bất kỳ yêu cầu cần được đảm bảo ATLĐ nào đối với người sử dụng lao động. Vì vậy nguy cơ tai nạn tại nơi làm việc hầu như thường trực.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh thanh tra Sở LĐTB&XH TP HCM, phải thừa nhận rằng, người lao động hiện nay đang rất chủ quan trong việc đảm bảo các yếu tố trong ATLĐ. Vì vậy điều cần thiết là phải nâng việc tuyên truyền, phổ biến cho họ. Riêng đối với các chủ doanh nghiệp thì cần phải xử lý mạnh tay hơn bởi các cuộc kiểm tra ở các doanh nghiệp đều cho thấy doanh nghiệp rất xem thường việc đảm bảo ATLĐ trong sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến tai nạn lao động luôn ở mức tiềm ẩn cao và khó kiểm soát.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện tại Tổng liên đoàn Lao động cũng triển khai việc giáo dục pháp luật ATLĐ cho các doanh nghiệp trong cả nước. Đến nay đã có trên 30.000 doanh nghiệp được phổ biến pháp luật ATLĐ. Bên cạnh đó tổng liên đoàn sẽ kiến nghị nhà nước áp dụng mức xử phạt cao hơn quy định hiện nay nhằm răn đe các doanh nghiệp.

“Các kết quả phân tích cho thấy, đa số các vụ tai nạn đều nằm ở việc người sử dụng lao động không đánh giá đúng nguy cơ tai nạn tiềm ẩn; không có đầy đủ thông tin về điều kiện lao động... thiếu cơ sở để xây dựng kế hoạch bảo hiểm cho người lao động. Vì vậy người sử dụng lao động cần phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm khi để xảy ra tai nạn lao động” - ông Chính nhấn mạnh.

Thùy Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc