Cuộc đụng độ bằng vũ khí dầu mỏ

09:11 | 29/06/2011

385 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến ở Libya đã buộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) quyết định mở kho dự trữ chiến lược trong nỗ lực kiểm soát giá dầu mỏ đồng thời đối phó với nguy cơ thiếu hụt khi khu vực Bắc Bán cầu bắt đầu bước sang mùa Hè.

Tuy nhiên, động thái bất ngờ này được coi là một biện pháp liều lĩnh đe dọa chôn vùi hai thập kỷ hợp tác giữa IEA với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và có thể khiến nỗ lực bình ổn giá dầu thất bại.

Đây là lần thứ ba trong lịch sử IEA, các nước thành viên quyết định mở kho dữ trữ dầu mỏ chiến lược của mình, theo đó IEA sẽ cung cấp thêm 60 triệu thùng dầu thô ra thị trường trong tháng tới để bù lại phần thiếu hụt do hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Libya cũng như các nước khác ở Trung Đông bị gián đoạn. Mỹ – với kho dự trữ dầu thô 727 triệu thùng – sẽ đóng góp một nửa, trong khi châu Âu sẽ cung cấp 30% và phần còn lại thuộc các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở khu vực Thái Bình Dương.

Quyết định bất ngờ của IEA -vốn chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp- cho thấy sự chủ động hơn của cơ quan này trong việc sử dụng các kho dự trữ của 28 quốc gia thành viên để điều chỉnh giá dầu, khi trước đây những quyết định tương tự thường được đưa ra vào thời điểm nguồn cung giảm mạnh do thảm họa thiên nhiên hoặc chiến tranh. Trong lịch sử 37 năm hoạt động, đây là lần thứ ba IEA mở kho dự trữ, sau hai lần trước vào các năm 1991, thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh và 2005, khi cơn bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, quyết định của IEA đã làm gia tăng rạn nứt trong quan hệ giữa cơ quan này với OPEC, vốn không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề tăng sản lượng tại cuộc họp đầu tháng này. Đại diện các nước Ảrập vùng Vịnh tại OPEC (theo truyền thống thường đứng về phía Mỹ) cho rằng IEA không có lý do thích đáng để bơm thêm dầu vào thị trường trong lúc nguồn cung vẫn đảm bảo và giá sẽ không thể lên tới ngưỡng 150 USD/thùng. Đại diện này nhấn mạnh đây là sự can thiệp vô lý và không cần thiết. Thị trường không thiếu nguồn cung cấp. Kuwait và Saudi Arabia đã tăng sản lượng nhưng không có nhiều người mua. IEA chính xác là đang cùng với Mỹ chơi ván bài chính trị. Chia sẻ quan điểm này, các nghị sĩ Cộng hòa và các công ty dầu mỏ ở Mỹ cũng cho rằng quyết định của IEA là không đúng lúc và sẽ không có tác động lớn đối với thị trường, vì trên thực tế, 60 triệu thùng dầu chỉ đủ cho thế giới tiêu thụ trong 17 giờ. Hơn nữa, giá dầu tại Mỹ cũng đã giảm 20% từ mức đỉnh điểm 113 USD/thùng trong lúc nguồn cung vẫn tương đối dồi dào. Vì vậy, phe đối lập tại Mỹ chỉ trích quyết định mở kho dự trữ chỉ là một trò chơi của Nhà Trắng trước mùa bầu cử Mỹ năm 2012.

Sau quyết định choáng váng của IEA, thị trường năng lượng toàn cầu lập tức tụt dốc. Trong phiên giao dịch chiều 23.6 tại London, giá dầu WTI của Mỹ đã bốc hơi gần 6 USD, còn giá dầu Brent Biển Bắc giảm tới 8 USD khi tin tức về lần mở kho đầu tiên trong 6 năm qua của IEA được loan báo. Cuối tuần qua, các hợp đồng dầu ngọt nhẹ giao trên sàn New York giảm 2,4% so với tuần trước, xuống còn 91,16 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay. Dầu Brent cũng mất đi hơn 7% giá trị trong vòng một tuần.

Giới tài chính quốc tế đánh giá 60 triệu thùng dầu không phải là quá lớn nếu so với lượng dự trữ 4,1 tỷ thùng đang được cất giữ ở 28 quốc gia thành viên IEA, song trong bối cảnh dầu thô đã giảm giá 3 tuần liên tiếp, các cường quốc dầu mỏ thế giới muốn gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng sử dụng những công cụ sẵn có để can thiệp vào thị trường. IEA mà đứng đầu là Mỹ cho rằng không thể chỉ trông đợi lòng tốt của OPEC trong lúc chiến sự tại Libya đang tạo sức ép về nguồn cung. Tính đến nay, cuộc chiến gây tranh cãi ở đất nước Bắc Phi này đã cướp mất của thị trường hơn 130 triệu thùng dầu chất lượng cao.

Thế nhưng, sau những phản ứng khá hồ hởi ban đầu, mối lo ngại cũng đã bắt đầu xuất hiện khi có dự báo rằng lượng dầu dự trữ của các nước sẽ khó giữ chân được giá dầu trong thời gian dài. Theo thống kê, các thành viên của IEA hiện có lượng dự trữ là 146 ngày, vượt con số 90 ngày như quy định. Cảnh báo này càng có có sở sau khi OPEC tuyên bố sẽ thắt chặt nguồn cung để trả đũa Mỹ và châu Âu đã chơi “ván bài dầu mỏ” theo cách của họ. Dù chưa có thông cáo chính thức, nhưng Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri tuần trước đã lên tiếng cáo buộc IEA “không chuyên nghiệp”. Ông nhấn mạnh các kho dự trữ chiến lược nên được duy trì để phục vụ mục đích của IEA thay vì sử dụng như một vũ khí chống lại OPEC. Xét cho cùng, tìm được một tiếng nói chung vì lợi ích ổn định thị trường dầu mỏ thế giới, giảm tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu mong manh, đâu phải dễ dàng.

Theo ĐBND

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc