Đà Nẵng & "chiếc khiên" Tiên Sơn

11:10 | 11/08/2020

502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) -  Tại Đà Nẵng, bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn được hoàn thiện thần tốc phần cơ bản trong 84 giờ, cung cấp thêm một chiếc khiên vững chắc cho những chiến binh áo trắng, áo xanh trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19.

84 giờ thần tốc

Để nâng cao năng lực ứng phó của thành phố đối với dịch bệnh, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng với sự tham vấn của các cơ quan chuyên môn đã quyết định xây dựng 2 bệnh viện dã chiến, một tại Trung tâm y tế Hòa Vang và một tại Cung thể thao Tiên Sơn.

da nang chiec khien tien son
Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn nhìn từ trên cao

Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế Hòa Vang đã được đưa vào sử dụng từ sớm, tiếp nhận nhiều bệnh nhân. Còn bệnh viện dã chiến đặt tại Cung thể thao Tiên Sơn bắt đầu được xây dựng ngày 1-8 với quy mô ban đầu hơn 280 giường bệnh, tùy tình hình thực tế có thể nâng lên 700-1.000 giường bệnh. Chỉ sau 84 giờ, việc xây dựng cơ bản được hoàn thành, chỉ chờ lắp các trang thiết bị y tế.

Ngày 2-8, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mây đen vần vũ trên khắp bầu trời Đà Nẵng. Nhưng bên trong Cung thể thao Tiên Sơn, không khí luôn “nóng”. Hơn 100 tấn vật liệu được chuyển đến. Tiếng cưa máy, máy khoan, tiếng người... hòa vào nhau, không khí rất khẩn trương, không ai ngơi nghỉ.

Bệnh viện dã chiến được giao cho Tập đoàn Sun Group thi công, hoàn thiện. Sun Group đã huy động tối đa lực lượng nhân sự, dốc toàn lực thi công với khoảng hơn 500 công nhân chia ca kíp làm việc không ngừng nghỉ 24/24 giờ. Hàng trăm người khác gián tiếp tham gia các khâu: mua sắm, vận chuyển nguyên vật liệu, nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, vận chuyển, lắp đặt thiết bị...

Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng. Hệ thống buồng bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn... được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với bệnh viện dã chiến. Được lắp ráp bằng các vật liệu nhẹ, bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn có thiết kế đạt các tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn cho cách ly bệnh truyền nhiễm, thông gió tự nhiên, tổ chức mặt bằng và phân luồng đi để tránh lây nhiễm chéo, lắp đặt biển chỉ dẫn chi tiết đến từng buồng bệnh...

Theo thiết kế, các khu vực hành lang tầng 2 và 3 của Cung thể thao Tiên Sơn được bố trí các giường bệnh dành cho bệnh nhân nhẹ, tầng 2 khoảng 220 giường, tầng 3 khoảng 200 giường. Tầng 4 là chỗ làm việc, nghỉ ngơi cho đội ngũ cán bộ y tế.

Chiếc khiên vững chắc

Thành phố Đà Nẵng đang trải qua những tháng ngày khó khăn. Những người già ở thành phố này nói, họ sống mấy chục năm ở đây nhưng chưa bao giờ thấy thành phố miền Trung này vắng lặng như vậy. Đà Nẵng đang đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Mỗi ngày, những ca dương tính đều tăng, hệ thống y tế ngày càng gặp nhiều áp lực, thành phố đã phải cách ly 3 bệnh viện và một số trung tâm y tế cấp quận, huyện để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Điều này đồng nghĩa với bệnh nhân của các bệnh khác không có chỗ điều trị.

da nang chiec khien tien son
Bên trong bệnh viện dã chiến Tiên Sơn thời điểm trước khi được bàn giao

Trong những ngày qua, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C đã từng bước được “làm sạch”, không còn bệnh nhân nhiễm Covid-19, để tiến tới việc đón các bệnh nhân bình thường tới khám và điều trị. Số bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chuyển về những nơi khác để điều trị tập trung. Từ đó, vòng kiểm soát dịch bệnh được khép chặt, tiến tới xóa ổ dịch. Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị 2 nơi điều trị các bệnh nhân nặng ở bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Nơi đây sẽ có những khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 chuyên biệt, đã xây dựng những đơn nguyên điều trị, chăm sóc đặc biệt, chăm sóc tích cực, chạy thận nhân tạo...

Theo thiết kế, bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn sẽ được sử dụng tùy theo tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp số bệnh nhân nhiễm Covid-19 bùng phát, nơi đây sẽ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nếu số bệnh nhân vẫn được kiểm soát, bệnh viện dã chiến này sẽ là nơi tiếp nhận, cách ly, theo dõi những trường hợp tiếp xúc gần (F1) trong thời gian 14 ngày. Khác nhiều cuộc bàn giao khác, khi Sun Group bàn giao bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cho thành phố Đà Nẵng, không có chai champagne nào được mở, không lẵng hoa nào được gửi đến, cũng không có những lời chúc tụng ồn ào, mà chỉ có sự lặng lẽ để chuẩn bị những thứ tốt nhất cho bệnh viện dã chiến. Nhiều người nói, ngoài chuyện chuyên môn, bệnh viện dã chiến này mang tính biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, chiến đấu ngoan cường của thành phố trước dịch bệnh.

da nang chiec khien tien son
Cận cảnh buồng bệnh khi chưa được lắp các thiết bị y tế

Khi những hình ảnh, thông tin về bệnh viện dã chiến Tiên Sơn được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều độc giả phản hồi rằng, chỉ mong bệnh viện này “ế”, không hoạt động, không phải tiếp nhận bệnh nhân... Đó là những niềm mong mỏi chính đáng, lạc quan về một ngày không xa dịch bệnh sẽ được kiểm soát, đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng với những chiến binh áo trắng, áo xanh đang trên tuyến đầu chiến đấu với dịch Covid-19.

Trong bất kỳ một cuộc chiến nào, người ra trận cũng cần được chuẩn bị vũ khí và bệnh viện dã chiến Tiên Sơn như một tấm khiên chắc chắn được trang bị cho những người ra trận. Rồi sẽ đến một ngày, bệnh viện dã chiến này kết thúc sứ mệnh của nó và người Đà Nẵng sẽ nhớ mãi về một nơi chữa trị (hoặc cách ly) hiệu quả, mang tính biểu tượng trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19.

Bệnh viện dã chiến đặt tại Cung thể thao Tiên Sơn bắt đầu được xây dựng ngày 1-8 với quy mô ban đầu hơn 280 giường bệnh, tùy tình hình thực tế có thể nâng lên 700-1.000 giường bệnh

Thanh Hiếu