Cục diện Syria đang thay đổi

19:00 | 14/11/2012

1,205 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc hợp nhất năm phe bảy phái trong lực lượng chống đối ở Syria đang làm cục diện chính trị ở quốc gia vốn bị khủng hoảng nội bộ trong suốt hơn một năm qua đang có dấu hiệu thay đổi.

 

Ông Moaz al-Khatib được bầu làm lãnh đạo liên minh chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al - Assad

Tại thủ đô Doha của Qatar ngày 11/10 đã kết thúc Đại hội thống nhất lực lượng đối lập không khoan nhượng của Syria. Các tổ chức đối lập chính quyền với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã phê chuẩn một thỏa thuận đoàn kết và đồng ý thành lập một tổ chức liên hiệp đối lập mới do Giáo sĩ Hồi giáo Moaz al-Khatib dẫn đầu.

Thỏa thuận vừa nêu được thành hình sau khi Hội đồng Quốc gia Syria SNC cảm nhận được áp lực của các nước Arập và Tây Phương không muốn họ là đại diện chính của phe đối lập. SNC đã đồng ý với việc thành lập một cơ cấu mới.

Cựu Thủ tướng Syria Riad Jijab, người từng đào thoát sang nước láng giềng Jordan hồi tháng 8/2012 và là viên chức cao cấp nhất trong Chính phủ Assad bỏ hàng ngũ, xem thỏa thuận mới này là “bước tiến mau lẹ đưa tới việc lật đổ chế độ của ông Assad”.

Ông Moaz al-Khatib, lãnh đạo vừa được bầu lên, trước đây là vị giáo sĩ trông coi ngôi đền Hồi giáo Umayyad nổi tiếng ở Damascus. Trước khi rời Syria sang Cairo, Ai Cập trong năm nay ông đã bị tù nhiều lần vì chỉ trích sự cai trị của Tổng thống Assad.

Ngoài ra, Riad Seif, một doanh nhân đầy thế lực, và bà Suhair al-Atassi, một nhà hoạt động nổi tiếng, được bầu làm phó cho ông Khatib trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 11/11.

Salman Shaikh, Giám đốc Trung tâm Brookings tại Doha, ca ngợi thỏa thuận hợp nhất này là "nhân tố có khả năng làm thay đổi cuộc chơi". Ông nói với hãng tin AFP: "Đây chắc chắn là một bước đi quan trọng và đầy ý nghĩa... Nếu liên minh này chứng minh được uy tín của họ thì chắc chắn họ sẽ có thể rút ngắn thời gian tồn tại của chính quyền hiện nay".

Rime Allaf, một nhà phân tích cộng tác với viện nghiên cứu chính trị Chatham House tại Luân Đôn, nói rằng thỏa thuận này đánh dấu "lần đầu tiên chúng ta có lý do để hy vọng" cuộc nổi dậy kéo dài suốt 20 tháng qua chống Chính quyền của ông Assad sẽ thành công. Bà Allaf cho biết liên minh này đang tìm kiếm sự trợ giúp để người dân Syria có thể "tự chiến đấu và bảo vệ... hơn là yêu cầu sự can thiệp của cộng đồng quốc tế giống như trường hợp của Lybia".

Phe đối lập bầu ban lãnh đạo mới của Hội đồng Quốc gia Syria tại Doha

Tuy nhiên, theo giới quan sát quốc tế ở Nga, kết quả Đại hội Doha minh chứng về sự thay đổi nhất định trong kế hoạch của các nhà tài trợ nước ngoài cho phe đối lập Syria. Trước ngưỡng cửa cuộc bầu cử tổng thống, ông Barack Obama đã cố gắng kiềm chế khỏi những bước đi quyết liệt chống lại Syria. Nhưng như người ta nói, trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ tranh đấu để được bầu lại một lần nữa. Còn ở nhiệm kỳ thứ hai, ông phải cố gắng ghi dấu ấn trong lịch sử. Không loại trừ khả năng là phái diều hâu Mỹ có thể thuyết phục được vị Tổng thống mà đôi tay bây giờ đã không còn bị ràng buộc bởi cuộc bỏ phiếu nữa, để ban lãnh đạo của Barack Obama thực thi hành động quyết liệt hơn với Syria. Ví dụ, tổ chức cái gọi là vùng đệm, hoặc cung cấp vũ khí trực tiếp cho phe đối lập Syria. Lập trường của Nga và Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không cho phương Tây và đồng minh của họ tại khu vực tiến hành can thiệp trực tiếp. Nhưng cũng có thể bản thân những người ở Washington cũng sẽ đi tới khởi đầu sự "can thiệp từ từ".

Bây giờ khi phe đối lập đã thống nhất lại dù chỉ là hình thức, thì cũng xuất hiện cơ hội để họ nhận được thừa nhận chính trị ở phương Tây như là "đại diện hợp pháp của nhân dân Syria”. Nếu cộng thêm vào đó phe đối lập nhận được quyền quản lý với một hành lang-bàn đạp an toàn nào đó ở Syria, ví dụ như vùng dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, thì phương Tây sẽ có thể đưa vũ khí và cố vấn quân sự tới đó theo qui mô lớn. Khi ấy sẽ là can thiệp thực tế. Nhưng mọi chuyện cũng chẳng giản đơn như vậy. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, đa số cư dân Thổ Nhĩ Kì chống lại khả năng can thiệp quân sự vào công việc của Syria. Ngoài ra, chiến dịch quân sự chống Syria với phần tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ bị nhiều người ở các nước Arập xem như sự trở lại chính sách bành trướng của đế chế Ottoman. Khi ấy có thể bùng lên đám cháy mà lửa nóng sẽ lan ra cả bên ngoài ranh giới Syria.

Trong lúc này tình hình bạo lực tại Syria vẫn không ngừng gia tăng

Ở Syria và xung quanh nước này còn có tác động của thêm một yếu tố nữa không thể không tính đến. Đó là tình huống “Somalia hóa” Syria. Mà ở Somalia, như đã biết, đang bộc lộ sự ráo riết vươn tới nắm quyền của thế lực Ash-Shabab liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Ngoại trưởng Anh từng nhấn mạnh rằng cuộc xung đột Syria càng tiếp diễn thì càng có cơ hội nhiều hơn để các nhóm cực đoan củng cố vị thế. Trong khi đó, như các chuyên viên nhận định, các phần tử cực đoan chiếm vị trí rất chắc chắn trong nội bộ phe đối lập Syria. Người đứng đầu Ủy ban Liên Hợp Quốc về điều tra những trường hợp vi phạm nhân quyền trong đất nước Syria, là ông Paulo Pinheiro, mới đây tuyên bố mối lo ngại về sự hiện diện của chiến binh nước ngoài ở Syria, bên cạnh các phần tử cực đoan Hồi giáo và những nhóm vũ trang thánh chiến.

Ông ta lo ngại rằng những người này có thể chiến đấu không phải vì một nhà nước dân chủ, mà chỉ để đạt mục đích riêng. Nếu lời phát biểu của nhà ngoại giao được báo chí truyền đạt đúng, thì ta chỉ có thể lấy làm ngạc nhiên bởi sự ngây thơ của ông ta. Liệu có ở đâu và khi nào mà các thành viên Salafis và chiến binh thánh chiến lại lao vào chiến đấu vì một quốc gia dân chủ?

Dù sao chăng nữa, các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn khăng khăng không muốn lên án những cuộc tấn công khủng bố ở Syria, giết hại nhiều thường dân, kể cả trẻ em. Lối áp dụng tiêu chuẩn kép như vậy chỉ hà hơi tiếp sức cho những kẻ cực đoan tiến hành các vụ tấn công khủng bố mới. Nhưng có lẽ đó chính là mức giá mà phương Tây sẵn sàng trả ra nhằm làm suy yếu Syria.

H.Phan (Tổng hợp)