Đằng sau tiếng cười

16:46 | 20/04/2012

1,685 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xem “Cưới ngay kẻo lỡ” của đạo diễn nổi tiếng Charlie Nguyễn trong buổi chiếu ra mắt báo chí vừa qua, không ít người xem có một cảm giác tiếc nuối. Có lẽ vì áp lực danh tiếng, cơm áo gạo tiền trong môi trường làm phim kiểu ăn sổi hiện nay nên “Cưới ngay kẻo lỡ” đã có những thước phim vượt quá giới hạn của yếu tố gây hài, thành ra nhảm nhí, phản cảm.

Nhắc đến Charlie Nguyễn, hẳn khán giả liên tưởng ngay đến diễn viên Thái Hòa và nhớ ngay đến tên của những bộ phim hài từng “làm mưa làm gió” một thời tại các rạp như: “Để mai tính”, "Long ruồi”. Và sắp tới đây, Charlie Nguyễn tiếp tục hợp tác với Thái Hòa để chọc cười khán giả bằng những câu thoại, tình huống lấy từ đời thực nhưng được cường điệu hóa trong “Cưới ngay kẻo lỡ”.

Còn nhớ năm 2010, Thái Hòa từng gây ấn tượng với vai đồng tính Phạm Hương Hội trong tác phẩm “Để mai tính của đạo diễn Charlie Nguyễn. Vai diễn này đã tạo nên một hiện tượng trên màn ảnh rộng Việt Nam. Tuy nhiên dù có được xem là thắng lớn với "Để mai tính”, nhân vật Phạm Hương Hội vẫn là một sự tương phản, nghĩa là có đem đến tiếng cười thì cũng nghe chua chát khi nghĩ rằng Hội là hình ảnh đại diện cho giới gay.

Thái Hòa với tạo hình giả gái trong vai Bích Trâm

Bằng chứng là sau khi bộ phim ra rạp, trên các diễn đàn đồng tính, không ít những người trong cuộc chỉ trích nhân vật Hội đã củng cố nhận thức vốn chưa đúng đắn của dư luận về thế giới gay. Hình ảnh một “má mì” mắt xanh mỏ đỏ đại diện cho người mà người ta gọi là “bóng” xuất hiện đầu tiên trong “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng thì hình ảnh ấy thật đúng là dị dạng chỉ có trong phim ảnh Việt! Ấy vậy mà nó được “bắt chết” cho đến tận gần một thập niên sau. Năm 2011, Thái Hòa tiếp tục thể hiện vai đại ca “Long ruồi” trong phim cùng tên, cũng của đạo diễn Charlie Nguyễn. Theo tổng kết của nhà sản xuất thì “Long ruồi trở thành phim ăn khách nhất lịch sử phòng vé Việt Nam với doanh thu hơn 2 triệu USD.

“Cưới ngay kẻo lỡ” xoay quanh câu chuyện giữa Khánh Linh (Đinh Ngọc Diệp), một cô gái trẻ đa năng có tham vọng trở thành thư ký tòa soạn một tạp chí thời trang và Hồ Sơn (Johnny Trí Nguyễn), một nhiếp ảnh gia đa tình. Cả hai quen nhau sau một vụ đụng xe trên phố và tình trở thành bà chủ – nhân viên. Bên cạnh Khánh Linh có chàng trai giả gái Bích Trâm (Thái Hòa) luôn quan tâm, săn sóc cho cô. Khánh Linh yêu Trung Hà, một đại gia bảo thủ luôn cản trở mơ ước của cô. Giữa tình cảm của ba người đàn ông, nữ biên tập viên xinh đẹp phải lựa chọn… Có thể nói nội dung Cưới ngay kẻo lỡ” khá đơn giản với những motif quen thuộc, nhưng phim gây cười bởi các tiểu tiết được lồng ghép trong từng trường đoạn.

Sau thành công của vai “bóng” và vai đại ca trong phim của Charlie Nguyễn, diễn viên Thái Hòa chuyển sang vai mới nhưng không mới, giả gái. Mỗi lần xuất hiện trên màn ảnh, nhân vật của anh lại lấn át các nhân vật khác như Khánh Linh hay Hồ Sơn. Mặc dù còn loáng thoáng bóng dáng của Phạm Hương Hội của “Để mai tính”. Chất “duyên” bẩm sinh vẫn khiến Thái Hòa có một sức hút mạnh mẽ. Trong khi đó, Ngọc Diệp và Johnny Trí Nguyễn có lợi thế về mặt ngoại hình song các nhân vật của họ khá nhạt nhòa, chưa để lại được dấu ấn đặc biệt gì ngoài phong cách thời trang của Khánh Linh hay vẻ lãng tử phong trần của Hồ Sơn. Charlie Nguyễn và Victor Vũ từng được coi là hai đạo diễn Việt kiều chịu ảnh hưởng phong cách của Hollywood.

Chi tiết gây cười vượt quá giới hạn thành ra nhảm nhí và phản cảm

Tuy nhiên, sau hai phim “Long ruồi”Cưới ngay kẻo lỡ”, nhiều khán giả mới thấy rằng phong cách của Charlie mang hơi hướng phim hài Hongkong với motif nhân vật nam và nữ ban đầu ghét nhau rồi sau đó “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Đều đó cũng đúng bởi sau “Để mai tính” được cho là đậm chất Hollywood nhất, “Long ruồi” thì ít hơn và đến “Cưới ngay kẻo lỡ”, Charlie Nguyễn nỗ lực rất lớn để phim không bị đánh giá là quá Tây. Dù vậy, trong phim người xem vẫn thấy loáng thoáng chất phim Hollywood, cụ thể như cách để cho Khánh Linh phá hỏng đám cưới, lái xe chạy ra sân bay tìm Hồ Sơn là một ví dụ.

Vẫn khiến khán giả cười bằng những cách kể chuyện của mình nhưng với Cưới ngay kẻo lỡ”, dễ dàng nhận thấy Charlie Nguyễn đã bắt đầu đi vào lối mòn. Với 90 phút phim không khác gì một chuỗi tấu hài, không thể nói “Cưới ngay kẻo lỡ” là một phim có trách nhiệm đối với công chúng, dù có thể nó sẽ hoàn thành trách nhiệm doanh thu đối với nhà sản xuất. Các “chiêu trò” của anh có thể vẫn đủ sức giữ chân khán giả nhưng nếu những bộ phim sau vẫn duy trì phong cách này, thiếu tính bất ngờ thì sẽ gây ra sự nhàm chán. Tuy nhiên ở Cưới ngay kẻo lỡ”, các yếu tố tình cảm, hài hước vẫn sẽ đủ sức lôi kéo những ai yêu thích phim giải trí ra rạp; cộng với dư âm của “Để mai tính” và “Long ruồi” thì “Cưới ngay kẻo lỡ” cũng sẽ hứa hẹn sẽ làm nên doanh thu phòng vé cao.

Một điều đáng nói hơn hết của “Cưới ngay kẻo lỡ” chính là phong cách hài hước của phim có phần tục tĩu. Trên du thuyền xuôi theo sông nước miền Tây, trong vai anh chàng giả gái để được gần người đẹp (Ngọc Diệp) mà anh yêu đơn phương, Thái Hòa rút miếng băng vệ sinh từ trong bọc ra để mời cô ăn… bánh. Trong một cận cảnh khác, anh chàng giả gái ấy lại rơi vào tình huống phải “ngồi tiểu” ngoài thiên nhiên khi một người đẹp khác bất ngờ đòi “đi chung cho vui”. Những dòng nước bắn lên từng chặp làm cô gái tròn mắt ngạc nhiên… Hay cảnh Bích Trâm che đồ cho người mẫu thay đồ, cảnh Thái Hòa phải giả vờ yêu bạn trai trong phòng… Những hình ảnh này đầy rẫy trong phim hài Mỹ, thậm chí như thế vẫn còn nhẹ, nhưng ở phim Việt nhiều người lại khó chấp nhận. Không ít khán giả thì điếng người! Phần đông người xem không thể cười nổi với những tình huống phản cảm và quá lố như vậy. Có vẻ như những câu chuyện xoay quanh chân dài, đại gia, những chàng đồng tính buông tuồng, nhà quê ra tỉnh… không còn đủ sức mua lấy tiếng cười của khán giả, đẩy người làm phim vượt giới hạn của sự nhảm nhí bằng việc khai thác cả chuyện vệ sinh của một anh chàng giả gái!

Dùng những chuyện riêng tư, thầm kín nhất đề tạo nên sự hài hước cũng không có gì đáng bàn, nhà làm phim có quyền làm điều ấy. Song, cái cách diễn đạt chúng thì nói lên rất nhiều về chiều sâu văn hoá của người kể chuyện. Xem “Cưới ngay kẻo lỡ”, tiếng cười có thể sẽ vang lên trong một bộ phận công chúng dễ dãi đến với điện ảnh chỉ để mua vui sau những giờ mệt nhoài vì chạy đua với vật chất, danh lợi. Nhưng nếu có người đặt dấu hỏi là dư âm đọng lại của phim là gì thì quả thật sẽ rất khó trả lời; hay nói đúng hơn không có gì để hồi âm cho câu hỏi này! Có chăng chỉ là sự tiếc nuối về một thế hệ đạo diễn được công chúng nhìn nhận tài năng ngay từ tác phẩm đầu tay, nhưng vì áp lực cơm áo gạo tiền và danh tiếng trong môi trường làm phim “ăn xổi” hiện nay nên đã đưa những chi tiết gây cười vượt quá giới hạn thành ra phản cảm.

Trúc Vân