Cuộc sống ở những khu chung cư chờ sập

18:40 | 10/08/2014

1,917 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những khu tập thể làm bằng gỗ, hay những khu nhà lắp ghép thấp tầng, cao tầng khi mới được hoàn thành đều là niềm ao ước của người dân Hà Nội những năm hòa bình lập lại. Thế nhưng hiện tại, những công trình này đã xuống cấp trầm trọng, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của những người dân sống tại đây rất khổ cực.

Bà Tạ Thị Thúy đang nấu nướng tại "khu bếp" nhà mình

Vào khoảng những năm 70-80 của thế kỷ trước, Hà Nội có hàng chục khu tập thể (KTT) được xây dựng để giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân. Nổi tiếng nhất phải kể đến KTT Nguyễn Công Trứ, Tân Mai, Tương Mai, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Dệt 8-3… 

Tính đến tháng 8 năm 2007, theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội trên địa bàn thành phố có 33 KTT đã cũ nát, trong đó 23 khu tập thể với khoảng 460 tòa nhà có diện tích gần 1 triệu m2 thuộc vào loại cũ nát cần cải tạo. Gần 23.000 hộ gia đình đang phải sống trong sự bất tiện và nỗi lo sợ trong những căn nhà xuống cấp đó. 

Tính đến thời điểm này có 77 nhà tập thể cao tầng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân. Sau hơn 50 năm, mức độ an toàn của những khu tập thể từng một thời là niềm mơ ước của biết bao người hiện nay rất đáng báo động. Hơn thế nữa, đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng cuộc sống của những hộ dân tại đây dường như vẫn không thay đổi là mấy. Vẫn ở trong những căn hộ diện tích chỉ khoảng chừng 10-18m2, trong khi số người trong gia đình tăng gấp 2, 3 lần.

Có mặt ở khu tập thể Quỳnh Mai được xây dựng vào thời kỳ 1954-1965, phóng viên PetroTimes đã có cuộc trò chuyện với bà Tạ Thị Thúy chủ một căn hộ rộng khoảng 10m2 tại đơn nguyên A6.

Bà Thúy kể: “Khi tôi đi làm công nhân ở nhà máy dệt 8-3 thì được Nhà nước phân cho căn hộ này từ đầu những năm 80. Ban đầu, chỉ có tôi với chồng ở cũng tạm chấp nhận được. Sau này, có thêm đứa con nữa cũng vẫn chịu khổ được. Nhưng tới hiện nay, khi con tôi lập gia đình rồi có thêm 2 cháu nữa thì cuộc sống mới thật sự là vất vả đủ bề…”.

“Nhà tôi chỉ có 10m2 nhưng hiện tại có tới 4 người chui rúc trong này. Ngày thằng con tôi lấy vợ gia đình phải làm thêm cái ‘chuồng cọp’ nhô ra ngoài khoảng không để có thêm diện tích sinh hoạt. Gia đình còn tận dụng không gian còn trống ở ngoài hành lang chung để làm cái gác xép cho vợ chồng nó ngủ. Sống vất vả lắm cháu ạ, nhưng cũng biết làm sao được, gia đình kinh tế eo hẹp không có điều kiện chuyển nơi ở khác”.

Nhìn một vòng xung quanh các tầng của khu tập thể, chúng tôi thấy rằng hầu hết các khoảng không gian đều được tận dụng triệt để làm nơi chứa đồ đạc của các hộ gia đình.

Nhà vệ sinh chung của 10 hộ gia đình trên tầng 4 đơn nguyên A6 tập thể Quỳnh Mai

Nói tới khu tập thể kiểu cũ thì vấn đề nước sinh hoạt và nhà vệ sinh có lẽ nhiều người sẽ không bao giờ quên. Cả khu nhà, hay thậm chí vài khu nhà mới có một khu vệ sinh chung chừng 4 – 5 ô. Đây từng là nỗi kinh hoàng của những người dân sống tại các khu tập thể kiểu cũ, cho tới hiện nay tình trạng cũng chỉ khá khẩm hơn đôi chút.

Bà Thúy mỉm cười khi nhớ lại những kỷ niệm về khu vệ sinh mà có lẽ bà không bao giờ quên được. Bà kể: “Hồi xưa, lúc tôi mới được phân nhà thì tầng 4 nhà tôi đang ở đây không có nhà vệ sinh đâu. Mỗi lần muốn đi vệ sinh đều phải lóc cóc chạy xuống tầng 1. Và cái nhà vệ sinh đó thì khỏi nói, tồi tàn kinh khủng. Nghĩ lại thôi mà tôi cũng rùng mình vì cái độ mất vệ sinh của cái nhà vệ sinh đó. Kinh hoàng nhất là mỗi sáng dậy, xếp hàng đi vệ sinh mới là cực khổ, có những lúc chúng tôi xếp một dãy dài phải tới 30 người chờ tới lượt để đi. Kèm theo đó là những tình huống dở khóc dở cười xung quanh cái chuyện đi vệ sinh thời bao cấp…”.

“Mãi tới năm 1997 thì các cơ quan chức năng mới tiến hành sửa chữa, cải tạo lại từng khu nhà một. Và từ đấy mỗi tầng có một nhà vệ sinh, nhưng cũng phải 10 hộ chung một cái nhà vệ sinh đó. Từ đó tới nay vẫn vậy, vẫn gần 30 người chung cái khu vệ sinh. Cảnh xếp hàng đi vệ sinh buổi sáng vẫn còn, nhưng ở mức độ thấp hơn không còn cảnh tượng ‘rồng rắn lên mây’ đi vệ sinh nữa. Nhưng tóm lại là vẫn khổ lắm, không biết bao giờ mới thoát được cái cảnh này đây. Nói không ngoa chứ mơ ước của đời tôi là có cái nhà vệ sinh gạch lát trắng bóng, sạch sẽ, thơm tho...”.

Bà Nhâm cùng con dâu chuẩn bị bữa ăn ở "khu bếp" chung tầng 3 đơn nguyên A6, tập thể Quỳnh Mai

Đấy là về chuyện vệ sinh hằng ngày, cuộc sống người dân ở những khu nhà tập thể cũ còn một vấn đề khác cũng khiến người ta phải chú ý tới đó việc nấu nướng.

Với diện tích 10m2, chỗ nằm còn không đủ thì chắc chắn việc có mỗi hộ sở hữu một căn bếp riêng để nấu nướng là chuyện không tưởng. Thành ra những hộ dân sống tại các khu tập thể này đều có một cái bếp chung đó là khoảng không gian không lấy gì làm rộng lắm của các chiếu nghỉ cầu thang.

Bà Nguyễn Thị Nhâm chủ một căn hộ có diện tích 18m2 tại tầng 3 toà nhà A6 tập thể Quỳnh Mai tâm sự: “Nhà tôi rộng 18m2 nhưng có tới 6 người thì đến chỗ ngủ còn không có không gian riêng chứ đừng nói là có một cái bếp để nấu nướng cho cả gia đình. Nên chúng tôi đành phải tận dụng cái chiếu nghỉ cầu thang này thành 1 cái bếp cho cả nhà. Không chỉ có nhà tôi dùng cái bếp này, mà còn có thêm mấy hộ gia đình nữa dùng chung”.

Những hộ gia đình ở đây vẫn sử dụng bếp than tổ ong để tiết kiệm chi phí sinh hoạt một cách tối đa. Nên kèm theo đó là những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe mọi người sống trong khu nhà tập thể.

Mặc dù là ban ngày nhưng trong hành lang chật hẹp vẫn rất tối tăm

Tới nay thì UBND Thành phố Hà Nội đã đồng ý chấp thuận đề nghị vừa triển khai tiến hành lập quy hoạch đồng bộ cải tạo xây dựng lại khu tập thể Quỳnh Mai, vừa triển khai lập dự án cải tạo xây dựng lại hai đơn nguyên E6 và E7. Nhưng kết quả thì chưa biết bao giờ mới có, vì còn vướng mắc nhiều vấn đề.

Những khu nhà tập thể cũ kỹ có tuổi đời hơn 50 năm, vắt ngang qua 2 thế kỷ, với hàng vạn người dân vẫn đang sống khổ cực tại đó rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước trong việc có một chỗ ở có điều kiện sống tốt hơn.

Bà Thúy ngậm ngùi nói: “Tôi biết về kế hoạch cải tạo, xây mới các khu tập thể này ngót nghét đã gần chục năm, nhưng cho tới bây giờ thì vẫn chưa có gì tiến triển cả. Hàng ngày chúng tôi vẫn phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ. Tôi đã già thì không nói, nhưng mong cho cháu tôi có được cuộc sống với điều kiện tốt hơn. Thế nên, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nhà nước sớm quy hoạch lại những khu nhà cũ kỹ này, giúp người dân chúng tôi có được điều kiện sống tốt hơn...”.

Cẩm Tú - Nguyễn Hoan