Công chức sống bằng gì?

08:15 | 19/10/2011

1,510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu mang ra so sánh đồng lương công chức với mặt bằng giá cả thì rõ ràng lương công chức không đủ sống.

Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, các cơ quan Nhà nước đang nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2012 và các năm tiếp theo. Theo đó, từ quý I/2012 lương công chức sẽ được điều chỉnh, tiếp đó là bảng lương và phụ cấp mới cũng sẽ được ban hành.

Vấn đề lương công chức đang làm dư luận quan tâm bởi còn nhiều bất cập. Câu chuyện này chưa bao giờ được giải quyết một cách triệt để vì các cuộc cải cách tiền lương đều chưa làm rõ yếu tố cốt lõi của vấn đề, đó là mối tương quan giữa chất lượng công việc và tiền lương trả cho công chức.

Nếu mang ra so sánh đồng lương công chức với mặt bằng giá cả thì rõ ràng lương công chức không đủ sống. Hiện nay, mức lương tối thiểu áp dụng cho cán bộ, công chức từ ngày 1/5/2011 là 830 nghìn đồng, thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp. Một chuyên viên chính bậc 3 có hệ số 4,66 thì tiền lương chỉ có 3,867 triệu đồng, chắc chán phải chật vật để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng thấy là việc trở thành một công chức vẫn hấp dẫn đối với không ít người trong xã hội. Việc được tuyển dụng làm công chức vẫn là mơ ước của số đông. Và có cả một số đông người sẵn sàng bỏ ra một số tiền bằng hàng trăm tháng lương để “chạy” làm công chức. Câu hỏi đặt ra cho nghịch lý này là vì sao đồng lương không đủ sống nhưng người ta vẫn thích làm công chức, để rồi than phiền vì đồng lương ít ỏi?

Câu hỏi này quả là rất cắc cớ. Nó khiến người ta không thể nào né tránh một sự thật là chẳng có công chức nào bị chết đói vì lương thấp cả! Ngược lại công chức vẫn sống khỏe! Thậm chí theo thống kê ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có khoảng 15% công chức dư thừa an nhàn “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” và hầu hết các trụ sở ở hai thành phố lớn này đều khủng hoảng chỗ đỗ xe hơi cho công chức.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có lý khi nhận định, có không ít người vào Nhà nước vì yếu kém về năng lực, không thể tìm được việc làm trong khu vực doanh nghiệp; có nhiều người là phụ nữ cần có việc làm ổn định, để có thời gian cho gia đình, nhưng cũng có những người vào bộ máy Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng…

Nếu như có một cuộc khảo sát nghiêm túc xung quanh câu hỏi này thì câu trả lời sẽ là: không ít người sống bằng tham nhũng, bằng đủ các loại bổng lộc khác. Tuy nhiên, cũng không phải bất cứ công chức nào cũng có khả năng tham nhũng tiền bạc, tài nguyên hay có khả năng chuyển hóa quyền lực của mình thành tiền bạc. Vì vậy hình thức tham nhũng phổ biến nhất hiện nay chính là dùng thời gian hành chính đề kiếm tiền từ những công việc ngoài nhiệm vụ. Hệ quả nghiêm trọng đó, theo đánh giá của Bộ Nội vụ là việc công chức không chấp hành làm việc 8 giờ tại công sở diễn ra phổ biến ở tất cả các cấp; do thu nhập thấp, cán bộ, công chức tìm mọi cách, mọi việc có thể làm để tạo ra thu nhập; nhiều người không chú trọng đến công việc chung, mà chỉ muốn làm các việc cụ thể liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai… trực tiếp với dân, với doanh nghiệp để có điều kiện nhũng nhiễu, hạch sách.

Tiếp theo, hiệu suất lao động của công chức được đánh giá như thế nào? Đã có hàng vạn bản án bị tồn đọng mỗi năm, những dự án treo từ năm này qua năm khác, khả năng quản lý yếu kém của công chức còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông, xã hội, kinh tế… Hệ thống cán bộ công chức thì không ngừng tăng hàng năm nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc tăng chất lượng phục vụ nhân dân hay không?!

Đồng lương phải xứng đáng với thành quả lao động của người hưởng lương. Và đồng lương công chức là tiền thuế của xã hội để đổi lấy sự hài lòng bởi sự phục vụ của đội ngũ công chức. Điều nghịch lý trong câu chuyện này là người đóng thuế để trả lương cho công chức thì không hề có khả năng thay đổi người làm công và cũng không có quyền quyết định số người làm công để phục vụ mình. Trong khi khả năng đóng thuế để duy trì ngân sách của xã hội hạn chế, quỹ lương không thể tăng lên thì chỉ có cách duy nhất để tăng lương công chức là loại bỏ những công chức yếu kém để tăng lương xứng đáng cho những người có năng lực thật sự. Đó mới là cốt lõi của vấn đề tăng lương công chức.

Thiết nghĩ, muốn tăng lương công chức một cách hiệu quả nhất thì việc tinh giản biên chế phải kiên quyết thực hiện và trả lương xứng đáng cho những công chức có năng lực. Bởi chỉ khi mà công chức phải cống hiến hết mình để nhận được đồng lương phù hợp với cống hiến, khi mà họ không còn khả năng để tham nhũng về thời gian và tiền bạc như hiện nay thì chắc chắn sẽ không còn nhiều người sẵn sàng trở thành công chức khiến cho bộ máy ngày một phình to ra. Khi đó việc phải trả lương cao cho những công chức thật sự sẽ không còn là vấn đề nan giải như hiện nay. Cải cách tiền lương vì thế phải bắt đầu từ chất lượng phục vụ của công chức. Chỉ có sự thay đổi về chất lượng lao động, năng lực quản lý của lực lượng công chức thì mới có thể dẫn đến những thay đổi đột phá về tiền lương mà không ảnh hưởng tới ngân sách. Đó là lời giải câu chuyện tiền lương công chức không còn loay hoay ở câu hỏi “có đủ sống hay không?”.

Trong định hướng cải cách tiền lương giai đoạn 2011-2020, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị tăng theo 2 phương án. Với phương án 1, quan hệ tiền lương tính theo mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng thì người tốt nghiệp đại học mới ra trường sẽ nhận được mức lương thấp nhất khoảng 2.656.000 đồng/tháng (3,2×830.000) và tối đa dành cho chuyên viên cao cấp bậc 3 là 12.450.000 đồng/tháng. Phương án 2, mức lương tối đa tương ứng của sinh viên tốt nghiệp đại học mới ra trường là 2.905.000 đồng/tháng và tối đa cho chuyên viên cao cấp bậc 3 là 12.450.000 đồng/tháng. Vậy thì các công chức trẻ này loay hoay với câu hỏi sẽ sống bằng gì? Lời đáp vẫn ở thì tương lai.

{lang: 'vi'}

Lê Trúc