Đại gia chơi thơ

08:28 | 07/10/2011

601 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa sự phát triển rầm rộ của các loại hình nghệ thuật sinh động khác, thi ca Việt cũng không tránh khỏi những thử thách cam go. Thế nhưng, một điều có vẻ nghịch lý lại xảy ra: Người đọc thơ ngày càng ít mà người in thơ ngày càng nhiều!

Dù chưa có con số thống kê đầy đủ và nghiêm túc, song chỉ cần nhìn vào số lượng ấn phẩm thì trừ các nhà xuất bản chuyên ngành như nông nghiệp hay công nghiệp, hầu hết các nhà xuất bản đều cấp giấy phép nhiều nhất và dễ nhất cho thể loại thơ. Cái tâm lý đơn giản hình thành, thơ vơ vẩn trăng gió mây mưa, có hại ai đâu, có thiệt gì đâu, mà không rộng tay cho người ta tự bỏ tiền in. Vậy là những người làm thơ từ cấp thôn đến cấp tỉnh đều có cơ hội ngang nhau để trình làng hàng loạt tập thơ muôn màu muôn sắc.

Bây giờ để đàng hoàng đứng tên trên một tập thơ, không đòi hỏi năng khiếu thơ phú bao nhiêu mà thử xem tài khoản cá nhân ra sao. Giới phát hành sách thờ ơ với thơ lâu rồi. Người nào in thơ thì người ấy tự tìm cách tiêu thụ, bán được cũng mừng, tặng được cũng sướng. Sân chơi sòng phẳng bày ra, chơi thơ trở thành thú tiêu khiển tốn kém như chơi cá, chơi chim, chơi cây, chơi đá. Tiền nhiều chơi nhiều, tiền ít chơi ít, không tiền thì ngồi nhìn kẻ khác chơi. Hình ảnh đời sống thơ dần dần do nhà giàu chi phối, còn nhà thơ đích thực co rúm lại với vẻ mặt nửa ngạo nghễ nửa hoang mang.

Trong giới showbiz có ba người đẹp từng úp mở về chuyện làm thơ là diễn viên Hiền Mai, ca sĩ Trần Thu Hà và hoa hậu Giáng My. Diễn viên Hiền Mai là con gái của nhà thơ Trang Nghị, chị làm thơ từ bé, đã có mấy cuốn sổ chép thơ lên đến cả ngàn bài nhưng tuyên bố khi nào già chống gậy mới in. Hoa hậu Giáng My có tập bản thảo khoảng 100 bài, dự kiến in cực đẹp, giá cực đắt, và nghe nói đã có vài chục đại gia đăng ký mua nhằm thể hiện thiện chí với mỹ nhân cực nhọc sáng tạo.

Ca sĩ Trần Thu Hà kín tiếng hơn, nhưng bất ngờ tung ra tập thơ “Thập kỷ yêu” do NXB Hội Nhà văn VN ấn hành, với 15 bài thơ in thành tập khá mỏng, giá bán 70 ngàn đồng. Thơ của ca sĩ Trần Thu Hà chủ yếu ghi lại những cảm xúc xôn xao: “Cứ hồn nhiên đi tiếp thập kỷ yêu/ Ngắm chồi xanh tỏa cành cao bóng mát/ Tiếp tục hành hương qua những miền chưa biết/ Bình thản ghi lại cuốn phim tôi/ Ừ, chỉ đơn giản thế thôi!”. Tập thơ “Thập kỷ yêu” của Trần Thu Hà in 1.500 bản, cô tự bán trong đêm nhạc của mình được 1.000 bản, còn 500 bản nhờ Công ty Phương Nam phân phối rộng rãi.

Không phải người nào in thơ cũng như ca sĩ Trần Thu Hà, chị có lượng khán giả hâm mộ đông đảo nhiệt tình hưởng ứng. Thế nhưng, lượng fan của Trần Thu Hà không thể so được với lượng khách hàng của đại gia Huỳnh Uy Dũng. Dũng "lò vôi” sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến mỗi ngày hàng ngàn lượt người tham quan, Huỳnh Uy Dũng tranh thủ ưu điểm ấy để quảng bá thơ một cách ngoạn mục. Thơ Huỳnh Uy Dũng viết toàn lục bát kiểu như :“Ai ngờ cuộc sống là thơ/ Ai ngờ cuộc sống là tờ tâm kinh/ Nếu không tự chủ lấy mình/ Thì muôn năm cũng lục bình trôi sông”, mỗi năm in chục tập, lấy giấy phép từ NXB Thanh Niên đến NXB Tôn giáo. Thơ Huỳnh Uy Dũng được bày bán ở tất cả các quầy hàng lưu niệm trong khu du lịch, và thỉnh thoảng tặng kèm cùng với cẩm nang hướng dẫn tham quan Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến.

Du khách lắm phen chau mày khó hiểu hoặc bật cười thích thú khi đọc những câu thơ của ông chủ họ Huỳnh thường ví mình với Ngu Công dời non, ví dụ: “Sợ là cái "tội tổ tiên”/ Sinh ra đã sợ – di truyền vậy thay/ Sợ làm bủn rủn chân tay/ Tối cả mặt, tắt cả mày người ta/ Sợ thần, sợ quỷ, sợ ma/ Sợ đàn ông, sợ đàn bà, sợ nhau/ Sợ từ ngọn gió tàu cau/ Sợ qua hạt thóc lá trầu nằm nghiêng/ Sợ tang hải, sợ thương điền/ Sợ già, sợ bệnh, sợ điên, sợ khùng”. Chưa hết, Huỳnh Uy Dũng còn mời nghệ sĩ lừng lẫy diễn ngâm thơ, phát hành dưới dạng CD, VCD, DVD, đồng thời chỗ nào trong khuôn viên Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến có chỗ trống thì lập tức được chạm khắc thơ Huỳnh Uy Dũng với nét chữ rồng bay phượng múa tưng bừng. Chơi như Huỳnh Uy Dũng thì không mấy người dưới vòm trời thơ Việt có thể sánh vai!

Không thể so với đại gia Huỳnh Uy Dũng, nhưng làng thơ cũng từng nổi lên vài hiện tượng thảng thốt xen lẫn ngao ngán. Xin kể ra đây vài trường hợp tiêu biểu. Thứ nhất, ông Giám đốc Công ty Dược Minh Hải làm thơ lấy bút danh Hùng Anh, từng được vài nhà thơ có danh xúm vào bốc thơm. Đại gia đóng vai nhà thơ Hùng Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam chưa được bao lâu, thì bị chuyển vào nhà giam vì tội tham nhũng. Từ đó đến nay không ai nhắc đến thơ Hùng Anh nữa. Ngoài ra, còn phải nhắc đến một nhà thơ từng là lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Lúc còn tại chức, thơ của vị này được in, đươc phổ nhạc ca hát véo von trên các diễn đàn, nhưng về hưu thì mọi âm thanh huyên náo nhất cũng vụt tắt. Xem ra, thơ muốn nổi thì chức phải lớn, hoặc tiền phải nhiều!

Kể ra kinh tế thị trường cũng có cái hay. Sức mạnh đồng tiền đẩy các nhà thơ mơ mộng viển vông ra ngoài cơn lốc danh vọng. Thi sĩ kiêm… hàn sĩ thì đừng hòng đánh đu với thi ca. Hiện tại, giám đốc làm thơ thì nhiều người biết hơn nhân viên làm thơ, đại gia làm thơ thì được săn đón hơn dân nghèo làm thơ. Như một lời cảnh tỉnh, hãy làm giàu đi rồi hẵng làm thơ. Bởi lẽ, ở thời điểm này và có thể vài năm sau nữa, chơi thơ không phải để kiếm tiền, mà chơi thơ để tiêu tiền! Làm thơ cũng là tiêu tiền mà đọc thơ cũng là tiêu tiền! Có lẽ, hiểu được quy luật này, cho nên trong chương trình “Lắng nghe mùa thu vàng” diễn ra tại Hà Nội ngày 1/10/2011, ca sĩ Mỹ Linh cũng hé lộ bản thân đã làm thơ và sẽ… tiếp tục làm thơ!

Tuy Hòa

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.