Đại biểu Quốc hội “buồn” nhưng "đổ lỗi cho người dân là không đúng"!

07:59 | 29/05/2018

667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Người dân chỉ bỏ phiếu trong danh sách ứng viên được giới thiệu, hiệp thương đưa ra chứ có bỏ ngoài danh sách đâu nên nói trách nhiệm thuộc về cử tri là không đúng”.
Đại biểu Quốc hội “buồn” nhưng

Chỉ mới qua nửa nhiệm kỳ, đã có nhiều ĐB Quốc hội bị thi hành kỉ luật ở mức bãi miễn, cho thôi. Trong đó, một số còn sa vòng lao lý với những mức án từ cao đến rất cao. Điều này chắc khiến nhiều ĐB QH không khỏi “buồn” còn tất nhiên, cử tri thì lo lắng và thậm chí, hoài nghi về công tác hiệp thương.

Trả lời PV báo Dân trí, bài “Những chiếc ghế trống do mất tư cách đại biểu là nỗi buồn của Quốc hội”, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đã bày tỏ: “Trong suốt 4 khóa tham gia Quốc hội vừa qua, tôi chưa thấy sự việc như vậy. Có nhiều lý do nhưng nói chung đó là việc đáng buồn. Công tác cán bộ của chúng ta như thế cần đánh giá, xem xét lại”.

Trong Hội thảo về việc sửa đổi Quy định 263 năm 2014 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm tổ chức ngày 15/5 vừa qua, PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương băn khoăn:

“Cả nước có 500 đại biểu Quốc hội đại diện cho hơn 93 triệu dân mà mới đi được nửa nhiệm kỳ đã 5-6 đại biểu “rụng” vì dính sai phạm, không xứng đáng”. Ông Phúc nói.

Nhó lại cách đây hơn 3 năm (ngày 28/1/2015), trước Đại hội Đảng, theo báo Tuổi trẻ (bài “22 người vào quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư”), phát biểu tại Hội nghị cán bộ, công chức của Ban Tổ chức Trung ương tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết qui trình rất chặt chẽ, lựa chọn chính xác, qua nhiều bộ lọc, đặc biệt là chống tiêu cực.

“Không thể “chạy” được năm cơ quan ở trung ương và thêm địa phương nữa là sáu cơ quan mặc dù có đồn thổi nhưng chắc chắn là không có “chạy” – Ông Rứa nói.

Tuy nhiên thực tế không được như lời của ông Rứa, việc một số đại biểu bị bãi miễn, cho thôi vừa qua thì hầu hết những khuyết điểm họ mắc phải thuộc giai đoạn trước khi hiệp thương, giới thiệu.

Điều này, phải chăng công tác hiệp thương đề cử đã không còn phù hợp và đã đến lúc cần phải có một phương pháp, cách thức khác như lời của ĐB Bùi Sĩ Lợi: “Việc đổi mới cách thức bầu cử để lựa chọn đại biểu Quốc hội cần thiết đặt ra…”.

Song, về câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm thì cho đến nay, vẫn chưa được làm rõ. Trong bài “Chưa cơ quan nào chịu trách nhiệm để lọt đại biểu không xứng đáng vào Quốc hội!” trên báo Dân trí, PGS.TS. Vũ Văn Phúc băn khoăn “Quy trình giới thiệu, xem xét cán bộ thế nào chứ hay chỉ làm kiểu hiệp thương ào ào đi”.

Còn khi trả lời câu hỏi “có người có thẩm quyền cho rằng, cử tri, người dân chịu trách nhiệm về việc bỏ phiếu bầu đại biểu vào Quốc hội như thế?” của PV Dân trí, ông Phúc thẳng thắn:

“Mình đổ lỗi cho người dân, cho cử tri là không đúng. Trách nhiệm của người dân là lá phiếu nhưng vì không phải là người dân trực tiếp giới thiệu và bỏ phiếu mà do quy trình giới thiệu, cơ cấu làm từ dưới lên, từ trên xuống rồi còn thông qua hiệp thương nữa mới có danh sách đó. Vậy nên, thực tế, người dân chỉ bỏ phiếu trong danh sách ứng viên được giới thiệu, hiệp thương đưa ra chứ có bỏ ngoài danh sách đâu nên nói trách nhiệm thuộc về cử tri là không đúng”.

Có thể nói, với hàng loạt những sai phạm ở cán bộ cấp cao và đại biểu Quốc hội vừa qua thì dù với bất cứ lý do gì cũng không thể không đặt câu hỏi về công tác cán bộ và hiệp thương. Phải chăng phương thức cũ không còn hiệu quả, bôc lộ những bất cập và đã đến lúc cần phải thay đổi?

Song trước hết, cần loại bỏ tư tưởng đổ lỗi cho dân bởi như lời của Nguyên Ủy viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt có lần trả lời PV báo Dân trí: “Đảng lãnh đạo thì Đảng phải chịu trách nhiệm”, bài “Không thể chỉ đẩy chính quyền ra để chịu trận”.

Đại biểu Quốc hội buồn nhưng không được đổ lỗi cho dân!

Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc