Đánh cờ tính trước 5 nước!

15:26 | 05/12/2017

440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều người dân thủ đô thấy xót xa khi thảm cỏ rộng và hệ thống cây cảnh đẹp hiếm thấy ở dải phân cách trên con đường Nguyễn Chí Thanh đang bị xén bỏ để mở rộng lòng đường, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Thôi thì đạt được mục tiêu này nhiều khi đành phải hy sinh mục tiêu khác, nhưng xót thì vẫn xót, bởi đây là tuyến đường từng đạt giải nhất “Con đường đẹp Việt Nam 2001-2002”.

Tuyến đường này dài 1,8km, chạy từ phố Kim Mã cắt ngang qua đường La Thành đến đường Láng, nối với đường Trần Duy Hưng. Dải phân cách rộng gần 20m nay sẽ bị thu hẹp xuống còn 4,4m.

Có người nhận xét rằng, nhiều nhà quy hoạch của ta “đánh cờ đi nước một, trong khi đó, người đánh cờ giỏi phải đoán trước được 5 nước sau đó!”. Đây là một sự lãng phí rất lớn.

Lướt lại nhiều bài học từ thực tiễn mới thấy, lời nhận xét ấy quả cũng có lý.

Chẳng hạn như cách đây 2 năm, Hà Nội cũng đã xén bỏ toàn bộ cây xanh, thảm cỏ giữa đường Trần Duy Hưng đẹp không kém cũng với lý do khắc phục ùn tắc giao thông. Nay dải phân cách ở đường Nguyễn Chí Thanh chỉ còn có 4,4m mà cũng không biết sẽ tồn tại được bao lâu.

danh co tinh truoc 5 nuoc
Đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay

Với những người chơi cờ, có nhiều bài học được thế hệ đi trước để lại. Thí dụ, phải nhìn bao quát được bàn cờ, phải có chiến thuật cụ thể, phải tính toán được các biến thế của nước cờ... và khuyên rằng: “Đừng đi những nước cờ mà mình không tính được những diễn biến kéo theo. Mới đầu, bạn sẽ chỉ nhìn thấy được trước 1 hay 2 nước đi, dần dần sau khi luyện tập bạn sẽ tính toán được 3 hoặc 4 nước trở lên. Những đại kiện tướng có thể tính trước đến 20 nước cờ tiếp theo ở nhiều quân cờ khác nhau”.

Kiểm qua những thông tin trên báo chí gần đây mới thấy, người “chơi cờ chỉ nhìn thấy trước 1 hay 2 nước” cũng... hơi nhiều.

Có một chuyện cứ như trích trong tập truyện ngắn “Những người thích đùa” của nhà văn châm biếm nổi tiếng Azit Nêxin của Thổ Nhĩ Kỳ là xây cầu xong đến 6 năm mà vẫn chưa dùng được. Đó là cầu Cây Chác ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Lý do rất đơn giản, xây cầu xong không có đường dẫn lên cầu!?

Nguyên nhân của tình trạng này, theo đơn vị thi công cho biết, trong thiết kế ban đầu, cầu Cây Chác không có phần đường dẫn lên cầu. Sau đó, thiết kế này đã được sửa đổi, bổ sung và giao về cho địa phương tự thực hiện. Vì thế, xuất hiện thêm tình huống chủ khu đất rộng khoảng 100m2, nơi làm đường dẫn lên cầu không đồng ý.

Chuyện tiếp, cầu thôn Hồ Lân, xã Tân Thắng (Hàm Tân, Bình Thuận) xây xong từ tháng 4-2016 nhưng đến nay, người dân vẫn chưa thể đi lại qua cây cầu này, chỉ vì... cũng không có đường dẫn lên cầu. Lý do, có 4 hộ dân liên quan đến giải phóng mặt bằng chưa được đến bù.

Cán bộ địa phương cho biết, việc xác định giá đất cụ thể phải do Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh thực hiện. Cho nên, địa phương không thể quyết định được giá đất đối với công trình cầu thôn Hồ Lân mà chỉ có thể có công văn đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh sớm thẩm định phương án giá đất để UBND tỉnh ra quyết định về giá đất cụ thể tại công trình này, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Có thể nêu ra nhiều ví dụ “cười ra nước mắt” khác liên quan đến cây cầu không đường dẫn, nhưng qua 2 câu chuyện cụ thể trên, bạn đọc sẽ có bình luận gì khi liên tưởng đến người chơi cờ?

Ở đây, rõ ràng nhất là thể hiện sự “vênh” nhau ở rất nhiều khâu khi hình thành một cây cầu, từ cấp phát kinh phí đến thiết kế, rồi thi công, giải phóng mặt bằng... Nếu theo tư duy của người chơi cờ, mỗi một khâu ấy đóng vai như một quân cờ, quân nào cũng quan trọng và được chỉ đạo và điều hành nhất quán từ một bộ não. Thế nhưng ở đây, những cây cầu được hình thành từ nhiều khâu khác nhau và được quyết định từ nhiều bộ não khác nhau, mạnh ai người ấy đi “quân cờ” của mình.

Chính vì thế mới diễn ra tình trạng “trong thiết kế ban đầu, cầu Cây Chác không có phần đường dẫn lên cầu. Sau đó, thiết kế này đã được sửa đổi, bổ sung và giao về cho địa phương tự thực hiện”. Còn ở cầu cầu thôn Hồ Lân thì phải... đợi Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh.

Đến đây, có thể tạm kết luận rằng, người ta vẫn chơi cờ đoán trước 5 nước, nhưng đặc biệt ở chỗ, nhấc quân cờ là 5 người chơi khác nhau!

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

danh co tinh truoc 5 nuoc

“Nếu có Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được chồng chéo trong quy hoạch, đây là vấn đề rất quan trọng của bất kỳ quốc gia nào, ngành nào hay địa phương nào. Khi không có quy hoạch sẽ dẫn đến sự lãng phí trong quá trình triển khai dự án.

Khi chúng ta xây dựng Luật Quy hoạch, tôi nhận thấy, trên toàn quốc có khoảng 19.800 quy hoạch, từ cấp cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp vùng, ngành, địa phương. Tổng số tiền để làm quy hoạch đó lên đến khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, quy hoạch lại không đồng bộ, thậm chí có rất nhiều quy hoạch treo, quy hoạch chồng quy hoạch”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc