Đáng sợ dược liệu sử dụng tại Việt Nam

16:46 | 19/09/2016

543 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỗi năm Việt Nam sử dụng 60.000 tấn dược liệu nhưng 80% trong số đó nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch. Số còn lại khoảng 1.400 tấn được nhập về là có nguồn gốc xuất xứ. Như vậy dược liệu mà các bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị cho bệnh nhân là không bảo đảm chất lượng. 

80% dược liệu không rõ nguồn gốc

Theo TS Trương Quốc Cường , Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, hiện dược liệu dùng cho sản xuất thuốc tại Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng, chủ yếu nhập khẩu như nông sản hoặc đăng ký dưới hình thức nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm nên khó đạt tiêu chuẩn để làm thuốc.

dang so duoc lieu su dung tai viet nam
Dược liệu được bán ở phố Lãn Ông, Hà Nội

PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cũng cho hay việc thông quan dược liệu qua cửa khẩu còn rất nhiều hạn chế, cụ thể như dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy dẫn đến không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu trong khi đó quá trình kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.

Dược liệu trong nước, theo đại diện của Viện Dược liệu thì cả khâu trồng, chế biến còn rất nhiều vấn đề: không quy hoạch tổng thể mà mang tính tự phát, manh mún, chưa có sự tham gia của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, chưa áp dụng phương pháp khoa học, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp nhà khoa học, nông dân và Nhà nước nên chất lượng kém, ảnh hưởng tới sản xuất. Đã vậy trong chăm sóc dược liệu, người dân sử dụng rất nhiều phân hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vì vậy chất lượng dược liệu khi thu hoạch không bảo đảm. Như người dân dùng chì để đánh đen bóng tam thất; dùng xông sinh để sơ chế dược liệu, một hình thức đã bị cấm từ lâu do không an toàn.

Tân dược trộn lẫn đông dược

TS Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương dẫn chứng, năm 2015, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương phối hợp với Cục Y dược cổ truyển đã kiểm tra 109 mẫu, trong đó phần lớn mẫu được lấy từ khu vực biên giới Việt - Trung. Kết quả có 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu là dược liệu nhầm lẫn, giả mạo đã được đưa vào các cơ sở y tế công lập sử dụng. Chưa kể đến Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương phát hiện nhiều thuốc đông dược có pha lẫn tân dược, gồm cả thuốc tễ, viên hoàn được chế biến sẵn, thuốc siro và cả trong từng thang thuốc. Cá biệt, xuất hiện thuốc đông dược trộn tới 3-4 loại tân dược.

“Các thuốc đông dược thường được pha trộn tân dược như thuốc giảm đau, thuốc chữa khớp, thuốc chữa ho, thuốc tễ cho trẻ em. Điển hình như thuốc tân dược paracetamol được pha trong thuốc đông dược điều trị cảm sốt; thuốc corticoid trộn trong thuốc đông dược trị khớp, hen, ăn uống kém; Glibenclamid và metformin trộn vào thuốc đông dược chữa tiểu đường; sidenafil được trộn trong đông dược có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lực dùng cho nam giới”, ông Lâm cho hay.

dang so duoc lieu su dung tai viet nam
Vùng dược liệu trồng ở trong nước

Nhưng điều ông Lâm cho rằng đáng ngại nhất là việc người dân vừa điều trị tân dược, vừa uống đông dược bổ sung do nghĩ rằng loại thuốc này ít tác dụng phụ dễ dẫn đến quá liều lượng, gây tác dụng phụ nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đến người sử dụng.

Để xảy ra tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thẳng thắn phê bình: “Trách nhiệm này trước hết phải thuộc về cơ quan quản lý mà cụ thể là Cục Quản lý Y dược cổ truyền”.

Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan

Nhằm tìm giải pháp cho vấn đề làm thế nào để nguồn dược liệu sử dụng trong nước được bảo đảm, ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) quốc gia cho rằng muốn kiểm soát vấn đề nhập lậu dược liệu cần sự phối hợp của nhiều cơ quan đồng thời phân định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan biên phòng, công an, quản lý thị trường. Qua đó quản lý từ khâu nhập khẩu đến lưu thông, tiêu thụ. Đặc biệt phải xem dược liệu kém chất lượng là hàng giả, xử lý như thuốc giả.

Đại diện cho Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định muốn nâng cao chất lượng dược liệu cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc, kiểm soát dược liệu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch trên cơ sở “Cái gì có lợi cho nhân dân, cho người bệnh thì làm”. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, tới đây, trong công tác cấp phép, đấu thầu, các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông dược kém chất lượng, có hàng giả, hàng nhái sẽ bị loại khỏi danh sách thầu, thậm chí dừng cấp phép nhập khẩu 1 thời gian...

Xuân Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.