Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những trang sách

07:53 | 08/10/2013

2,110 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều người đã tìm đến những quyển sách hay viết về ông như là một cách để những người ở xa hướng về vị anh hùng được nhân dân cả nước yêu mến và kính trọng này.

“Không phải huyền thoại” (Nhà văn Hữu Mai - 2010)

Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhà văn Hữu Mai với mối quan hệ đặc biệt với nhân vật của mình, đã có cuộc hành trình trên trang giấy để tìm ra đâu là khía cạnh phi thường của một con người giữa quan hệ với muôn người, những ảnh hưởng đến sinh mệnh và cục diện chiến cuộc, đâu là khía cạnh chân thực của những nét ngoại cỡ của tầm vóc lịch sử.

Bằng cách viết nhẹ nhàng, gần gũi nhưng không kém phần tinh tế và giàu cảm xúc, quyển sách đã khắc họa thành công chân dung một vị đại tướng tài năng, một nhân cách lớn của dân tộc.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Hào khí Trăm năm” (TG: Trần Thái Bình – 2011)

Bên cạnh những sự kiện lịch sử đã quen thuộc với tất cả mọi người thì 100 đề mục được thể hiện trong quyển sách còn mang lại những thông tin lý thú về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại sao ông lại làm được quá nhiều điều đến thế trong sự hữu hạn của đời người? Tại sao những điều ông đã làm được lại tỏ ra nghiệm đúng hơn cả trong sự vô hạn của những phương án? Kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, lúc thì đánh chắc tiến chắc, lúc lại thần tốc, thần tốc hơn nữa, rồi xây dựng nền kinh tế tri thức làm then chốt bên cạnh chú trọng kinh tế biển đảo...

Người đọc có thể thấy được tính hợp lý và linh hoạt của một cách đánh, một cách nghĩ, một cách làm, một cách sống mang tinh thần Võ Nguyên Giáp, vừa táo bạo phi thường, lại vừa gần gũi tình người. Trên hành trình gian lao và không ngừng nghỉ đó, toát lên một hào khí của một thời đại sôi động của đất nước, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật nổi bật xâu chuỗi tất cả.

Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Hào Khí Trăm Năm” đưa bạn đọc theo chân Đại tướng từ thời ấu thơ cho đến khi trở thành một trong những vị tướng quân lừng lẫy nhất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. 

“Theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp”  (TG: Song Lam, Minh Khánh – 2012)

Đây là cuốn sách thuộc thể loại phóng sự, ký sự ghi lại hành trình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu Việt Nam thăm 12 nước châu Phi, đặc biệt là Algieria vào năm 1980.

Tại đất nước Algieria, Tổng thống Houarie Boumédienne đã dành cho Đại tướng Võ Nguvên Giáp và đoàn đại biểu Việt Nam nhừng tình cảm chân tình và trọng thị. Tổng thống đã ra đón Đại tướng tại chân cầu thang máy bay, rồi tự tay lái xe để cùng Đại tướng đi suốt chuyến thăm hữu nghị nước này - điều hiếm có từ truớc đến thời gian đó... Sau khi đã hoàn tất các thủ tục thăm viếng ngoại giao, Đại tướng đã đến tham quan Thành phố Trắng.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi kí” (TG: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 2006)

Tổng tập hồi ký này gồm sáu cuốn: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Ðường tới Ðiện Biên Phủ, Ðiện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia cách mạng từ năm 1925. Năm 1929 tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng đảng thành Ðông Dương cộng sản liên đoàn. Năm 1930, bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1936 - 1939 tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Ðông Dương, biên tập viên các báo của Ðảng, Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Ðông Dương đại hội.

Sau tháng 5-1941, ông xây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, tham gia khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Những năm sau đó được sự hướng dẫn tận tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông mở rộng hoạt động và giữ nhiều chức vụ quan trọng, trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Biên Giới....

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông cùng Bộ Chính trị BCH T.Ư Ðảng chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền nam, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mùa Xuân 1975, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền bắc, điển hình là trận Ðiện Biên Phủ trên không tháng Chạp năm 1972.

Trong quá trình cùng với Bộ Chính trị BCH T.Ư Ðảng chỉ đạo kháng chiến, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều tác phẩm, luận văn chính trị quân sự, bài viết, bài nói... góp phần chỉ đạo quân và dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến. Ðặc biệt, những thời điểm, những giai đoạn có tính chất bước ngoặt lịch sử của dân tộc, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đều có những tác phẩm hồi ký, được thể hiện toàn bộ trong Tổng tập hồi ký. 

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” (TG: Trung tướng Phạm Hồng Cư - 2004)

Cuốn sách là kết quả 10 năm sưu tầm tư liệu và nghiên cứu của Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) về quãng thời gian trước tuổi 20 (từ năm 1911 đến năm 1931) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nhờ quá trình tìm tòi và nghiên cứu này, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã xác định được tiệm cận nhất ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ngày 25/08/1911 so với các tài liệu khác cả ở Việt Nam và quốc tế. 

Tác giả đã có dịp tiếp xúc với Đại tướng, phu nhân Đặng Bích Hà, ông Võ Thuần Nho - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - em ruột Đại tướng.., được đọc các bức thư gia đình của Đại tướng - những kỷ vật quý báu đã được lưu giữ hơn nửa thế kỷ. Đặc biệt hơn nữa, Trung tướng  Phạm Hồng Cư đã có cơ hội gặp gỡ với thân mẫu của đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Điều đặc biệt nhất trong tác phẩm này so với các tác tác phẩm khác viết về Đại tướng chính là tác giả đã viết khá tỉ mỉ, sâu sắc về tuổi thơ và tuổi trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác phẩm kể lại, thuở nhỏ, Đại tướng học rất giỏi. Ông đỗ đầu kì thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d’étudé primaires) ở tỉnh Quảng Bình nhưng sau đó lại trượt kì thi vào Quốc học Huế. Năm 1924, ông thi đỗ, tham gia phong trào yêu nước và từng bị đuổi học vì tổ chức bãi khóa ở trường trong chuỗi hoạt động hưởng ứng để tang cụ Phan Chu Trinh.

“Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” (TG: Trần Trọng Trung - 2010)

Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa ông lên tầm cao của các danh tướng thế giới. Được cụ Hồ ủy thác cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Cụ Hồ trao cho, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, ông đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng.

Đức độ và tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông.

Những trang sách trong “Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” chỉ là những nét phác thảo chặng đường đầu tiên của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong suốt cuộc trường chinh đánh thắng hai đế quốc lớn. Đây cũng là cách để các thế hệ công dân Việt Nam hôm nay hiểu hơn về các thế hệ cha ông cùng những đóng góp lặng thầm mà cao cả - một phần lịch sử không thể lãng quên!

H.T