Công nghiệp vũ khí Israel - đẳng cấp thế giới

07:01 | 21/10/2014

7,179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dân số chỉ gần 9 triệu nhưng Israel là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghiệp vũ khí. Sản phẩm vũ khí công nghệ cao Israel được xuất khẩu đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam…

Năng lượng Mới số 367

Nhờ đâu công nghiệp vũ khí Israel phát triển?

Ở một nước mà người ta ăn ngủ với cảnh báo khủng bố thường trực thì việc đầu tư nghiên cứu và phát triển vũ khí phòng vệ là điều hiển nhiên. Vấn đề ở chỗ, làm thế nào mà một quốc gia nhỏ với dân số chỉ gần 9 triệu lại có thể cho ra đời những sản phẩm vũ khí thuộc hàng đẳng cấp như vậy?

Chuyên san công nghiệp vũ khí của Anh, Jane’s, xếp Israel đứng thứ 6 trong số nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Năm 2012, Israel xuất khẩu số trang bị quân sự trị giá 2,4 tỉ USD - tính bình quân đầu người đạt khoảng 300USD. Đó là tỷ lệ cao nhất thế giới (bình quân đầu người Mỹ được chia, dựa vào doanh số vũ khí, đạt 90USD).

Từ năm 2001-2012, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí Israel đã tăng gấp đôi. Việc đối mặt khủng bố như cơm bữa giúp vũ khí Israel luôn được thử nghiệm thực tế chiến trường khiến sản phẩm quân sự của họ càng có giá trị.

Xe “The Guardium” vận hành tự động là một trong những sản phẩm nổi tiếng của G-Nius - một trong những hãng đầu tiên có thể sản xuất một đội chiến binh robot. Được đưa ra chiến trường từ năm 2007 với nhiệm vụ tuần hành biên giới Gaza, “The Guardium” được điều khiển từ xa hoặc có thể tự chạy thông qua lộ trình được lập trình. Trang bị camera và cảm ứng. “The Guardium” thu được dữ liệu về môi trường xung quanh. Nó còn có hệ thống vũ khí được điều khiển từ xa.

Công nghiệp vũ khí Israel - đẳng cấp thế giới

UAV quân sự xuất khẩu của Israel

Dù quân đội Mỹ nổi tiếng với các sản phẩm UAV quân sự (máy bay không người lái) nhưng Israel là nơi bán nhiều UAV hơn Mỹ, theo ghi nhận năm 2013 của chuyên san Jane’s (có thể bán gấp đôi Mỹ trong năm 2014). Harop là một ví dụ. Chiếc UAV này có thể mang 23kg thuốc nổ. Một khi phát hiện mục tiêu trên màn hình, người điều khiển có thể tăng tốc Harop lên 400km/h để nó lao thẳng vào mục tiêu. Quân đội Israel đã sử dụng Harop nhiều năm. Xuất khẩu UAV quân sự của Israel đang tràn ngập thị trường châu Á. Thậm chí Đức cũng đang dòm ngó UAV Heron.

Trong nhiều năm, Israel luôn nằm trong đầu bảng các quốc gia sáng tạo nhất thế giới trong niên giám World Competitiveness Yearbook được Viện Phát triển Quản lý quốc tế (IMD, Thụy Sĩ) đánh giá. Israel đầu tư 4,4% GDP cho nghiên cứu và phát triển (R&D) - tỷ lệ cao nhất thế giới. IMD cũng xếp Israel đầu bảng xét về chi tiêu cho giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển - ứng dụng công nghệ, an ninh mạng và công nghệ thông tin.

Chưa hết, Israel cũng đứng đầu bảng về “Chỉ số Quân sự hóa toàn cầu” (Global Militarization Index) do Trung tâm Chuyển đổi quốc tế Bonn (BICC) đánh giá. Michael Brzoska, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách an ninh thuộc Đại học Hamburg, trong một nghiên cứu năm 2007 cho biết, 30% dự án nghiên cứu và phát triển Israel đều tập trung chủ yếu vào mục đích ứng dụng quân sự.

Ý thức tinh thần tự vệ là yếu tố quan trọng nhất đối với dân tộc Israel và nhờ đó giúp nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh. Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, Israel đã nỗ lực tự cung tự cấp thay vì chờ viện trợ quân sự Mỹ. Thời đó, họ đã có tàu tên lửa Reshef, chiến đấu cơ Kfir, tên lửa Gabriel, xe tăng Merkava… Thập niên 70, vũ khí Israel đã nổi như cồn. Washington thậm chí phải kiểm soát các thương vụ vũ khí Israel đối với các loại có nguồn gốc kỹ thuật từ Mỹ. Năm 1978, Mỹ đã ngăn cản Israel bán 12 chiến đấu cơ Kfir cho Uruguay… Đến nay, Israel có hơn 150 công ty sản xuất vũ khí với doanh số tổng cộng hơn 3,5 tỉ USD/năm. 

Một trong hãng vũ khí lừng danh nữa là Rafael, nơi sản xuất tên lửa không đối không Shafrir (sau đổi thành Python) từng gây khiếp đảm thế giới Arập (trong cuộc chiến Yom Kippur 1973, Không quân Israel đã phóng 176 tên lửa Shafrir 2, tiêu diệt 89 máy bay địch). Rafael cũng là nơi cho ra lò tên lửa chống tăng Spike; tên lửa không đối đất Popeye; tên lửa đất đối không David’s Sling; và đặc biệt hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome).

Israel còn có những cá nhân xuất sắc. Abraham E. Karem là một ví dụ. Đây chính là người chế tạo UAV Predator mà quân đội Mỹ sử dụng nhiều trong những năm qua. Sinh ngày 27-6-1937 tại Israel, Abraham E. Karem mê kỹ thuật từ hồi chập chững. Năm 14 tuổi, Karem bắt đầu tập trung vào kỹ thuật hàng không và biết tự lắp mô hình máy bay. Giấc mơ kỹ thuật hàng không tiếp tục theo đuổi khi Karem trưởng thành. Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật lừng danh Technion, Karem sau đó làm cho Hãng Israel Aircraft Industries.

Chỉ 4 năm làm việc tại đây, Karem - khi ở độ tuổi 30 - đã được cất nhắc lên vị trí Phó chủ tịch điều hành phụ trách kỹ thuật. Đầu năm 1974, do bất đồng nội bộ, Karem ra ngoài lập công ty riêng, chuyên chú đầu tư UAV. Thất vọng với sự thờ ơ của quân đội Israel trước nhiều lần chào hàng, Karem bỏ sang Mỹ tìm vận may, bắt đầu bằng việc xin vào một công ty nhỏ tại Los Angeles, nơi ông gặp Ira Kuhn - một doanh nhân có mối quen biết với DARPA (Cơ quan các dự án nghiên cứu cấp tiến quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ); đồng thời tiếp tục tự mày mò nghiên cứu UAV. Cuối cùng, ông thành lập công ty riêng Leading Systems…

Suốt thập niên 80, Karem hợp tác nghiên cứu nhiều chương trình UAV với hải quân Mỹ, trong đó có chiếc Gnat-750. Năm 1990, Leading Systems phá sản, khi chương trình UAV của quân đội Mỹ bị Quốc hội bóp ngân sách. Leading Systems được General Atomics mua lại. Đầu thập niên 90, khi Tổng thống Bill Clinton bế tắc trong việc giám sát diễn biến cuộc xung đột sắc tộc tại Balkans, Giám đốc CIA James Woolsey đã nhớ đến cái tên Abraham E. Karem. Thế là CIA mua hai chiếc UAV Gnat-750 và cho bay đến Bosnia. Chúng được phóng từ Albania, nơi người ta đặt hệ thống điều khiển mặt đất.

Công nghiệp vũ khí Israel - đẳng cấp thế giới

Israel luôn ý thức phòng vệ bằng việc tự phát triển công nghiệp quốc phòng

Phần mình, Karem, với tư cách trưởng nhóm nghiên cứu của General Atomics Aeronautical Systems (GA-ASI, chi nhánh của General Atomics) tiếp tục nghiên cứu nâng cấp Gnat-750, để động cơ phải chạy êm “như máy cắt cỏ trong không trung”. Một phiên bản hoàn chỉnh ra đời. Chủ tịch GA-ASI, cựu tướng hải quân Thomas J. Cassidy, đặt tên cho nó là “Predator”. Tháng 1-1994, GA-ASI giành được hợp đồng trị giá 31,7 triệu USD cho việc phát triển và cung cấp 3 chiếc Predator cùng một trạm điều khiển cho quân đội, trong thời hạn 6 tháng…

Phần mình, một lần nữa Karem lại rời bỏ tất cả để theo đuổi các dự án riêng. Ông rời General Atomics chỉ 1 tháng trước khi chiếc Predator cất cánh lần đầu tiên (lại lập công ty riêng, Frontier Systems, rồi lại bán nó cho Boeing năm 2004). Đến nay, Predator đã liên tục được nâng cấp so với thời Karem nhưng công lao của ông đã được ghi nhận khi người ta đặt vĩnh viễn một chiếc Predator tại Viện Bảo tàng không gian quốc gia thuộc Smithsonian Institution.

Vũ khí Israel tại châu Á

Tại triển lãm thiết bị quân sự Defexpo đầu năm 2014 ở Ấn Độ với 624 hãng từ 30 quốc gia góp mặt, Israel đã tham dự với 21 công ty (số lượng nhiều chỉ sau Nga và Pháp). Tại đây, Israel Aerospace Industries (IAI) đã trình làng một số sản phẩm mới, trong đó có tàu không người lái Katana; hệ thống radar hiện đại, hệ thống phòng không, thiết bị kiểm soát - điều khiển điện tử… The Diplomat (25-2-2014) cho biết, Tập đoàn Israel Military Industries (IMI) đã ký được hợp đồng trị giá 500 triệu USD với một số nước châu Á trong năm 2013.

Tại triển lãm hàng không Singapore Airshow ngày 11-2-2014, không chỉ các hãng vũ khí Israel, cả Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yalon cũng có mặt. Tại đây, Hãng Elbit giới thiệu UAV Hermes 900 (dùng cho do thám, có thể bay cao đến 9.000m), trong khi Rafael trình làng hệ thống laser “Iron Beam” được thiết kế như một hệ thống phòng thủ bằng tia laser, có thể diệt phi pháo (rocket) và UAV ở cự ly gần. Đây là một trong những hệ thống vũ khí mới nhất của Rafael.

Mạnh Kim

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc