Cuộc gặp ở Chà Luân

09:24 | 19/02/2019

281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 10 năm rời sông nước Nậm Nơn về khu tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương - Nghệ An), cuộc sống của người dân bản Chà Luân đã có những đổi thay, khởi sắc và luôn tin tưởng ở tương lai. Cuộc gặp gỡ sau ngần ấy năm đã đem đến cho chúng tôi bao niềm vui, phấn khởi và chia sẻ một phần những lo toan.  

Trắng đêm bên dòng Nậm Nơn

Cuối năm, trở lại khu tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An), tìm đến bản Chà Luân, chúng tôi có dịp gặp lại ông Lô Thiên Phúc (SN 1954) - nguyên Chủ tịch UBND xã Luân Mai (Tương Dương, Nghệ An), nay là già làng của bản. Thời gian làm cho dáng hình con người thay đổi nhưng ông vẫn giữ được vẻ rắn rỏi, nhanh nhẹn của ngày nào qua cái nắm tay thật chặt cùng nụ cười rạng rỡ. “Thật không ngờ được gặp lại anh, lời hẹn năm xưa đã thành sự thật, bản làng ta đã trải qua những biến động và đổi thay, nay có thể xem là đã tạm ổn” - ông Phúc mở lời.

cuoc gap o cha luan
Mtột góc bản Chà Luân, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An)

Nhớ đầu năm 2009, chúng tôi ngược dòng Nậm Nơn khi lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) chuẩn bị tích nước, người dân các xã Kim Tiến, Kim Đa, Hữu Khuông và Hữu Dương đã về nơi ở mới. Lúc này, chỉ còn lại một số bản của xã Luân Mai ở phía trên cùng của lòng hồ nên bà con vẫn chưa di dời, ai cũng sống trong cảnh đứng ngồi không yên. Bản Tổm sẽ dời về xã Xiêng My (Tương Dương), bản Cành Sọt về xã Thanh Sơn và bản Xốp Phe, Chà Luân sẽ về xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Đêm nghỉ lại nhà Chủ tịch Lô Thiên Phúc, hay tin có phóng viên về bản, bà con Chà Luân tìm đến rất đông để bộc bạch nỗi niềm tâm sự. Ai cũng bồi hồi, nuối tiếc vì phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn và gắn bó bao đời, từ rừng cây, con suối đã trở nên quen thuộc. Nay phải chuyển đến một nơi xa lạ, đất đai cằn cỗi, phương cách làm ăn hoàn toàn mới nên ai cũng tỏ ra lo lắng.

Đêm ấy, ông Phúc đưa cả vò rượu được chưng cất từ nhiều năm ra mời khách và bà con dân bản. Bữa rượu suông kéo dài đến tận rạng sáng hôm sau, không ai muốn rời bỏ để tìm giấc ngủ. Trước nỗi lo lắng của bà con, ông Phúc trấn an bằng cách đọc hai câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Rồi ông giải thích rằng, thời gian đầu về nơi ở mới chắc chắn sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng mọi người nhất định phải cần cù, chăm chỉ, giữ vững mối đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn để xây dựng bản mới ngày thêm tươi đẹp. Thế rồi, tất cả cùng nâng chén bày tỏ sự quyết tâm trước giờ chuyển nhà, rời bến về nơi ở mới. Khi ấy, chúng tôi cũng nâng chén và hẹn gặp lại bà con ở “quê mới” Ngọc Lâm.

cuoc gap o cha luan
Ông Lô Thiên Phúc nhận thu mua, tiêu thụ sắn nguyên liệu cho người dân trong vùng

“Kỳ tích” nơi “quê mới”

Từ khi người dân các xã vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ về khu tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương), chúng tôi đã qua lại nơi đây tới hàng chục lần. Mỗi lần thực hiện một công việc khác nhau, vội vã đến rồi đi nên chưa có điều kiện tìm đến bản Chà Luân như lời đã hứa. Lần này, khi vừa chạm đến địa phận của bản, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh của những đồi keo, đồi chè tốt tươi, những con đường bê tông thẳng tắp, những đứa trẻ tung tăng đạp xe đến trường… Tìm đến nhà ông Lô Thiên Phúc, trước ngôi nhà sàn khang trang, bà con trong bản đang gùi sắn về điểm tập kết, chờ đủ khối lượng con trai ông Phúc sẽ chở ra nhập tại nhà máy sắn gần trung tâm huyện. Ở đây, chúng tôi còn nhận ra anh Lô Công Hoành - Bí thư chi bộ bản qua dáng cao và gầy, 10 năm trước anh đang là phó bản. Thật đáng mừng, sau một lúc lục tìm trong trí nhớ, nhiều người ở Chà Luân đã nhận ra người quen năm xưa cùng thức trắng bên dòng Nậm Nơn.

Già làng Lô Thiên Phúc và Bí thư Lô Công Hoành thay nhau kể về những đổi thay của bản sau 10 năm bám trụ nơi “quê mới”. Về đây, mỗi khẩu được giao 2.500m2 đất đồi, bà con luân phiên trồng keo, trồng sắn, trồng chè. Những năm đầu cuộc sống vô cùng khó khăn, một phần vì chưa quen với cung cách làm ăn mới, phần khác vì nguồn thu nhập bấp bênh. Có lúc, không ít người đã chán nản và có ý định bỏ về “quê cũ” hay rủ nhau đi làm ăn xa.

Là người đi đầu, ông Phúc một mặt đứng ra vận động bà con làm ăn để sớm ổn định cuộc sống, mặt khác tập trung phát triển kinh tế gia đình để làm gương cho làng bản. Với diện tích đất được giao, gia đình ông trồng được hơn 1ha keo, 5 sào chè nguyên liệu, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn khai hoang được 4 sào ruộng nước để đảm bảo nguồn lương thực, mua xe tải nhỏ để thu mua, tiêu thụ nông sản cho bà con trong vùng, nguồn thu nhập ngày càng được nâng cao. Thấy gia đình ông Phúc làm ăn hiệu quả, bà con Chà Luân đều đến học hỏi kinh nghiệm và được hướng dẫn, chia sẻ nhiệt tình.

cuoc gap o cha luan
Người dân bản Chà Luân bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định từ cây chè nguyên liệu

Hiện tại, Chà Luân có 57 hộ (240 khẩu) dân tộc Thái, thu nhập bình quân 450 nghìn đồng/người/tháng, cuộc sống đang ngày một ổn định và khởi sắc hơn. Bằng việc trồng keo, chè và sắn, nhiều hộ đã trở nên khá giả, ngoài gia đình ông Phúc còn có hộ ông Vi Văn Thuấn, Lô Hùng Minh, bà Lô Thị Nam… Đặc biệt, khi về khu tái định cư xã Ngọc Lâm, xã Luân Mai xóa bỏ, Chủ tịch Lô Thiên Phúc được giao làm Bí thư chi bộ, rồi thành già làng có uy tín. Ông tìm hiểu đời sống ở miền xuôi và nhận thấy những gia đình có đời sống ổn định thường chỉ có 1-2 con, vừa có điều kiện chăm sóc tốt, lại có thời gian chăm lo kinh tế gia đình. Từ đó, ông vận động bà con trong bản thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh tối đa 2 con để có điều kiện phát triển kinh tế và chăm lo học hành.

Nghe theo lời khuyên của già Phúc, bà con Chà Luân luôn thực hiện tốt chính sách về dân số và đạt được “kỳ tích” khi 10 năm liên tục không có người sinh con thứ 3. Chính điều này đã góp phần giúp người dân nơi đây từng bước ổn định cuộc sống và xây dựng “quê mới” ngày càng thêm khởi sắc. Như để chứng minh thêm, Bí thư chi bộ Lô Công Hoành khẳng định: “Thời gian đầu còn có người muốn về lại “quê cũ”, nhưng bây giờ ai cũng nói rằng, có đưa xe đến chở cũng không về nữa”.

Ông Vi Văn Tuyến - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm cho biết: “Chà Luân là một trong những bản dẫn đầu toàn xã về phát triển kinh tế - xã hội, cũng là bản sớm ổn định được cuộc sống khi về đây tái định cư, đặc biệt là thành tích 10 năm không có người sinh con thứ 3. Điều ấy khẳng định nỗ lực của toàn bộ người dân và sự dẫn dắt có hiệu quả của Ban Quản lý bản, trong đó có già làng Lô Thiên Phúc”.

Chà Luân luôn thực hiện tốt chính sách về dân số và đạt được “kỳ tích” khi 10 năm liên tục không có người sinh con thứ 3. Chính điều này đã góp phần giúp người dân nơi đây từng bước ổn định cuộc sống và xây dựng “quê mới” ngày càng thêm khởi sắc.

Trần Công Kiên