Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Luật Dầu khí (sửa đổi) góp phần đảm bảo tự chủ về năng lượng

12:55 | 03/06/2022

2,633 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sửa đổi Luật Dầu khí để đưa ra những cơ chế, những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển ngành dầu khí.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội với phóng viên Báo Công Thương bên hành lang Quốc hội.

Luật Dầu khí (sửa đổi) là một trong 6 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Dự án Luật này được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Tôi đồng tình với nhận định này. Vì chúng ta đều biết dầu khí bao giờ cũng là nguồn năng lượng quan trọng của quốc gia. Đồng thời, đây là nguồn thu lớn cho nguồn ngân sách nhà nước và là nguồn cung ứng năng lượng cho nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Sửa đổi Luật Dầu khí sẽ thúc đẩy phát triển ngành dầu khí
Ông Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội

Trong những năm qua, đóng góp của ngành dầu khí cho sự phát triển của nền kinh tế rất lớn và trong thời gian tới, sự đóng góp của lĩnh vực này vẫn tiếp tục quan trọng.

Trong bối cảnh thế giới đang có những biến động, đặc biệt là giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng lên thì việc chúng ta sửa đổi Luật Dầu khí để đưa ra những cơ chế, những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí cũng như liên doanh hợp tác phát triển ngành dầu khí sẽ tạo điều kiện: Thứ nhất, đóng góp vào việc tăng trưởng; thứ hai, để đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Đây chính là việc rất quan trọng cho thời gian trước mắt.

Dự án Luật Dầu khí đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị chu đáo. Tôi rất hy vọng rằng Quốc hội sẽ thảo luận và sẽ sớm thông qua dự luật này.

Hiện nay, một số ý kiến về dự thảo Luật cho rằng cần quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN ) nhiều hơn. Về vấn đề này, ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ, việc tăng cường tính tự chủ của các doanh nghiệp là cần thiết, ngay cả các doanh nghiệp nhà nước, nhưng quan trọng nhất là tính tự chủ đó phải trong khuôn khổ các quy định của pháp luật, khuôn khổ của những chuẩn mực về quản trị.

Đặc biệt, đây là một doanh nghiệp rất quan trọng, liên quan đến một ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân, liên quan đến những vấn đề an ninh, quốc phòng và quan trọng đến vấn đề đảm bảo tự chủ của nền kinh tế.

Bởi vậy, làm sao một mặt có hệ thống chính sách điều tiết lợi nhuận, điều tiết và định hướng đầu tư, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo sự minh bạch và quản trị theo tiêu chuẩn của các nền kinh tế hàng đầu trong một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Chúng ta phải luôn hướng tới những chuẩn mực cao như vậy trong việc quản lý, điều tiết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí.

Trong K họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ông có những kỳ vọng gì đối với những dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua cũng như xem xét, cho ý kiến?

Có thể nói, tại Quốc hội khoá XV, các Ủy ban của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có sự sát cánh đồng hành. Quốc hội đã trở nên chủ động hơn rất nhiều. Không chỉ xem xét những dự án, tờ trình, những sáng kiến xây dựng pháp luật của Chính phủ mà Quốc hội còn chủ động đưa ra những sáng kiến luật pháp, những yêu cầu và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ từ khâu đầu tiên của quá trình xây dựng các dự thảo, tiếp đó là quá trình thẩm định, quá trình thông qua để đảm bảo sự chuẩn bị chu đáo và chuyên nghiệp của các văn bản luật.

Trong quá trình xây dựng đó, Chủ tịch Quốc hội đã có những định hướng chỉ đạo rất cần thiết. Tức là không xem xét các văn bản luật chưa đưa vào chương trình xây dựng pháp luật; đặc biệt, kiên quyết không xem xét những văn bản luật không đảm bảo điều kiện về mặt thời gian hay những điều kiện cần thiết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Từ đó, đảm bảo tính kỉ cương, tính chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng và đảm bảo chất lượng cho các văn bản pháp luật cùng với việc đảm bảo văn bản pháp luật đó phản ánh được yêu cầu của thực tiễn đời sống.

Tôi nghĩ, những động thái đó của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội rất quan trọng cho việc, một mặt chúng ta đảm bảo được hệ thống pháp luật luôn luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Mặt khác thì đảm bảo được những chuẩn mực cần thiết, đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo tính ổn định và đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Công thương

DMCA.com Protection Status