Cửa võng - Vẻ đẹp và giá trị lịch sử theo dòng chảy thời gian

10:53 | 24/06/2019

510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Triển lãm “Câu Chuyện Sơn Mài: Đối Thoại ‘Cửa Võng’” với sự tham gia của 8 nghệ sĩ Nguyễn Trường Linh, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Đoan Ninh, Nguyễn Tuấn Cường, Chu Viết Cường, Vũ Trung và Công Quốc Thắng và Phạm Hoài Anh diễn ra từ 22/6/2019 đến 31/7/2019, tại Cuci Art Studio (Tầng 2, 25 Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội).

Triển lãm bao gồm 15 tác phẩm, trong đó có 2 tác phẩm sắp đặt và một tác phẩm trình diễn, còn lại là tranh.

cua vong ve dep va gia tri lich su theo dong chay thoi gian

“Câu chuyện sơn mài: Đối thoại ‘cửa võng’” nói về vẻ đẹp và giá trị lịch sử của nghệ thuật sơn mài theo dòng chảy thời gian, quy tụ các nghệ sĩ sơn mài và các nghệ sĩ đương đại đa phương tiện, sử dụng chất liệu sơn mài để đối thoại với cửa võng. Đây là triển lãm đem đến thử thách mới cho mỗi nghệ sĩ: phá bỏ những giới hạn của chất liệu và tôn vinh ngôn ngữ tạo hình, mà thông qua đó mang đến cho người thưởng lãm câu chuyện sáng tạo của mỗi cá nhân “Câu chuyện sơn mài: Đối thoại ‘cửa võng’” là triển lãm đầu tiên có sự tham gia của các nghệ sĩ đương đại đa phương tiện sử dụng chất liệu sơn mài, sẽ đem đến cho công chúng một góc nhìn khác về tạo hình thông qua chất liệu sơn mài truyền thống thường thấy.

cua vong ve dep va gia tri lich su theo dong chay thoi gian

Ở miền Bắc, cửa võng là một cách bài trí nội thất đặc biệt ở những không gian thờ tự linh thiêng. Cửa võng vốn là một khung cửa giả, chia ba phần, hai phần bên phải và trái được gắn liền vào đôi cột cái, sát với đôi câu đối, phần trên được gắn ngay bên dưới bức hoành phi. Khung cửa này được hiểu như là chỉ dấu ngăn cách giữa toàn bộ khu vực thờ phụng linh thiêng với phần đời thế tục, nơi con người dừng lại để chiêm bái và bày tỏ lòng thành kính, dâng lời nguyện cầu, ước vọng gửi tới đấng anh linh.

Cùng với án thờ, đồ thờ, các linh khí, linh vật, hoành phi câu đối, cửa võng tạo thành một chỉnh thể nội thất nơi không gian linh thiêng của một gia đình (nhà thờ của trưởng nam), dòng họ (nhà thờ họ), làng quê (đình làng).

Trong không gian thờ tự, cửa võng vừa như là ngăn cách vừa như là mở thông giữa hai thế giới thế tục và tâm linh, chính vì vậy mà các nghệ nhân dân gian dồn trút rất nhiều tâm huyết vào mọi khâu hoàn thiện, từ xây dựng ý tứ nội dung tới kỹ thuật chạm trổ và đặc biệt là kỹ thuật và nghệ thuật sơn son thếp vàng.

cua vong ve dep va gia tri lich su theo dong chay thoi gian

Ý nghĩa đặc biệt của ‘cửa võng’ là một cách cửa kết nối tâm linh, cánh cửa kết nối quá khứ và hiện tại, cánh cửa tiếp nối văn hoá, cánh cửa kết nối với tâm hồn của nghệ nhân, nghệ sĩ. Triển lãm muốn các nghệ sĩ đối thoại với ‘cửa võng’ theo cách riêng của mình, để chính mình và công chúng có thể kết nối và bước qua cánh cửa ấy, tiếp nối và chạm tới những giá trị đích thực của hội hoạ.

cua vong ve dep va gia tri lich su theo dong chay thoi gian

Điều khác biệt của dự án “Câu chuyện sơn mài: Đối thoại ‘cửa võng’” là sự đa dạng trong phong cách của các nghệ sĩ tham gia. Có người chỉ chuyên chú với sơn mài và những câu chuyện trong sáng tác của họ thường được gợi cảm hứng từ truyền thống và lịch sử dân tộc. Những lộng lẫy vàng son, những oai hùng một thuở được hòa quyện nhờ vào kỹ thuật nghề nghiệp điêu luyện và nghiêm cẩn. Có nghệ sỹ lại coi sơn mài như một biểu trưng truyền thống và thông qua triển lãm này, họ muốn kết nối nó với những câu chuyện mới, mang tính thời đại, phá vỡ kết cấu thông thường của một sáng tác hội họa, mở rộng nhiều chiều không gian trưng bày và tiếp cận tác phẩm cho người xem. Có người lại xem sơn mài còn hơn cả một chất liệu, mà như một người bạn đồng hành, chia sẻ và cùng nghệ sĩ chiêm nghiệm về những giá trị bất biến, thiên biến của cuộc đời...

Từ cảm hứng ban đầu được gợi lên bởi tấm cửa võng vàng son, mỗi nghệ sĩ đã cố gắng tìm kiếm một cách thức đối thoại riêng với một biểu tượng của văn hóa truyền thống, Họ cũng không e ngại bước qua những ô cửa ngăn cách trong sự sáng tạo nghệ thuật, mời công chúng cùng kết nối và bước qua, hướng tới những giá trị đích thực của sự sáng tạo và đời sống tinh thần con người.

Thông tin về các nghệ sĩ

Nguyễn Trường Linh một nghệ sĩ chuyên về chất liệu sơn mài truyền thống. Thuần thục và linh hoạt với kỹ thuật, táo bạo trong tạo hình, Nguyễn Trường Linh đã đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Anh tham gia nhiều triển lãm ở các nước và vùng lãnh thổ như Ý, Hàn Quốc, Đài Loan. Hơn 20 năm miệt mài trong sáng tạo và thử nghiệm với chất liệu sơn mài, anh đã đạt được nhiều thành công trong việc chuyển nhịp từ quá khứ vào tranh của mình. Tranh của anh mộng mị, hoang hoãi, giàu tình cảm và kéo được cả những sợi sáng kết nối tâm linh. Nguyễn Trường Linh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Anh hiện là giảng viên trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Hà Nội. Anh cũng là thành viên BTC dự án Mountain Star Project, Chủ nhiệm CLB Sơn ta.

Nguyễn Hồng Phương là nghệ sĩ đa phương tiện, anh được biết đến với các tác phẩm đa dạng về thể loại và mang đậm dấu ấn cá nhân như sắp đặt Du cư trong thành phố (năm 2011, Hà Nội); trình diễn Đồng cu, Nước Và Lửa năm 2009, series tranh Bảng Đen năm 2010, Xin Lỗi Lần Sau Em Không Thế Nữa, v.v. Nguyễn Hồng Phương là một người có bản năng sáng tạo mạnh mẽ, ham muốn thể nghiệm và không ngần ngại phá vỡ các ranh giới truyền thống giữa các lĩnh vực nghệ thuật thị giác, như một kẻ độc hành mơ mộng với nghệ thuật. Anh là một trong số các họa sĩ lọt vòng chung khảo cuộc thi Tài năng trẻ trong lĩnh vực hội họa năm 2010 do Quỹ Giao lưu và trao đổi văn hoá - CDEF của ĐSQ Đan Mạch tại Hà Nội tổ chức. Bên cạnh các dự án cá nhân, Nguyễn Hồng Phương cũng tích cực tham gia nhiều sự kiện nghệ thuật trong và ngoài nước như một cách làm giàu có hơn cho các trải nghiệm nghệ thuật của mình. Anh đã từng tham gia triển lãm Gửi Tới Thành Phố Hồ Chí Minh Với Tình Yêu: Một Tác phẩm Social Sculpture của Phong Bùi; 'Cục Gạch’ trình diễn, tham gia trại sáng tác cùng với Nazaket Ekici; trại sáng tác Mountain Star Project, trại sáng tác quốc tế mùa xuân ở Ấn Độ, Lễ Hội Mỹ Thuật Quốc Tế ở Gongju, Hàn Quốc “Tâm Điểm Châu Á’ và rất nhiều các triển lãm khác ở Đài Loan.

Nguyễn Đoan Ninh được biết đến với kỹ thuật khá điêu luyện cùng bút pháp phóng khoáng trên giấy dó, nhưng anh không muốn dừng lại với riêng một chất liệu này. Có lẽ, việc được sinh ra trong một gia đình có nền tảng nghệ thuật tốt là may mắn cho anh, truyền cảm hứng, khuyến khích anh thể nghiệm với nhiều chất liệu và lĩnh vực khác nhau để hướng tới mục tiêu cuối cùng là đạt được hiệu quả nghệ thuật cũng như bày tỏ được khát vọng nói lên tiếng nói cá nhân trước thời cuộc. Anh cũng từng tham gia một số triển lãm, dự án trong và ngoài nước như Mountain Star Project, Lễ Hội Mỹ Thuật Quốc Tế ở Gongju, Hàn Quốc “Tâm Điểm Châu Á’.

Nguyễn Tuấn Cường cho thấy hội họa sơn mài của anh mở ra một thế giới đầy chất thơ và sự mơ mộng. Vẻ đẹp phong cảnh tự nhiên trong tác phẩm của Nguyễn Tuấn Cường cho thấy sự sống đã được quan sát và chắt lọc bởi một tâm hồn bình dị nhưng không kém phần tinh tế. Tác phẩm của anh thường mang đến một nét đẹp khó phai. Cho đến lúc này, anh đã cho thấy sơn mài là một lựa chọn đúng đắn trên con đường sáng tác của mình. Nguyễn Tuấn Cường là thành viên từ buổi đầu của CLB Sơn ta.

Chu Viết Cường là hoạ sĩ trung thành và bền bỉ với chất liệu sơn mài. Chỉ với sơn mài, anh thẳng lối một cách riêng biệt giữa thế giới nghệ thuật mênh mông. Những góc phong cảnh êm ả, bình yên và tươi sáng trên tranh của Chu Viết Cường chuyên chở nhiều tình cảm và ký ức cá nhân. Đó là một phần hiện thực cuộc sống tưởng như ngày càng bị khuất lấp dần giữa công cuộc đô thị hoá nhưng thực ra, luôn sống động hiện hữu trong tâm trí của mỗi người Việt.

Vũ Trung sau nhiều thử nghiệm với các hình thức nghệ thuật đương đại, Vũ Trung có lẽ nhận ra rõ ràng hơn bao giờ hết ý nghĩa của sơn mài với cuộc đời nghệ thuật cá nhân anh. Anh tìm thấy trong sơn mài một người bạn đồng hành, một tri kỷ khuyến khích, động viên, thách thức, chia sẻ cùng anh vô vàn điều suy ngẫm, khoảnh khắc cảm xúc trong từng ngày sống. Sự gắn bó ấy, thật thú vị, lại không hề ràng buộc anh trong khuôn khổ chuẩn mực truyền thống sơn mài mà ngược lại, mở ra cho anh nhiều cánh cửa thể nghiệm. Tranh của Vũ Trung gợi mở, nằm ngoài mọi khuôn mẫu, điều này thể hiện ở cả chất liệu anh chọn thay thế đối với sơn mài truyền thống. Vũ Trung từng đạt giai thưởng Ánh mắt trẻ năm 2005, giải thưởng do Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM và Hội MTVN tổ chức. Anh sinh trưởng và sinh sống tại Hà Nội.

Công Quốc Thắng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ giàu truyền thống về sơn mài, anh tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội chuyên ngành sơn mài. Công Quốc Thắng là một nghệ sĩ trẻ với bút pháp tạo hình khéo léo, kết hợp với kỹ thuật sơn mài nhuần nhuyễn, cách pha hoà màu sắc tinh tế, các đường nét tạo không gian mộc mạc mà duyên dáng, cùng với độ rung và sâu trong thủ pháp cài nét. Với cách sáng tác theo ngẫu hứng khi mài nên tranh của anh rất thoáng và khoáng đạt. Anh cũng đã tham gia một số triển lãm tiêu biểu như Mỹ thuật Việt Nam đương đại tại Thụy Điển do Hanoi Asian Art House tổ chức , hay “ Ba Lối Nhỏ - một con đường lớn “ tại Trung Tâm Văn Hóa Hàn Quốc, v.v.. Anh hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Phạm Hoài Anh là một nghệ sĩ đa phương tiện. Trên nền tảng kiến thức âm nhạc vững vàng, Phạm Hoài Anh đã chọn lĩnh vực này như là phần lõi cho hầu hết các sáng tác mang đậm tính khái niệm của mình. Anh có thể khai triển trên tinh thần ngẫu hứng, tương tác với nhiều loại hình nghệ thuật thị giác khác như nghệ thuật trình diễn, video art, hội họa. Hoạt động như một nghệ sĩ đa phương tiện từ năm 1995 đến nay, bên cạnh một số sáng tác âm nhạc thuần túy, như Phù hoa (2013), Musik in the Dark (2012), Phạm Hoài Anh dành phần lớn thời gian và năng lượng sáng tạo cho các dự án, chương trình nghệ thuật đương đại trong đó không thể thiếu âm nhạc, hoặc do anh sáng tác, hoặc trình bày, có khi là cả hai. Điển hình là phần âm nhạc trong Những bóng ma di động (trình diễn, 2013); Noon for Life (video art và nhạc thể nghiệm, 2012); âm nhạc cho triển lãm nhóm Một gang tay và IM (OM studio, 2011); Pháp Giới (Video Art)…

Việt Châu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.