Đại Bình - Điểm đến lý tưởng của du lịch Quảng Nam

13:00 | 10/12/2017

5,318 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Du khách đến Quảng Nam, ngoài việc thăm thú hai di sản thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, mà chưa đặt chân đến làng cổ Đại Bình, coi như chuyến đi chưa trọn vẹn…

Vài nét về làng cổ Đại Bình

Đại Bình còn có tên Nôm là Đại Bường. Theo các bậc cao niên, đây là tên làng cũ có cùng thời với những làng cũ nhất của Quảng Nam kể từ năm 1602 sau khi Chúa Nguyễn Hoàng thiết lập dinh trấn Quảng Nam và phân định hệ thống làng xã, phủ huyện.

Làng Đại Bình ngày nay thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm ở vị trí tuyệt đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đầu nguồn dòng Thu Bồn. Đây được cho là một trong những làng cổ đẹp vào bậc nhất ở miền sơn cước của đất Quảng.

dai binh diem den ly tuong cua du lich quang nam
Cổng làng Đại Bình

Trải qua mấy cuộc binh đao, đặc biệt là trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ngôi làng này không hề bị đạn bom tàn phá. Con em làng Đại Bình tham gia kháng chiến ở khắp các chiến trường trở về đều lành lặn.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, Đại Bình vẫn giữ nguyên được những giá trị truyền thống, trai làng không nhậu nhẹt say sưa, tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, không hề có chuyện trộm cắp, gây gổ đánh nhau. Vùng quê thanh bình ấy rất hợp với tên gọi: Đại Bình.

Làng Đại Bình không chỉ được xem là “miệt vườn Nam Bộ” ở miền Trung, mà nơi đây còn được vinh danh là “làng đại thọ”, “làng cử nhân”… Đặc biệt, vùng đất này còn là nơi lưu giữ những giai thoại, chở che và nuôi dưỡng tâm hồn những “nhân vật của thời đại” như nhà thơ lừng danh Bùi Giáng, Tường Linh, Tạ Ký, GS Hoàng Châu Ký…

Đại Bình ngoài việc giữ gìn những nét văn hóa cổ kính, nơi đây còn là một địa chỉ giữ nguyên giá trị của một làng quê tiêu biểu với cây đa, bến nước, sân đình. Đại Bình mang trên mình nhiều di tích lịch sử, nhiều sản vật, nhiều truyền thuyết mang tính huyền bí…

Nơi đây có ngôi chùa cổ mang chính tên làng. Trong chùa có một pho tượng phật cổ bằng đồng, cho đến nay chưa xác định được chính xác về niên đại. Xung quanh pho tượng này có nhiều truyền thuyết huyền bí, nhất là chuyện nhân quả, báo ứng liên quan đến vết đạn hằn trên tượng Phật. Sau chùa có gốc cây Chiêm Chiêm cổ thụ trên trăm tuổi.

Rồi sự tích giếng Tiên bốn mùa đầy ắp, nước trong ngăn ngắt. Những năm hạn hán kéo dài, ruộng đồng khô cạn, nứt nẻ, nhưng giếng Tiên không bao giờ hụt đi một phân nước. Nơi đây còn có bàn thờ cúng đầu làng và cuối làng rất đỗi linh thiêng; có Di tích Nghĩa Trũng…

Đại Bình còn được mệnh danh là “miệt vườn Nam Bộ” ở miền Trung. Hỏi người dân Đại Bình từ già đến trẻ không ai là không biết và hết lời ca tụng công đức của cụ Huỳnh Châu, người còn có tên gọi khác là cụ Hương Hân. Cụ vừa là một nhà tu hành, vừa là thầy thuốc…

Cuộc đời cụ rong ruổi vào tận Nam Bộ chữa bệnh cho dân nghèo. Và chính cụ là người có công di thực nhiều loại giống cây ăn trái ở Nam Bộ về trồng ở vườn nhà, rồi sau này nhân giống ra cả làng. Vì vậy ngày nay, ở Đại Bình mùa nào thức ấy, trái cây trĩu quả nào là: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vú sữa, lêkima, sabôchê, hồng… của vùng miệt vườn Nam Bộ, chen trong những loại cây chủ lực bao đời ở địa phương là cam mật, quýt đường, bưởi trụ lông và bòn bon…

Làng Đại Bình có những điều đặc biệt, mà hiếm có làng quê nào trên đất nước này có được. Nếu có cuộc thi, thì chắc chắn Đại Bình là làng quê giữ nhiều kỷ lục. Đấy là: có nhiều người sống thọ; gái Đại Bình nổi tiếng đẹp người, đẹp nết nhất vùng; có nhiều người đỗ đạt đóng góp công sức, trí tuệ cho đất nước.

Sức hút từ “chân quê”

Mới đây tôi cùng với nhà thơ Ngân Vịnh, nhạc sĩ Nguyễn Đức cùng một số anh ở Sở Công an Quảng Nam đã nghỉ hưu có chuyến điền dã về Đại Bình.

dai binh diem den ly tuong cua du lich quang nam
Bến đò bên những lũy tre làng

Làng quê yên ả có sức hút đến kỳ lạ. Làng Đại Bình có 250 hộ, thì cả 250 hộ đều có vườn cây ăn trái, diện tích chiếm đến 28/131ha đất tự nhiên của cả làng. Ngoài các loại trái cây Nam Bộ ở Đại Bình còn có các trái cây bản địa nổi tiếng, đấy là: Bưởi trụ lông, một loại bưởi chỉ có riêng ở Đại Bình, quả hình trụ, có một lớp lông măng bao phủ. Múi bưởi khô, khi tách không bị dập như loại bưởi khác, nhưng không vì vậy mà mất đi vị ngọt rất riêng.

Bòn bon, một loại đặc sản của xứ Quảng cũng được trồng khá nhiều ở Đại Bình. Tương truyền, khi bị anh em nhà Tây Sơn đuổi chạy, Nguyễn Ánh lạc vào rừng. Chính quả bòn bon đã giúp cho chủ tớ nhà Nguyễn Ánh cầm hơi. Vì vậy sau này lên ngôi, vua Gia Long Nguyễn Ánh đã phong tước cho loại trái cây này là Nam Trân (loại trái cây vua).

dai binh diem den ly tuong cua du lich quang nam
Vào làng Đại Bình

Mùa nào quả ấy, Đại Bình trở thành vựa trái cây cung cấp cho các phố thị: Đà Nẵng, Hội An. Ngày xưa khi giao thông còn cách trở, ghe thuyền của cánh thương hồ luôn tấp nập nơi bến sông Đại Bường. Và từ đây trái cây ở vùng đất này xuôi về phố thị. Hiện nay, dù trái cây ở hai đầu Nam - Bắc ngày ngày đổ về miền Trung, nhưng các sản vật từ Đại Bình vẫn theo những chuyến đò dọc về Hội An, ra Đà Nẵng.

Dân làng Đại Bình sống thọ, một phần nhờ không khí trong lành, phần khác là do thực phẩm sạch. Từ bao đời đến nay dân Đại Bình không hề dùng hóa chất để diệt trừ sâu bọ, mà họ có cách phòng trừ bằng những kinh nghiệm của cha ông.

Tiếng là làng cổ nhưng Đại Bình được quy hoạch hết sức khoa học, đường làng, ngõ xóm được thiết kế theo ô bàn cờ. Các nhà dân trong làng được bao bọc một màu xanh bởi những hàng rào tự nhiên là cây chè tàu. Trong làng cả ngày tịnh không có một tiếng xe máy, hay bất cứ một loại động cơ nào khác.

Du khách đến đầu làng, tất cả các loại xe đều để tại đó, tản bộ dưới tán cây lúc lỉu các loại quả. Dân làng Đại Bình sống thọ, một phần nhờ không khí trong lành, một phần nữa là do thực phẩm sạch. Từ bao đời nay dân Đại Bình không hề dùng hóa chất để diệt trừ sâu bọ, mà họ có cách phòng trừ bằng những kinh nghiệm của cha ông. Nhiều lão nông râu tóc bạc phơ kể với chúng tôi rằng: cả cuộc đời của các ông chưa hề biết bệnh viện là gì. Trái gió trở trời chỉ nắm cỏ vườn nhà làm nồi nước xông là khỏi bệnh.

Chẳng vậy mà làng chỉ có hơn 300 hộ dân, mà cũng có xấp xỉ 300 hội viên người cao tuổi. Lớp người tuổi 70 tự nhận mình còn trẻ so với các bậc cao niên. Trong làng không hiếm gia đình cùng tồn tại cả 5 thế hệ. Dưới các mái nhà cổ kính rêu phong vẫn còn các cụ già như là “báu vật” của làng sinh từ đầu thế kỷ XX.

Đại Bình còn nổi tiếng là làng của những “cử nhân”. Tiêu biểu là 5 tiến sĩ đã làm rạng danh Đại Bình. Trong đó có TS Hứa Ngọc Phúc, người mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi đã được Thái Lan mời sang làm việc, nhưng ông khước từ. Nhiều công trình nghiên cứu về nuôi trồng hải sản của ông được các giáo sư đầu ngành trên thế giới đánh giá cao. Làng Đại Bình còn có gần 10 thạc sĩ, hơn 100 người đang theo học tại các trường đại học trong và ngoài nước.

dai binh diem den ly tuong cua du lich quang nam
Lúc lỉu trái là hình ảnh đặc trưng ở vựa trái cây này

Vẻ đẹp độc đáo của Đại Bình mang đậm hồn Việt. Du khách đã bắt đầu tìm đến Đại Bình ngày một nhiều. Người ta đến Đại Bình không phải là “đi cho biết”, mà đến với Đại Bình để thưởng ngoạn, để được đắm mình vào không gian trong lành, từ chính cái mộc mạc chân quê hiếm hoi ở miền sơn cước này.

Địa điểm lý tưởng để xây dựng du lịch sinh thái

Với những giá trị được thiên nhiên ban tặng. Đại Bình được biết đến không chỉ là tiềm năng về trái cây. Mà nơi đây còn biết bao những tiềm năng khác.

Những nét đặc trưng về làng quê, làng nghề thuần Việt còn hầu như nguyên vẹn. Phong cảnh “sơn thủy hữu tình”; con người và những nét văn hóa thuần khiết. Không gian sống trong lành êm ả… chính là sức hút du khách. Quy hoạch để biến Đại Bình trở thành “làng du lịch sinh thái vườn ven sông” theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng quê Việt Nam là điều ngành du lịch Quảng Nam phải tính đến.

dai binh diem den ly tuong cua du lich quang nam
Đường Chè Tàu ở làng cổ Đại Bình
Đại Bình nằm trên tuyến đường du lịch quan trọng nhất của tỉnh Quảng Nam là tuyến Hội An - Mỹ Sơn - dọc sông Thu Bồn. Đây là tuyến du lịch đã được xác định trong quy hoạch du lịch của tỉnh và đang không ngừng phát triển, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khách du lịch của Quảng Nam. Khi tuyến Trường Sơn Đông hoàn thành, Đại Bình sẽ có một vị trí thuận lợi trong liên kết phát triển du lịch của vùng Tây Quảng Nam. Trong đó có các tuyến du lịch quan trọng của tỉnh như: Phú Ninh - Hiệp Đức - Khâm Đức (Phước Sơn) - Thạnh Mỹ (Nam Giang)... Trên địa bàn Nông Sơn, Đại Bình nằm gần và là một địa điểm có mối liên hệ chặt chẽ trong đầu tư, khai thác du lịch với các khu vực như: Hòn Kẽm Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên, Đèo Le, các điểm du lịch khác như tượng đài Chiến thắng Nông Sơn Trung Phước...

Hiện nay đã có nhiều đoàn khách đến với Đại Bình. Tuy vậy, đây mới là những manh nha cho một nơi du lịch mới. Để biến Đại Bình thành một điểm đến liên kết với các khu vực lân cận cần phải có một quy hoạch tổng thể khoa học.

Trước hết là phải định hướng không gian làng Đại Bình, mà trọng tâm là bảo tồn, tôn tạo những giá trị hiện hữu. Phát triển hạ tầng, nhất là giao thông cả đường thủy và đường bộ một cách đồng bộ, nhưng không được làm mất đi cảnh quan. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp điều tra một cách toàn diện diện tích cây ăn trái, có kế hoạch thay thế những cây già cỗi một cách hợp lý. Tránh cho được việc chia lô, tách thửa những vườn trái cây rộng lớn, nếu không sẽ làm mất đi những giá trị hiện hữu.

Cùng với đó là nghiên cứu phát triển các làng nghề truyền thống khác mà lịch sử vùng đất này đã định hình. Tạo thành chuỗi làng nghề, vừa có thêm các điểm tham quan, vừa có thêm các sản phẩm du lịch độc đáo khác.

Hy vọng với tiềm năng du lịch to lớn ở vùng đất này, ngành du lịch Quảng Nam sớm định hướng xây dựng để biến Đại Bình trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch Quảng Nam trong tương lai gần, trở thành động lực để cả vùng sơn cước ở phía tây Quảng Nam phát triển, góp phần thu dần khoảng cách giàu nghèo với các địa phương khác.

Đại Bình có núi Hòn Ngang sừng sững sau lưng, có khúc sông Thu Bồn thượng nguồn trong xanh trước mặt, có bãi cát vàng cong như trăng lưỡi liềm ôm lấy lũy tre…

Đường làng, cây đa, bến nước, sân đình, nhà cổ, bãi mía, nương dâu vẫn nguyên sơ. Phương tiện duy nhất vào làng là những chuyến đò ngang. Bước lên khỏi bến đò, băng qua bãi cát, đi vào sâu sau lũy tre là một thế giới cây trái xanh mát.

Đến với Đại Bình, du khách còn ấn tượng bởi nét văn hóa mang đậm dấu ấn làng quê Việt Nam xưa, với cổng làng, lũy tre, những vườn cây xanh mát, một khung cảnh thanh bình, yên ả, trù phú.

Trung Đặng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps