Đằng sau việc Mỹ thắng thầu khai thác dầu khí ở Ucraina

08:28 | 25/10/2012

1,484 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nắm bắt được nhu cầu của Ucraina muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga cả về chính trị lẫn kinh tế, đặc biệt là sự phụ thuộc của Kiev vào khí đốt từ Moskva, Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) đã trúng thầu khai thác một số mỏ dầu, khí quan trọng của Ucraina.

Hiện Ucraina đang mở rộng hợp tác với các công ty dầu mỏ nước ngoài, nhằm thu hút vốn và công nghệ vào khai thác các mỏ dầu trên thềm lục địa của Ucraina tại Biển Đen. Song, việc ExxonMobil thâm nhập được vào thị trường dầu mỏ Ucraina là một bất ngờ. Sau khi thắng thầu, tập đoàn này đã thành lập một liên doanh với Tập đoàn Shell (liên doanh giữa Anh và Hà Lan), Petrom (Rumani) và Công ty Dầu khí quốc gia Ucraina, Narda Ucraina. Tháng 8 vừa qua, liên doanh bốn bên này đã thắng Tập đoàn Lukoil (Nga) trong vụ đấu thầu khai thác mỏ dầu khí tại Ucraina.    

Theo điều kiện mời thầu, các nhà đầu tư nước ngoài phải đóng góp ngay lập tức vào ngân sách Ucraina 300 triệu USD và trong vòng 5 năm tiếp theo phải đầu tư ít nhất 200 triệu USD cho công tác thăm dò. Ước tính, trữ lượng khí đốt của Ucraina vào khoảng 200-250 tỉ m3. Tổng đầu tư để khai thác trữ lượng này phải ở mức 10-12 tỉ USD. Nếu khai thác thuận lợi, hàng năm Ucraina có thể có được 3-5 tỉ m3 khí đốt.

Biếm họa về việc Ucraina muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga

Một số chuyên gia nhận định, đằng sau việc ExxonMobil tìm đến Ucraina còn có cả mục đích chính trị của Washington, nhằm mở rộng ảnh hưởng đối với Kiev. Trước mắt, việc này chỉ phục vụ mục đích kinh tế đơn thuần của giới kinh doanh, nhưng về lâu dài, lợi ích chính trị và kinh tế có thể đan xen nhau. Mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực Biển Đen chính là các nguồn tài nguyên ở đây. Nếu những năm 1990, Mỹ không xác định phải cạnh tranh với Nga để giành quyền kiểm soát các mỏ tài nguyên ở biển Caspian thì hiện nay việc giành thế thượng phong ở Biển Đen lại là nhiệm vụ hàng đầu. Vì thế, tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã ký với Tập đoàn Rosneft (Nga) hợp đồng cùng tiến hành thăm dò và khai thác các mỏ khoáng sản trên thềm lục địa của Nga ở Biển Đen. Mới đây, Mỹ lại tiếp tục thắng thầu ở Ucraina.

Cả Nga và Ucraina đều quan tâm đến công nghệ và năng lực tài chính của ExxonMobil. Tuy nhiên, các thỏa thuận hiện chưa thể sớm mang lại kết quả vì trước hết phải tiến hành thăm dò để đánh giá đầy đủ trữ lượng rồi mới tiến hành khai thác công nghiệp. Ngoài ra, việc khai thác các nguồn năng lượng ở Biển Đen cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột kinh tế, chính trị và thảm họa môi trường nên ít nhất cũng phải sau 10 năm nữa mới có thể bắt đầu khai thác công nghiệp quy mô lớn.

 Hiện nay, Viện Địa chất Quốc gia Ucraina đang tiến hành đánh giá số lượng và trữ lượng các mỏ dầu khí tại Biển Đen nhằm đưa ra dự báo chính xác, cũng như tính toán các chi phí phải bỏ ra khi khai thác. Công ty Tư vấn CERA của Mỹ được mời tham gia công tác này. Theo đánh giá của các chuyên gia, Ucraina hoàn toàn có khả năng tự đảm bảo nhu cầu khí đốt cho thị trường nội địa. Dự kiến, đến 2015 sản lượng khai thác của Ucraina bắt đầu tăng do có thêm nguồn đầu tư và công nghệ mới của nước ngoài.

 Mặc dù chưa có số liệu chính thức song các nhà chính trị và giới chuyên gia dầu mỏ lạc quan về trữ lượng của Ucraina. Một số thông tin cho rằng, đến năm 2025-2030, khai thác của Ucraina đủ sức đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nội địa nếu đầu tư mạnh tay cho thăm dò và khai thác. Song, các quan chức Ucraina lại tỏ ra hoài nghi khả năng này. Trong chiến lược năng lượng được thông qua mới đây, Ucraina vẫn xác định phải đến năm 2022 mới có thể bắt đầu khai thác các mỏ ở Biển Đen và đến năm 2030 sản lượng khai thác mới có thể đạt 7-9 tỉ m3 khí đốt/năm. Chiến lược này cũng xác định phải khai thác song song cả các mỏ hiện có và mở ra hướng đi mới sang khí đá phiến thì mới hy vọng giảm được sự lệ thuộc năng lượng vào Nga.

Trong những năm gần đây, các nước phương Tây ngày càng tích cực gây ảnh hưởng đối với chính sách năng lượng của Ucraina. Nắm được chủ trương của Ucraina muốn thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga càng sớm càng tốt, các nước phương Tây đã kiên trì đề nghị Ucraina sử dụng công nghệ khai thác khí đốt từ đá phiến. Những nỗ lực này cuối cùng cũng đem lại kết quả khi Ucraina đưa ra chính sách mở rộng hợp tác với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng. Dù có thể khai thác được hay không, song việc “xí phần” là thành công lớn của Mỹ và phương Tây trong cuộc cạnh tranh với Nga giành quyền kiểm soát các nguồn dầu mỏ của Ucraina.

Ukraina hiện hoàn toàn lệ thuộc vào khí gas tự nhiên nhập khẩu từ Nga để đáp ứng 64% nhu cầu sử dụng trong nước. Kiev cũng là người sử dụng trả giá cao nhất cho khí gas của Nga. Một trong vài điểm Ukraina có thể sử dụng để đối chọi với ảnh hưởng lấn lướt của Nga là vị trí quốc gia trung chuyển hệ thống xuất khẩu hydrocarbon của Nga sang các thị trường phương Tây. Hơn 80% khí gas xuất vào châu Âu của Nga hiện đang phải đi qua các ống dẫn của Ukraina để tiếp cận các hệ thống phân phối tại Trung Âu. Chính sự lệ thuộc vào hệ thống trung chuyển của Ukraina khiến Moskva không thể không sử dụng sự lệ thuộc của Kiev vào nguồn gas nhập khẩu như một ưu thế tuyệt đối.

Bản thân nước Nga cũng có kế hoạch đa dạng đường vận chuyển khí gas của mình để giảm bớt tính quan trọng của Ukraina. Tuyến đường ống Nord Stream qua biển Baltic sẽ đưa khí gas từ Nga trực tiếp đến Đức – khách hàng lớn nhất là một giải pháp. Ngoài ra, một khi tuyến đường ống South Stream, nối các mỏ tại vùng Caspia của Nga với Nam Âu, đi vào hoạt động theo dự kiến trong năm 2016, lượng gas của Nga đi qua Ukraina sẽ giảm đi khoảng 60%.

Ukraina không thể làm gì nhiều với kế hoạch của Nga. Nỗ lực duy nhất của Kiev là tự đa dạng việc sử dụng khí gas tự nhiên. Do đó, quyết định chọn hai tập đoàn có năng lực công nghệ tiên tiến nhất và tiềm lực mạnh nhất (ExxonMobil và Shell) cho thấy chính quyền Kiev ý thức rất rõ về điều này.

S. Phương