Cuộc chiến Syria khó lòng diễn ra

12:32 | 10/09/2013

758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xem những gì Mỹ và đồng minh đang làm có thể thấy cuộc tấn công quân sự của phương Tây nhằm vào Syria khó lòng mà diễn ra cho được. Bởi đơn giản một điều là hầu hết các bên dự định tham chiến hiện nay đều không muốn cuộc chiến này.

 

 

>> Syria phải làm gì thì Mỹ mới buông tha?

>> Tổng thống Obama: “Không đánh Syria thì quê lắm!”

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov (Phải) và đồng nhiệm Syria Walid Mouallem, trong cuộc gặp tại Matxcơva, ngày 9/9/2013

Mỹ, quốc gia đi đầu trong chiến dịch vận động quốc tế đánh Syria, ngày mai sẽ diễn ra việc bỏ phiếu tại quốc hội. Một thăm dò do đài truyền hình CNN thực hiện cho thấy chỉ có 24 dân biểu trên tổng số 123 tại Hạ viện là bỏ phiếu ủng hộ chiến dịch này. Còn trong dân chúng, số người chống can thiệp quân sự lên đến 51%. Ở Pháp, con số này là 64% (thăm dò do Ifof thực hiện công bố ngày 7/9).

Theo nhận định của giới quan sát nhiều khả năng quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu chống hoặc là một kết quả nào đó để kéo dài thời gian cho một quyết định cụ thể. Nói trắng ra thì nếu ông Obama đã mấy lần muốn trì hoãn khả năng tấn công Syria thì nay các dân biểu Mỹ cũng muốn làm điều tương tự.

Riêng chuyện trì hoãn này đã thấy sự “không mặn mà” của chính quyền Obama cho giải pháp quân sự. Thực ra nếu muốn đánh Syria, ông Obama đâu cần phải hỏi quốc hội vì theo hiến pháp Mỹ, tổng thống là người có quyền phát động chiến tranh, chỉ cần thông báo cho các dân biểu biết trước 36 giờ đồng hồ mà chẳng cần biết họ có đồng ý hay không. Đằng này, TT Obama đẩy trách nhiệm sang quốc hội, với một ẩn ý rằng: “Tôi không thiết đánh Syria đâu nha, nếu các vị quyết thì về sau các vị đường kêu ca!”. Nên biết rằng năm sau là bầu cử quốc hội Mỹ do vậy mọi hành động bất lợi bây giờ đều có thể ảnh hưởng tới tương lai cho đảng của ông Obama trong những kỳ bầu cử tiếp theo.

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ cũng đang tìm cách trì hoãn. Từ khi Mỹ nêu ra khả năng can thiệp quân sự vào Syria, số lượng đồng minh của Mỹ ủng hộ cho giải pháp này ngày càng rơi rớt. Điển hình là vụ đồng minh lâu đời và thất thiết nhất của Mỹ là Anh đã đi đầu trong việc này. Chính quyền ở các nước thù địch của chính quyền Assad trong khu vực ban đầu cũng xông xáo những giờ lại đá bóng trách nhiệm sang sân các nhà lập pháp của họ. Mỹ giờ là siêu cường cô đơn.

Ngày 8/9, nhật báo Mỹ Los Angeles Times cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét một phương án tấn công Syria một cách dữ dội hơn và dài ngày hơn so với dự tính ban đầu. Chiến dịch không kích sẽ có thể kéo dài ba ngày, với nhiều mục tiêu hơn dự kiến.

Trước hai việc: một là chính quyền Obama gia tăng tìm kiếm đồng thuận cho việc đánh Syria và hai là giới quân sự Mỹ hô hào ‘chúng tôi đã sẵn sàng’, giới phân tích cho rằng đó chẳng qua là các biện pháp nhằm ép chính quyền Syria chấp nhận thỏa hiệp.

Đúng lúc này lại xuất hiện nhiều thông tin về một giải pháp hòa bình cho Syria từ cả phía Mỹ, Nga và Syria. Ngày hôm qua, Ngoại trưởng của cả 3 nước đến đều nói đến khả năng Syria sẽ né được đòn tấn công của Mỹ nếu chịu giao nộp vũ khí hóa học…

Chả biết những đề xuất trên có thể thành thực hay không nhưng rõ ràng nó cho thấy tất cả các bên đều đang muốn “câu giờ” trước quyết định cuối cùng là đánh hay không.

Các nhà phân tích cho rằng các bên đều không muốn cuộc chiến này nổ ra bởi đơn giản một điều “tiền lời” thu về từ cuộc chiến này quá thấp so với tiền cược bỏ ra chứ thực chất chả có cái gì gọi là “quốc tế hành động để bảo vệ nhân quyền ở Syria” nào cả.

Mỹ và đồng minh đang tìm cách trì hoãn. Syria và Nga đang đề xuất giải pháp trì hoãn. Thế thì cuộc chiến này làm sao có thể diễn ra trong thời gian ngắn trước mắt được.

H.Phan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc