Công nghiệp chế biến dầu khí ở Việt Nam

08:59 | 10/04/2015

|
(PetroTimes) - Ngành công nghiệp chế biến dầu khí bao gồm hai lĩnh vực vẫn thường được gọi là “lọc dầu” và “hóa dầu”. Thực chất, hai lĩnh vực này chỉ là hai giai đoạn nối tiếp và đan xen nhau của toàn bộ ngành công nghiệp chế biến dầu khí.

Mặc dầu vậy, trong khi quy mô của ngành lọc dầu hết sức lớn, gần như tiêu thụ hết tất cả sản lượng dầu thô khai thác được (hàng năm khoảng trên 4 tỉ tấn), thì ngành hóa dầu có quy mô nhỏ hơn nhiều, chỉ chiếm khoảng 10 – 15% so với ngành lọc dầu. Nhưng nếu tính theo giá trị của các sản phẩm hóa dầu làm nguyên liệu và phụ trợ cho các công nghiệp, dịch vụ kỹ thuật thì ngành Hóa dầu tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với tỉ lệ nói trên. Chính vì vậy, rất nhiều nhà máy chế biến dầu hiện nay chủ trương kết hợp càng nhiều càng tốt hai khâu lọc và hóa dầu để tạo lợi nhuận cao hơn là chỉ lọc dầu chuyên sản xuất các loại nhiên liệu cho công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng. Trên thế giới cũng có những nhà máy hóa dầu thuần túy, nghĩa là không có công đoạn lọc dầu, mà sử dụng các nguồn nguyên liệu từ bên ngoài nhà máy, hoặc nhập từ nước ngoài, tuy nhiên, phần lớn các cơ sở chế biến dầu đều có cả hai công đoạn với mức độ tích hợp khác nhau.

Nói chung, ngành công nghiệp chế biến dầu là lĩnh vực sản xuất kinh doanh lợi nhuận không cao, nhất là so với ngành thăm dò khai thác dầu khí. Đối với ngành chế biến dầu khí hiện nay, tính cạnh tranh rất gay gắt, nhất là trong phạm vi lọc dầu. Trong khi các tiêu chí bảo vệ môi trường đối với sản phẩm dầu (nhiên liệu) thay đổi quá nhanh theo hướng giảm các tạp chất độc hại thì sự “gia nhập” của các nhà máy mới vào “đại gia đình lọc-hóa dầu” gặp một chướng ngại rất lớn là các nhà máy cũ đã vận hành nhiều năm, hết khấu hao, cho nên khả năng sinh lợi cao hơn nhiều. Các nhà máy này chỉ cần đầu tư thêm khâu nâng cao chất lượng sản phẩm (chủ yếu là làm sạch lưu huỳnh) là đủ để đáp ứng các tiêu chí gay gắt (ví dụ như Euro IV, Euro V).

Vài nét về hiện trạng công nghiệp chế biến dầu khí

Trong cân bằng năng lượng toàn cầu, dầu khí có vai trò hết sức to lớn. Trữ lượng xác minh (tức trữ lượng có thể khai thác được) toàn cầu của dầu và khí trong 20 năm qua vẫn tiếp tục tăng trưởng đáng kể. Theo thống kê mới nhất (2014) của tập đoàn dầu khí BP, từ năm 1993 đến 2013 trữ lượng xác minh của dầu mỏ toàn thế giới tăng từ 144 tỉ tấn lên đến 234 tỉ tấn (trong khi hàng năm đã tiêu thụ khoảng 4 tỉ tấn). Như vậy, gia tăng trữ lượng xác minh dầu mỏ là rất ấn tượng. Trữ lượng khí thiên nhiên cũng tăng từ 114 nghìn tỉ mét khối lên 185 nghìn tỉ mét khối. Điều đó có nghĩa là hàng năm gia tăng trữ lượng dầu và khí cao hơn nhiều so với sản lượng khai thác và tiêu thụ chúng.

Hiện nay, tỷ lệ tham gia của các dạng nhiên liệu trong cân bằng năng lượng toàn cầu được phân bố như sau: dầu mỏ 4.186 triệu tấn (32,87%); khí thiên nhiên 3.020 triệu tấn (23,72%); than 3.826 triệu tấn (30,50%), điện hạt nhân 653 triệu tấn (4,42%); thủy điện 855 triệu tấn (6,71 %); năng lượng tái tạo 279 triệu tấn (2,19%) (1). Nhìn chung, trong những năm gần đây, trừ sản lượng điện hạt nhân bị suy giảm, sản lượng các dạng năng lượng tiêu thụ đều tăng nhưng với tốc độ chậm lại. Riêng đối với dầu mỏ, tiêu thụ ở các nước công nghiệp phát triển (OECD) giảm liên tục trong 5 năm gần đây. Từ năm 2007 đến 2013 mức tiêu thụ của một số nước thay đổi như sau: Mỹ giảm từ 928 triệu tấn xuống 831 triệu tấn; Nhật: từ 232 triệu tấn xuống 208 triệu tấn; Hàn Quốc không thay đổi (xấp xỉ 108 triệu tấn); Đức không thay đổi (xấp xỉ 112 triệu tấn); Trung Quốc là quốc gia có mức tăng tiêu thụ khá cao: từ 370 triệu tấn lên 507 triệu tấn.

Năm 2013, so với năm 2007, sản lượng dầu được chế biến toàn cầu chỉ tăng 93.000 thùng/ngày (tăng 0,12%). Cả thế giới chỉ chế biến khoảng 3,8 tỉ tấn trong khi công suất thiết kế là khoảng 4,7 tỉ tấn; tỷ lệ sử dụng công suất chỉ xấp xỉ 80 %. Nhìn trong khoảng 10 năm, từ 2003 đến 2013, tỷ lệ sử dụng công suất lọc dầu trên thế giới có xu thế giảm. Lợi nhuận của chế biến dầu trong giai đoạn 2005-2008 là tốt nhất (dao động xung quanh 5 USD/thùng; từ 2008 trở đi xu thế giảm rõ rệt, chỉ cụm Tây-Bắc Âu xoay quanh 5 USD/thùng, còn cụm Hoa Kỳ chỉ xoay quanh 3-4 USD/thùng; thậm chí đối với cụm Singapore rất thấp, có năm xuống dưới không. Nếu xem xét lợi nhuận của các công ty chế biến dầu lớn thì bức tranh cũng tương tự. Các tập đoàn ExonMobil, BP, ConocoPhilip, Shell, Chevron, Marathon lợi nhuận giảm; còn Sunoco, Valero thì lợi nhuận có năm bị âm.

Với công suất vận hành gần 4 tỉ tấn/năm, ngành công nghiệp chế biến dầu là ngành công nghiệp có quy mô và doanh thu lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những ngành công nghiệp có tầm ảnh hưởng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội toàn nhân loại. Các quốc gia có nền công nghiệp chế biến dầu với quy mô lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc.

Hiện nay nhu cầu nhiên liệu ở các quốc gia đang phát triển, nhất là ở Châu Á, đang có xu thế tăng. Điển hình vẫn là Trung Quốc, trong 10 năm từ năm 2003 đến 2013 mức sử dụng tăng từ 271 triệu tấn/năm lên 507 triệu tấn/năm. Trong thời gian đó Ấn Độ cũng tăng mức sử dụng từ 116 triệu tấn/năm lên 175 triệu tấn/năm. Theo đánh giá của OPEC, từ 2015 đến 2020 nhu cầu nhiên liệu lỏng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng khỏang 2%, trong khi ở các nước Bắc Mỹ và Châu Âu thì giảm nhẹ. Tình hình đó làm cho các công ty dầu khí quốc gia ở khu vực này nhận thấy có ưu thế trong mở rộng đầu tư, mặc dầu điều đó không thật logic vì cung trên toàn cầu vẫn đang dư thừa.

Ở các quốc gia cung chưa đủ cầu hoặc các quốc gia giàu nguyên liệu đều đang có xu thế này. Trong cả hai trường hợp, nhiều công ty dầu khí quốc gia (NOC) hợp tác với các công ty dầu khí quốc tế (IOC) để tăng thêm lợi nhuận nhờ dựa vào năng lực quản trị và vận hành, kinh nghiệm đầu tư, vốn liếng và cơ hội tiếp cận thị trường quôc tế. Hợp tác với các IOC cũng giúp cho các NOC đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực sản xuất dầu mỡ nhờn và công nghiệp hóa dầu. Tất cả những điều đó có tác dụng làm cho nền kinh tế của quốc gia mạnh hơn, tăng GDP, nhờ giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao tay nghề cho lao động chuyên nghiệp.

Về phía các IOC, việc hợp tác với các NOC cũng rất có lợi, bởi vì nếu không có quan hệ hợp tác, các NOC có thể tìm cách đóng cửa thị trường nội địa đối với họ. Điển hình của sự hợp tác có hiệu quả giữa NOC và IOC là năm 2005 Aramco và Sumitomo Chemical đã xây dựng liên doanh lọc-hóa dầu Petro Rabigh 10 tỉ USD; mỗi bên giữ 37,5 % cổ phần, 25 % cổ phần còn lại bán trên thị trường chứng khoán Tadawul của Saudi Arabia. Năm 2008 tổ hợp lọc-hóa dầu này đi vào vận hành và năm 2011 được Platts xếp hạng nhì trong số các công ty phát triển nhanh nhất với lợi nhuận tăng 167,5 %.

Năm 2008 Aramco lại liên doanh với Total xây dựng tổ hợp lọc-hóa dầu Satorp 12 tỉ USD tại Saudi Arabia; dự kiến năm 1013 đi vào vận hành và sẽ sản xuất diesel, nhiên liệu phản lực, xăng và các sản phẩm hóa dầu. Một liên doanh khác giữa ExxonMobil (25 %), Saudi Aramco (25 %) và Sinopec (50 %) được hình thành năm 2009 để mở rộng và bổ sung phần hóa dầu cho nhà máy lọc dầu Fujian tại Quảng Châu trị giá 4,5 tỉ USD.

Xu thế phát triển công nghiệp chế biến dầu khí – nhìn từ Việt Nam

Việt Nam mới có một nhà máy chế biến dầu với công suất 6,5 triệu tấn/năm tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Nhà máy này thực chất chỉ mới có phần lọc dầu để sản xuất các loại nhiên liệu (chủ yếu là xăng và dầu diesel); phần hóa dầu chỉ là phụ với phân xưởng sản xuất polypropylene công suất 150.000 tấn/năm. Với công suất như vậy, nhà máy lọc dầu Dung Quất, cùng với các dây chuyền sản xuất nhỏ khác (gần 1 triệu tấn/năm) chỉ mới bảo đảm được khoảng 40% nhu cầu trong nước vào năm 2013. Khi tổ hợp lọc-hóa dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn/năm đi vào hoạt động (từ 2017) thì tổ hợp này cùng với nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng chỉ bảo đảm được khoảng trên 50% nhu cầu nội địa. Điều dễ hiểu là nhu cầu các sản phẩm nhiên liệu trong những năm sắp tới sẽ tiếp tục gia tăng, cho nên, việc Việt Nam có thêm công suất chế biến dầu trong tương lai là điều không cần bàn cãi.

Hiện nay, sau dự án Nghi Sơn ở Thanh Hóa công suất 10 triệu tấn năm (liên doanh giữa Petrovietnam với các công ty của Kuwait và Nhật) đã có lộ trình rõ ràng là sẽ đi vào vận hành sau 2017, một số dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư như sau: Dự án Vũng Rô ở Phú Yên (nước ngoài đầu tư) công suất 8 triệu tấn năm đã động thổ và cũng dự kiến đi vào vận hành sau năm 2017; dự án Nhơn Hội ở Bình Định (nước ngoài đầu tư) công suất 30 triệu tấn năm đang trình Chính phủ được giới truyền thông coi là siêu dự án; dự án Long Sơn ở Bà Rịa-Vũng Tàu của Petrovietnam, tuy đã nằm trong quy hoạch, nhưng có lẽ phải xem xét lại trong bối cảnh mới. Ngoài ra, có thông tin là những dự án khác đang được nhà đầu tư xem xét, như dự án Vũng Áng, dự án Cam Ranh, dự án Cần Thơ. Dự án liên doanh hóa dầu Long Sơn giữa Petrovietnam và đối tác Thái Lan cũng đang trong giai đoạn triển khai nhưng chậm tiến độ.

cong nghiep che bien dau khi o viet nam

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Xu thế diễn biến công suất và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dầu giai đoạn đến 2020 ở các nước khá phức tạp. Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp phát triển là Australia, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, cả hai chỉ tiêu đều thay đổi không đáng kể. Ở Australia các con số hầu như không có gì thay đổi. Ở Nhật thì cả công suất chế biến lẫn nhu cầu tiêu thụ đều giảm đáng kể; đến năm 2020 sẽ cân bằng cung-cầu. Ở Hàn Quốc thì đến năm 2020 cung cao hơn cầu, nhưng từ năm 2012 công suất chế biến đã không tăng nữa rồi. Ở Đài Loan thì cung tăng, cầu giảm, nhưng chênh lệch khá nhỏ và trong hơn 10 năm thì xu thế là không thay đổi mấy.

Ấn Độ là trường hợp khá đặc biệt; công suất chế biến tăng, nhưng cũng từ năm 2011 giữ nguyên không đổi, trong khi cầu thì tăng một thời gian rồi lại giảm, cuối cùng cung vẫn cao hơn cầu. Ở các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, Pakistan, Singapore, Malaysisa công suất chế biến cũng như nhu cầu tiêu thụ đều tăng nhưng không thật nhiều.

Trong số các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc là trường hợp cả cung lẫn cầu đều có chiều hướng tăng rất mạnh; ở giai đoạn 2008 thì cung vượt cầu, đến 2013 cung cầu đạt cân bằng, và đến 2010 thì cầu vượt cung. Thực chất, Trung Quốc là quốc gia góp phần rất lớn vào gia tăng nhu cầu sản phẩm dầu trong vùng này và cho cả thế giới. Một số quốc gia và công ty, ví dụ Thái Lan với cung đang vượt cầu, có chủ trương xuất sản phẩm dầu sang các vùng lân cận phía nam Trung Quốc.

Xu thế (dự báo) nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dầu giảm hay không tăng ở nhiều quốc gia có hai nguyên nhân có mối liên quan với nhau. Đó là tiết kiệm năng lượng và chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng khác, sạch hơn, hoặc không phát thải. Trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, nhiều nước có chính sách mạnh về sử dụng năng lượng và nhiên liệu tái tạo, đứng đầu là Trung Quốc rồi đến Ấn Độ, Nhật, Australia, Indonesia, Thái Lan. Từ năm 2003 đến 2013 sản lượng năng lượng và nhiên liệu tái tạo khu vực này đã tăng từ 13 triệu tấn lên 78 triệu tấn.

Về sự tham gia vào công nghiệp chế biến dầu khí của các công ty dầu khí quốc tế

Nói chung, thành công của các liên minh (liên doanh hoặc liên danh) chỉ có thể được xây dựng trên ba nguyên tắc: (i) Thứ nhất, các đối tác phải thống nhất với nhau từ đầu một chiến lược rõ ràng, tầm nhìn nhất quán; (ii). Thứ hai, việc ra quyết định phải kịp thời và chuẩn xác, quyền ra quyết định được xác định rõ ràng. (iii) Thứ ba, những quy trình chủ yếu và những chỉ tiêu của liên doanh phải được xác định rõ ràng và chúng phải được đưa vào trong thiết kế và tổ chức hợp tác ngay từ đầu.

Trong thực tế thì các nguyên tắc trên đây cũng không dễ được tuân thủ khi hình thành các liên doanh. Không ít trường hợp các NOC không coi trọng lợi ích của các bên liên doanh bằng việc bảo vệ thị trường nội địa. Sự tan vỡ liên doanh giữa PetroVietnam với các đối tác nước ngoài trong Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 1997 là thuộc trường hợp này. Chúng ta đã không nhân nhượng cho các đối tác trong việc được chiếm một phần thị trường, dù chỉ là thị trường bán buôn, để có thể làm tăng giá trị IRR của Dự án (chỉ 7 % đến 11 % nếu chỉ chế biến mà không phân phối) lên mức bảo đảm cho họ có lợi nhuận ở mức chấp nhận được.

Các nhà đầu tư (các IOC và cả một số NOC) thường được khuyến cáo là, trước khi tham gia liên doanh, phải nghiên cứu kỹ những đặc điểm của các NOC mà họ định hợp tác, nhất là quyền tự chủ của NOC, bởi vì tính tự chủ của các NOC ở các nước rất khác nhau. Các nhà đầu tư cũng được cảnh báo rằng, việc nhận giấy phép đầu tư không phải đơn giản, thường kéo dài và làm giảm không giới hạn giá trị của cơ hội đầu tư. Sự thiếu rõ ràng về chủ sở hữu, cơ quan chủ quản và cơ quan ra quyết định không những làm chậm quá trình phê duyệt mà còn ảnh hưởng đến kết quả hoạt động lâu dài của liên doanh.

Những chuyển dịch trong công nghiệp chế biến dầu khí hiện nay có thể giúp các NOC kinh doanh có hiệu quả, tuy nhiên, để tối đa hóa lợi nhuận và tránh những chi phí không cần thiết, các NOC nhất thiết phải hoàn thiện đến mức cao nhất có thể được năng lực quản trị, vận hành và sử dụng vốn. Việc liên minh với các IOC sẽ rút ngắn thời gian “học hỏi” của các NOC. Song vấn đề là hợp tác như thế nào để có lợi nhất lại là câu hỏi không dễ có câu trả lời thỏa đáng. Không giống với các IOC và các công ty độc lập, khi đầu tư vào lĩnh vực hạ nguồn, các NOC phải quan tâm đến việc tạo công ăn việc làm cho thị trường nội địa. Và vấn đề cốt lõi của cốt lõi là phải có nguồn nhân lực về công nghệ, kỹ thuật và quản trị bảo đảm sự vận hành của dự án, giảm bớt càng nhiều càng tốt sự phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài. Điều này Dự án Dung Quất đã làm được tốt.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến dầu khí ở Việt Nam – một số đề xuất

Cho đến năm 2009 Việt Nam mới xây dựng xong một nhà máy lọc dầu, tuy nhiên, lịch sử Ngành Dầu khí Việt Nam đã ghi nhận cả một thời kỳ ròng rả mấy chục năm trời đi tìm đối tác hợp tác. Trước năm 1975, ở miền Nam có nhiều công ty bày tỏ ý định hợp tác đầu tư nhưng đều không khởi động được dự án nào. Sau 1975, Đảng và Nhà nước đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xây dựng công nghiệp chế biến dầu. Ngay từ 1975 đã có nhiều phương án xây dựng hai cơ sở lọc-hóa dầu ở miền Bắc (Nghi Sơn) và ở miền Nam (Tuy Hạ) với kỳ vọng có sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó Dự án Tuy Hạ hợp tác giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô kéo dài từ cuối 1980 (ký hiệp định liên chính phủ) cho đến cuối năm 1990 thì dừng lại.

Từ 1990, đáp lại sự kêu gọi hợp tác đầu tư dưới nhiều hình thức của Petrovietnam, đã có hàng chục tập đoàn/công ty quốc tế và quốc gia đến chào thầu, thương thảo, thậm chí đã cùng Petrovietnam lập luận chứng khả thi, nhưng rồi lại ra đi, không một ai ở lại. Đó là các tập đoàn/công ty đến từ Nhật, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, Italia, Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan. Đối tác cuối cùng tham gia Dự án Dung Quất đến từ người bạn cố tri là công ty Zarubezhbeft của Liên bang Nga cũng ra đi sau hơn 4 năm (1998-2002) cùng nhau “nếm mật nằm gai” với chúng ta. Cuối cùng thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng chỉ một mình Petrovietnam làm chủ đầu tư.

Cho đến nay chưa có đánh giá chính thức nào về sự không thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên ấy của Việt Nam, nhưng những nguyên nhân dẫn đến thất bại chắc không phải chỉ đến từ khách quan. Tìm hiểu và đánh giá tầm ảnh hưởng của những nguyên nhân không đưa chúng ta đến thành công trong thu hút các đối tác đầu tư nước ngoài có lẽ không phải là chuyện nhỏ.

Mục tiêu trước hết của bất kỳ nhà đầu tư nào, bất kể là công ty quốc tế hay công ty quốc gia, là phải có lợi. Vì vậy, nguyên tắc cao nhất trong hợp tác đầu tư là bảo đảm lợi ích hài hòa cho các đối tác. Đương nhiên, lợi ích của nhà đầu tư không phải chỉ được tính bằng tiền lời thu được mà bao gồm cả lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích hữu hình và lợi ích vô hình. Mỗi công ty có thể có quan điểm khác nhau khi xem xét lợi ích cho mỗi quyết định tham gia đầu tư, tuy nhiên, hiệu quả đầu tư thì phải tuân theo những tiêu chí nhất định. Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề sau đây có thể cần cân nhắc kỹ trong các quyết sách thu hút đầu tư vào khâu chế biến dầu khí.

Xác định minh bạch, rõ ràng mức độ tham gia thị trường nội địa của đối tác bảo đảm để họ có được lợi nhuận ở mức tối thiểu chấp nhận được. Nói chung, các IOC, rất cần có thị trường mở. Trong bối cảnh biến động nhanh của thị trường sản phẩm dầu khí như hiện nay, việc các nhà đầu tư được tham gia thị trường nội địa đã trở nên không thể thiếu.

Thị trường xăng dầu của chúng ta đang trong tình trạng chưa có được cơ chế thị trường thực thụ, mà có sự can thiệp của Nhà nước, vì vậy, tính minh bạch là hết sức cần thiết để nhà đầu tư không bị thiệt do những can thiệp có tính áp đặt đối với doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, trong chừng mực mà cơ chế thị trường được tuân thủ thì độc quyền là điều không thể chấp nhận; các nhà đầu tư nước ngoài phải bình đẳng trong giới hạn đã được pháp luật và hợp đồng liên doanh quy định. Đây là cam kết (của Chính phủ) phải được bảo đảm thực thi nghiêm túc.

Công việc giải phóng mặt bằng và các công trình ngoài hàng rào thường là những nội dung tranh chấp giữa các nhà đầu tư với nước chủ nhà. Thỏa thuận về các hạng mục này là vấn đề phải được minh bạch hóa ngay từ đầu để đưa vào tính toán báo cáo khả thi.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhà máy cũng như các tiêu chí bảo vệ môi trường phải được Nhà nước công bố rõ ràng cho một thời kỳ nhất định.

Chính sách thuế của Nhà nước phải được quy định hợp lý và minh bạch, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu dầu thô cũng như các sản phẩm và vật liệu được sử dụng cho xây dựng và vận hành công trình. Chính sách khuyến khích việc sử dụng nguyên vật liệu và dịch vụ nội địa của Nhà nước cần được chi tiết hóa một cách rõ ràng để tránh khỏi những tranh chấp và diễn giải không thỏa đáng về sau. Chính sách thuế cần ổn định, không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều lần.

Cơ chế tài chính của liên doanh cần được thỏa thuận chi tiết và rõ ràng, bao gồm cơ chế chính sách đối với dòng tiền của liên doanh cũng như đối với lợi nhuận của đối tác trong hoạt động tái đầu tư (trong và ngoài dự án) và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Toàn bộ dầu thô, nguyên liệu, xúc tác, hóa phẩm, dịch vụ kỹ thuật cao phải nhập bằng ngoại tệ, cho nên, nếu sản phẩm bán bằng đồng Việt Nam thì cần một cơ chế ngoại hối phù hợp và ổn định.

Trong bối cảnh hiện nay với sự dư thừa công suất chế biến dầu trên toàn cầu, việc có chính sách thỏa đáng để khuyến khích đối tác cung cấp nguyên liệu dầu thô và tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, nếu công suất chế biến của Việt Nam sắp tới dư thừa thì khả năng cạnh tranh quyết liệt về thị trường nội địa là rất hiện thực.

Như đã đề cập ở trên, các IOC rất quan ngại việc các NOC ở mỗi quốc gia chịu sự quản lý nhà nước theo cách khác nhau và thường là hay thay đổi. Vì vậy, việc chốt lại những quy định có tính nguyên tắc trong quản lý và điều hành liên doanh ngay từ đầu là điều có tầm quan trọng không nhỏ. Sự ổn định và minh bạch của hệ thống chính sách của nhà nước là một yếu tố quan trọng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà nước cần một chiến lược dài hạn nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nền sản xuất nội địa đối với thị trường khu vực và thị trường thế giới, trong đó, các biện pháp giảm các chi phí sản xuất, chi phí lưu thông phân phối và chi phí phi sản xuất liên quan tới các thủ tục, lệ phí, tham nhũng… có tác động không nhỏ.

Cần ưu tiên sử dụng khí thiên nhiên làm nguyên liệu phát triển hóa dầu. Hiện nay khí thiên nhiên dùng để sản xuất phân bón mới chiếm dưới 10% tổng sản lượng khí khai thác, còn trên 90% vẫn đang làm nhiên liệu đốt để phát điện và công nghiệp. Trong thời gian 20-30 năm tới, nên tăng tỉ lệ dùng khí làm nguyên liệu sản xuất hóa dầu lên khoảng 20 % – 30%.

(1). Sản lượng các dạng năng lượng đều được tính bằng khối lượng dầu mỏ có nhiệt trị tương đương.

GS, TSKH. Hồ Sĩ Thoảng - KS. Bỳ Văn Tứ