Cuộc tranh tài chính trị tại Sochi

06:54 | 12/02/2014

2,620 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế vận hội Mùa đông Sochi là nơi diễn ra cuộc tranh tài thể thao giữa các vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là dịp nước Nga “so găng” chính trị với các cường quốc phương Tây và là cơ hội để Moskva thấy được ai là bạn, ai là thù.

Năng lượng Mới số 295

Thế vận hội Sochi là sự kiện thể thao lớn nhất mà Nga đăng cai thời hậu nước Nga Xôviết. Cách đây 34 năm, Liên Xô đã tổ chức thành công Thế vận hội Mùa hè Moskva 1980. Do vậy, Thế vận hội Sochi là cơ hội để chứng tỏ với thế giới, đặc biệt là thế giới phương Tây, sự vươn lên của một nước Nga mới.

Trước, trong và chắc chắn cả sau sự kiện thể thao này, các nước phương Tây luôn tìm cách, lợi dụng để đả kích nước Nga với đủ loại vấn đề, cũng giống như những gì họ làm với Trung Quốc năm 2008 khi nước này tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh. Do đó, Tổng thống Nga Putin quyết tâm bằng mọi giá phải tổ chức thành công kỳ Thế vận hội này. Năm 2007, Tổng thống Putin đã chọn Sochi làm địa điểm đăng cai kỳ Thế vận hội Mùa đông lần thứ 22. Chính ông là người chỉ đạo, giám sát các công trường khổng lồ với kinh phí lên tới 50 tỉ USD biến Sochi 2014 trở thành kỳ Thế vận đắt giá nhất trong lịch sử Olympic.

Trong suốt 6 năm qua, đích thân Tổng thống Putin kiểm tra, theo dõi chi tiết tiến độ thi công các công trình bên bờ biển Đen. Ông trực tiếp ra lệnh sa thải những cán bộ lãnh đạo yếu kém, làm việc không hiệu quả, thăng chức cho những ai trung thành tận tụy với công việc chuẩn bị cho Thế vận hội. Sát đến ngày khai mạc nhiều ngày, Tổng thống Nga đã tới ở hẳn Sochi, trực tiếp đi kiểm tra các công việc chuẩn bị cuối cùng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/2 tại Sochi

Trước nguy cơ khủng bố đe dọa sự diễn ra của Thế vận hội này, nước Nga đã phải huy động gần 60.000 cảnh sát để bảo vệ Sochi cùng nhiều hệ thống kiểm soát an ninh dưới biển, trên trời. Với tỷ lệ 26 nhân viên an ninh cho mỗi vận động viên, Sochi là kỳ Thế vận hội được bảo vệ dày đặc nhất trong lịch sử.

Trong những ngày này, báo chí phương Tây liên tục đăng tải những bài viết khen thì ít mà chê thì nhiều đối với việc nước Nga đăng cai Thế vận hội Sochi 2014. Đơn cử, điểm qua các mặt báo chí Pháp trong ngày 7/2, ta có thể dễ dàng nhận thấy một sự đố kỵ. Nào là “Sochi, cú cá cược của Putin” trên Báo La Croix, nào là “Sochi: Trò chơi đầy rủi ro đối với Putin” (L’Humanité), rồi “Tham nhũng dai dẳng ở Socchi” và “Olympic Sochi trên nền những chỉ trích” trên nhật báo kinh tế Les Échos. Để nói đến “thành công” của lễ khai mạc Thế vận hội Sochi, báo Le Figaro lại có bài “Mặt trái của tấm huy chương” v.v... và v.v...

Bất chấp những lời chỉ trích, Tổng thống Putin đã giành chiến thắng, vì “ông đã thực hiện được một cách ngoạn mục những gì đã hứa vào năm 2007”. Theo như nhận xét của Jean Claude Killy, Chủ tịch Ủy ban điều phối cho Ủy ban Thế vận hội Quốc tế, Sochi đã biến thành “tấm gương phản chiếu những gì mà chính người dân Nga gọi là nước Nga mới”. Còn một dân biểu của đảng Nước Nga Thống nhất, thì chỉ đơn giản cho rằng: “Nhờ có sự kiện này, nước Nga chứng tỏ đã biến đổi thành một quốc gia hoàn toàn khác với Liên Xô. Ở Sochi chúng tôi chỉ đơn giản nói rằng, chúng tôi đang phát triển và đang cố gắng thay đổi”.

Thế vận hội Sochi cũng là dịp để chứng tỏ bạn và thù với nước Nga. Tham dự lễ khai mạc Sochi 2014 ngày 7/2 có nguyên thủ và chính khách của hơn 44 quốc gia trên thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Franois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel không tham dự buổi lễ. Lý do chính thức không được đưa ra nhưng báo chí phương Tây cho rằng, sự vắng mặt này được cho là nhằm bày tỏ sự bất bình của các nước phương Tây đối với việc Nga thông qua vào tháng 6/2013 một đạo luật mang tính kỳ thị giới đồng tính! Chính quyền Nga thì không bận tâm tới chuyện nguyên thủ nào có mặt, lãnh đạo nào vắng mặt.

Ngoại trưởng Serguei Lavrov tuyên bố: “Không ai đếm số lãnh đạo quốc tế tham dự Thế vận hội, người nào tìm hiểu chuyện này là có ý đồ làm hại nước Nga”. Còn Tổng thống Putin bảo đảm rằng, tất cả mọi người sẽ đều được đón tiếp đàng hoàng ở Thế vận hội Sochi.

Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế nhấn mạnh: “Thế vận hội luôn là những chiếc cầu kết nối chứ không phải là những bức tường ngăn cách con người với nhau. Thế vận hội là cơ hội để mọi người hòa hợp với nhau”. Tại Sochi lần nay, ông Bach kêu gọi tất cả “Hãy dũng cảm dùng đối thoại chính trị để giải quyết bất đồng chứ đừng đặt những bất đồng đó lên lưng các vận động viên”.

Bên cạnh đó, Thế vận hội Sochi cũng là cơ hội để các nước lấy lòng Nga. Tại lễ khai mạc hôm 7/2, đứng bên cạnh Tổng thống Nga Putin còn có Tổng thống Belarus, Alexander Loukachenko, Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Hai nhân vật được giới phân tích quan tâm nhất là lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản mà quan hệ bất hòa đang gây căng thẳng tại châu Á.

Báo chí Bắc Kinh nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên một Chủ tịch nước Trung Quốc tham dự một đại hội thể thao ở nước ngoài. Thời Báo Hoàn Cầu bình luận: “Vào lúc đa số nhà lãnh đạo trên thế giới mà đặc biệt là lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức không tới Sochi trong bầu không khí phê phán, thì sự hiện diện của ông Tập Cận Bình càng làm nổi bật giá trị quan hệ song phương Nga - Trung. Không riêng gì Thời Báo Hoàn Cầu, mà từ nhiều ngày qua, báo chí Trung Quốc luôn dành những trang báo lớn để quảng bá chuyến đi Sochi của ông Tập Cận Bình và nhấn mạnh đến nhu cầu thắt chặt quan hệ với Nga, được mô tả là có cùng quyền lợi chiến lược với Trung Quốc và thường xuyên phải đối phó với phương Tây.

Bên cạnh nhu cầu nhập khẩu dầu khí của Nga, Bắc Kinh còn có dụng ý mượn tay Moskva để gây sức ép với Nhật Bản. Nhật báo Mainichi của Nhật ngày 6/2, dựa theo nguồn tin ngoại giao của Nga và Nhật cho biết, Bắc Kinh nhiều lần đề nghị với Moskva “trợ giúp nhau” để tranh giành chủ quyền biển đảo với Tokyo: Trung Quốc ủng hộ Nga tranh quần đảo Kuril đổi lại Nga hậu thuẫn Trung Quốc đòi chủ quyền ở Senkaku/Điếu ngư. Cho đến nay, Moskva vẫn từ chối đề nghị của Bắc Kinh để không bị trói tay.

Trước khi lên đường sang Sochi, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cam kết là sẽ “kiến tạo mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với Tổng thống Putin, đạt được tiến triển trên vấn đề quần đảo Kuril mà Nhật gọi là “lãnh thổ phương Bắc”, tiến đến một hiệp định hòa bình với Nga , 68 năm sau Thế chiến II.

S.Phương (tổng hợp)