Công nghệ bơm chất thải khoan vào lòng đất

17:39 | 18/09/2017

|
(PetroTimes) - Tại khu tự trị Khanty-Mansiysk, Rosneft bắt đầu thử nghiệm phương pháp mới trong xử lý chất thải khoan, bằng cách bơm trở lại vào sâu trong lòng đất, theo thông cáo báo chí ngày 18/9 của công ty.  
cong nghe bom chat thai khoan vao long dat
Thiết bị xử lý chất thải khoan

Hệ thống xử lý này có công suất hơn 140 nghìn m3 chất thải/năm. Dựa trên kết quả phân tích địa chất, 3 giếng đã được khoan để thử nghiệm hoạt động.

Hiện nay, đây là một trong những phương pháp xử lý chất thải khoan sáng tạo và thân thiện với môi trường nhất trên thế giới trong hoạt động khai thác dầu khí.

Khác với phương pháp truyền thống là xử lý, chế biến bùn thải ngay trên mặt đất, phương pháp bơm bùn thải vào các địa tầng sâu loại bỏ được khả năng chất thải có thể tiếp xúc với môi trường.

Theo công nghệ mới, bùn khoan và các chất thải khác của quá trình khoan được xử lý thành dung dịch lỏng và sau đó được bơm vào lòng đất. Bùn lỏng được bơm đến các lớp địa tầng rất sâu, sâu hơn nhiều so với các tầng nước ngầm, do đó chất thải không thể tiếp xúc với các nguồn nước ngầm mà con người có thể sử dụng.

Tất cả các thiết bị công nghệ và phụ trợ đều nằm trong một tòa nhà chuyên dụng dạng kín.

Hệ thống giám sát nước ngầm và lòng đất bao gồm các giếng quan sát, cho phép giám sát sự lan thấm của dịch thải được bơm xuống, cũng như để theo dõi sự thay đổi các thông số thủy động lực của việc hấp thụ bùn lỏng theo phương nằm ngang.

Tổ hợp xử lý bùn thải được trang bị một hệ thống điều khiển tự động cho phép tập trung thu thập và xử lý thông tin về các thông số của quá trình bơm.

Hiện nay, bơm bùn thải vào sâu trong lòng đất trong quá trình khai thác mỏ là một phương pháp xử lý chất thải tiên tiến nhất, đáng tin cậy và thân thiện với môi trường. Ưu điểm chính của công nghệ này là không có khí thải vào khí quyển, loại bỏ được các vấn đề liên quan đến vận chuyển và lưu trữ chất thải.

Phương pháp này đã được cấp bằng sáng chế cho công ty ARCO của Hoa Kỳ vào năm 1986 và được đặt tên CRI (cutting re-injection), với hệ thống xử lý chất thải khoan bằng cách bơm trở lại vào lòng đất.

Công nghệ này đã được sử dụng thành công tại nhiều khu vực sản xuất dầu như ở Biển Bắc, Na Uy, Alaska, Vịnh Mexico, Venezuela, và những nơi khác.

Tại Nga, lần đầu tiên, công nghệ bơm chất thải khoan vào lòng đất đã được công ty Sakhalin Energy áp dụng vào năm 2004 tại những mỏ dầu ngoài khơi thuộc đảo Sakhalin. Năm 2016, tại mỏ Prirazlomnoye ở biển Barents, Gazprom đã đưa vào sử dụng giếng hấp thụ đầu tiên.

Các chất thải phát sinh trong quá trình khoan giếng thăm dò, khai thác như bùn khoan, nước thải khoan, các loại dung dịnh hóa chất sử dụng trong quá trình khoan, cũng như các chất thải công nghiệp, sẽ được bơm vào giếng hấp thụ này. Giếng hấp thụ sẽ tối ưu hóa quy trình xử lý chất thải công nghiệp, xử lý trực tiếp trên thực địa mà không gây tổn hại cho môi trường.

Công nghệ CRI đặc biệt phù hợp cho các mỏ ngoài khơi và mỏ ở những vùng thường xuyên ngập nước trên đất liền.

Bá Thủy

RT