Công nghiệp điện tử đã có sự dịch chuyển chuỗi giá trị

14:15 | 17/05/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN vào năm 2020, nhưng có đến khoảng 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, phát triển ngành công nghiệp điện tử cần tạo bước đột phá để phát triển.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, ngành điện tử Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhất là trong giai đoạn 2016-2020. Các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới.

Công nghiệp điện tử đã có sự dịch chuyển chuỗi giá trị
Ảnh minh họa,https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các quy định về giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia đã khiến nhu cầu sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện làm việc online, trực tuyến của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia tăng mạnh, cùng với đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị của một số hãng điện tử lớn trên thế giới. Trong giai đoạn cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới. Ước tính năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 51 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử nhìn chung tăng trưởng khá cao. Năm 2019, sản lượng sản xuất điện thoại di động đạt 215,2 triệu cái; sản phẩm ti vi ước tính đạt 14.626 nghìn cái. Năm 2019 hầu hết các sản phẩm ngành điện tử tăng trưởng khá cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng năm 2020, sản lượng điện thoại di động và ti vi sản xuất trong nước lần lượt là 163,4 triệu cái và 13.004,2 nghìn cái.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu ngành điện tử năm 2019 của Việt Nam đạt trên 87 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ 2010 - 2019 trên 50%, cao nhất thế giới. Năm 2020, tính đến hết tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử ước đạt khoảng 69 tỷ USD, trong đó điện thoại di động và linh kiện ước đạt hơn 36,6 tỷ USD, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt hơn 32,2 tỷ USD.

Công nghiệp điện tử đã có sự dịch chuyển chuỗi giá trị
Ảnh minh họa,https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc trong thời gian đầu năm, tuy nhiên, nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, và địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tính chung năm 2021 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thoại di động năm 2021 đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; sản lượng ti vi đạt 11165,7 nghìn chiếc, giảm 38,6%; sản lượng linh kiện điện thoại ước đạt 480,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt trị giá 51 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng đối với xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm trước.

Cần những bước đột phá để phát triển

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2019 là 62%, tiếp đến là nhóm ngành linh kiện điện tử và nhóm ngành máy vi tính và thiết bị ngoại vi, hai nhóm ngành này có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2019 đạt lần lượt là 42% và 19% , sau cùng là nhóm ngành thiết bị điện tử khác và nhóm ngành điện tử dân dụng có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2019 đạt lần lượt là 39% và 35%.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhìn nhận, năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Vietel... tuy nhiên thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.

Công nghiệp điện tử đã có sự dịch chuyển chuỗi giá trị
Ảnh minh họa,https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI.

Đơn cử như Samsung Việt Nam, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho Samsung đã tăng đáng kể từ 4 nhà cung ứng năm 2014 lên 35 nhà cung ứng năm 2018. Panasonic Việt Nam hiện cũng có 4 doanh nghiệp Việt Nam cung ứng sản phẩm và giá trị cung ứng mới chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của Panasonic. Canon Việt Nam cũng liên tục tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Để có thể tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả EVFTA, các doanh nghiệp ngành điện tử cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với doanh nghiệp điện tử EU. Ngoài ra, để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, giới chuyên gia cho rằng cho rằng cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…). Đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cũng cần lưu ý doanh nghiệp điện tử phải chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa. “Mỗi doanh nghiệp tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Trên cơ sở đó giúp cho doanh nghiệp nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.

Để tạo cơ hôi cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, thời gia qua Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng để góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

An Hưng

mpi.gov.vn

vietinbank
ajinomoto