GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng:

Con thuyền Petrovietnam vẫn phải ra khơi, lướt sóng

10:54 | 06/10/2017

2,424 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) đã hồi ức về những tháng ngày chèo lái con thuyền Petrovietnam vượt qua nhiều thử thách, vươn tới những thành công lớn. Và ông tin tưởng rằng, với truyền thống “người đi tìm lửa”, con thuyền Petrovietnam vẫn phải ra khơi, lướt sóng.
con thuyen petrovietnam van phai ra khoi luot song
Ông Hồ Sĩ Thoảng

1. Năm 1992, khi đang làm Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam kiêm Phân viện trưởng Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh thì tôi được Thủ tướng điều về làm Tổng giám đốc, rồi tiếp theo là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cho đến khi về hưu giữa năm 2000.

Với chuyên môn là hóa dầu, thiếu hiểu biết sâu về thăm dò, khai thác dầu khí nên có lẽ nhiều người cũng ái ngại cho tôi trên cương vị là người đứng đầu Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Nhưng sau mấy tháng làm việc, tôi đã thích nghi được với môi trường dầu khí, đặc biệt là hòa nhập được với mọi người, thiết lập được mối quan hệ công việc hết sức hiệu quả. Có thể nói, tôi đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác rất chân tình của các đồng nghiệp xung quanh mình. Tôi có thể khẳng định, đó là một tập thể rất đoàn kết, thân ái, cán bộ chủ chốt là những người rất giỏi dang cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Petrovietnam (lúc đó chỉ gọi tắt là PV) là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam mà trong tất cả các cuộc tiếp xúc với đối tác nước ngoài đều giao dịch, đàm phán hoàn toàn bằng tiếng Anh, không thông qua phiên dịch.

Thời điểm tôi chuyển về Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam chỉ có một đơn vị đang hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (sau này đổi tên thành Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), hai Công ty PV1 và PV2 chỉ làm nhiệm vụ giám sát các nhà thầu thực hiện hợp đồng phân chia sản phẩm PSC. Đặc biệt, Công ty Dầu khí I Thái Bình là cái nôi của ngành Dầu khí nước nhà nhưng cũng là đơn vị khó khăn nhất trong ngành, bởi vì hầu như tất cả cán bộ khỏe mạnh, trẻ trung đều đã được điều chuyển vào Vietsovpetro cả rồi trong khi công ty chỉ quản lý mỏ khí Tiền Hải nho nhỏ với sản lượng vài chục triệu mét khối/năm.

Công nghiệp dầu khí là một ngành kinh tế rất đặc thù bởi vì rủi ro rất cao, phải đầu tư mạo hiểm. Thực tế là trong tìm dầu thì khoan thăm dò 10 giếng may ra thành công 2-3 giếng, thất bại 7-8 giếng là chuyện thường.

Để chia sẻ khó khăn, Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) là đơn vị đầu tiên tìm cách chia việc cho Công ty Dầu khí I Thái Bình. Tiếp sau đó, anh Nguyễn Xuân Nhậm - Giám đốc PTSC - đề nghị với PV cho sáp nhập Công ty Dầu khí I Thái Bình vào PTSC để giúp đơn vị này vượt qua khó khăn. Qua đó thấy rằng, đây là thời kỳ các đơn vị trong Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam rất đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Tôi còn nhớ, đề xuất đầu tiên của lãnh đạo Công đoàn Dầu khí với tôi là đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ những người dầu khí về hưu. Thật là sáng kiến rất hay. Đó là những con người bao nhiêu năm vất vả “đi tìm lửa” mà phần lớn là về hưu trước khi nhìn thấy dầu (năm 1986 ở Vietsovpetro) hoặc khi đất nước mới khai thác được vài triệu tấn dầu/năm; lương thấp nên khi về hưu nghèo lắm.

2. Sau khi Hiệp định dầu khí Việt - Xô được sửa đổi vào năm 1991, 1992 là năm rất được mùa các hợp đồng PSC với hàng loạt công ty dầu khí quốc tế. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam phải tiến hành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, trước hết là trong lĩnh vực hoạt động thăm dò khai thác và sau đó là các đơn vị làm dịch vụ dầu khí.

Thực trạng lúc đó là, hai công ty PV1 ở phía Bắc và PV2 ở phía Nam đều làm nhiệm vụ giám sát nhà thầu, nhưng PV1 có rất ít nhà thầu, trong khi PV2 ở phía Nam lại giám sát rất nhiều nhà thầu, tạo ra bất hợp lý và “thiếu công bằng”. Chính vì vậy, cùng với Dự án Đại Hùng đang được đánh giá sẽ rất lớn, ban lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam quyết định dồn hết chức năng giám sát nhà thầu cho một công ty là Công ty Giám sát nhà thầu PVSC được thành lập trên cơ sở PV1, còn PV2 thì chuyển thành Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) làm nhiệm vụ giám sát và tham gia cùng với các nhà thầu nước ngoài (PV có 15% cổ phần) trực tiếp thực hiện công việc thăm dò khai thác mỏ Đại Hùng (công ty này cùng với PVSC là tiền thân của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP hiện nay).

con thuyen petrovietnam van phai ra khoi luot song
Hoạt động xuất dầu thô của PVOIL

Lĩnh vực dịch vụ dầu khí, nhất là dịch vụ kỹ thuật, lúc đó chúng ta còn rất yếu. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam phải đẩy mạnh hoạt động này, không thể chỉ giao hết dịch vụ kỹ thuật cho các công ty nước ngoài mãi được. Chúng tôi quyết định sáp nhập hai công ty dịch vụ ở phía Nam là PSC và ở phía bắc là GPTS thành Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) chuyên làm dịch vụ kỹ thuật, còn dịch vụ thông thường thì thành lập một công ty khác để đảm nhiệm. Công ty này là tiền thân của Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO) hiện nay đang làm ăn rất tốt, còn PTSC đã trở thành Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sánh ngang vai với các công ty quốc tế khác.

Đây cũng là giai đoạn Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam thành lập Công ty Thương mại Dầu khí PVTC, sau đổi tên thành Petechim. Rồi sau nữa, Petechim kết hợp với Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PVPDC) thành PVOIL với chức năng chính là hoạt động chế biến, mua và bán dầu thô, sản phẩm dầu và trang thiết bị dầu khí. Thời điểm đó, PVPDC thành lập là để lo chuyện xây dựng nhà máy lọc dầu, về sau Ban Quản lý Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thành lập riêng, rồi sau này nữa, Dự án Lọc - hóa dầu Nghi Sơn cũng có ban quản lý riêng trực thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghiệp khí, thời gian đó cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ Công ty Vietgas chủ yếu lo đàm phán về dự án đưa khí Bạch Hổ vào bờ, các hoạt động của Công ty PV Gas và Ban Quản lý Dự án khí đã hết sức cấp tập và kết quả là năm 1995, chúng ta đã có dòng khí đầu tiên đưa vào bờ phục vụ cho việc vận hành các nhà máy điện ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lĩnh vực bảo hiểm dầu khí chúng tôi cũng rất quan tâm và đã sớm có quyết định thành lập Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI), bây giờ đã trở thành Tổng Công ty Bảo hiểm rất mạnh. Rồi thành lập Trung tâm An toàn và môi trường dầu khí. Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, công ty tài chính dầu khí được thành lập.

Ở “tổng hành dinh” Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, việc sắp xếp lại các phòng (sau này gọi là ban) cho phù hợp với yêu cầu công việc cũng được tiến hành. Trên cơ sở Phòng Khoa học - Kỹ thuật đã thành lập các phòng có chức năng riêng biệt là Phòng Khoa học và Công nghệ, Phòng Thăm dò Khai thác, Phòng Chế biến Dầu khí. Chúng tôi cũng tách Phòng Tài chính - Kế toán thành hai: Phòng Tài chính và Phòng Kế toán. Thành lập mới Phòng Thẩm định để giúp lãnh đạo tổng công ty trong việc phản biện các đề xuất đối với lãnh đạo.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, Petrovietnam trong quá trình phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó cái khó lớn nhất là chưa có được một cơ chế quản lý điều hành phù hợp với chức năng và sứ mệnh của Petrovietnam.

Sau khi tôi về hưu, cơ cấu tổ chức của Petrovietnam còn nhiều biến động, nhưng bây giờ nhìn lại có thể khẳng định, những thay đổi về cơ cấu tổ chức của PV, cả ở cơ quan đầu não lẫn ở các đơn vị, lúc đó là rất hợp lý và hợp thời. Sau khi tôi nghỉ hưu, Petrovietnam mở rộng thêm một số lĩnh vực hoạt động và tăng nhanh về nhân lực, từ khoảng trên 15.000 người lên đến gần 60.000 người.

3. Nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng, Petrovietnam trong quá trình phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó cái khó lớn nhất là chưa có được một cơ chế quản lý điều hành phù hợp với chức năng và sứ mệnh của nó.

Cho đến nay Petrovietnam không được quản lý theo mô hình một doanh nghiệp thật sự, ví dụ như mô hình của Petronas (Malaysia) hay PTT (Thái Lan)… Đây là hai tập đoàn dầu khí nhà nước giống như Petrovietnam nhưng cách thức vận hành rất khác Petrovietnam. Nói một cách thẳng thắn là Petrovietnam chưa có quyền tự chủ thật sự nên rất khó, rất lúng túng trong công tác quản trị doanh nghiệp.

con thuyen petrovietnam van phai ra khoi luot song
Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển của PTSC

Tôi nhớ khi Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư và thu xếp vốn để làm đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Bà Rịa, ngay từ đầu chúng tôi cần ngay khoảng 30 triệu USD, chưa biết chạy ở đâu. Do có quan hệ thân thiết, tôi liên hệ ngay với lãnh đạo Tập đoàn Petronas đề nghị hỗ trợ. Đích thân anh Hasan Marican, Phó tổng giám đốc Tài chính Petronas (về sau là Tổng giám đốc), bay sang Hà Nội ngay.

Sau khi tôi đặt vấn đề, anh nói ngay: “Chúng tôi không phải là công ty tài chính nên không thể cho các anh vay được. Nhưng tôi có sáng kiến để PV vẫn “vay” được tiền của Petronas mà không phạm luật, đó là anh ký giấy sẽ bán dầu Đại Hùng (lúc đó chưa khai thác) cho tôi, tôi tạm ứng tiền cho anh, đến khi mỏ Đại Hùng đi vào khai thác (cuối 1994), anh gửi thư cho tôi xin lỗi vì thiếu dầu nên không bán cho tôi được và xin hoàn lại tiền tạm ứng, lãi suất sẽ là Libor + 0%”.

Như vậy, chỉ 5 phút chúng tôi thỏa thuận xong việc PV “vay” 30 triệu USD của Petronas với lãi suất không thể tốt hơn được nữa. Thế nhưng, về phía ta, hình như hơn cả tháng trời, PV mới được phép thực hiện việc vay tiền đó. Nói chung, chúng tôi rất thụ động, quyền tự chủ quá eo hẹp, không thể so sánh với các tập đoàn dầu khí nhà nước khác được.

Thực tế, có thể nói, Petrovietnam không phải là một doanh nghiệp nhà nước mà chỉ là một tổ chức làm kinh tế của nhà nước, nên rất nhiều bất cập trong công tác quản trị và điều hành, không có quyền tự chủ, tự quyết, nên để mất và chậm nhiều cơ hội. Nhưng có lẽ đây cũng là cái khó chung của tất cả các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chứ không riêng gì Petrovietnam, mặc dù cũng phải thấy Petrovietnam là doanh nghiệp đặc thù.

Công nghiệp dầu khí là một ngành kinh tế rất đặc thù bởi vì rủi ro rất cao, phải đầu tư mạo hiểm. Thực tế là trong tìm dầu thì khoan thăm dò 10 giếng may ra thành công 2-3 giếng, thất bại 7-8 giếng là chuyện thường. Minh chứng là Shell, một tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới với hàng trăm năm kinh nghiệm, vẫn chịu thất bại ở Việt Nam sau khi khoan mấy giếng ở lô số 10, tốn trên trăm triệu USD chẳng tìm thấy gì, phải bỏ hợp đồng. Chi phí cho giếng khoan thường khá cao, rủi ro nhiều, các công ty dầu khí đôi khi phải chịu lỗ tạm thời, trong khi Nhà nước yêu cầu khi nào cũng phải có lãi, thậm chí còn đòi hỏi lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước. Với yêu cầu phải nộp phần lớn lợi nhuận về Nhà nước, nên cho đến nay Petrovietnam vẫn chưa được thành lập Quỹ Thăm dò khai thác. Đây là điều mà các thế hệ lãnh đạo dầu khí đã trăn trở, kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được sự chấp thuận.

Đương nhiên, cùng với việc tăng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, Nhà nước phải có cơ chế và công cụ giám sát chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả để tự chủ mà không lạm quyền dẫn đến thất thoát, tham nhũng.

con thuyen petrovietnam van phai ra khoi luot song
Giàn khoan tự nâng PV DRILLING III

Giá dầu hiện nay thấp nhưng hình như đang ổn định và cũng có thể lên dần. Đã có thời kỳ những năm 1989-1990, giá dầu xuống chỉ còn 9 -10USD/thùng, lượng dầu tồn đọng rất lớn. Trong bối cảnh ấy, bán được dầu cũng là một vấn đề khá khó khăn vì người mua có nhiều lựa chọn. Tất nhiên thời giá lúc đó khác bây giờ.

Thử thách đối với Petrovietnam hiện nay là rất lớn và khá phức tạp. Về tác động của khách quan, PVEP, Vietsovpetro, các đơn vị làm dịch vụ kỹ thuật như PTSC, Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling)… bị ảnh hưởng nặng nhất; các đơn vị khác ảnh hưởng ít hơn nhưng cũng không phải nhỏ.

Nhưng khó khăn cũng đồng thời là cơ hội để Petrovietnam vươn lên tự khẳng định mình. Không khó khăn nào giống khó khăn nào, không thử thách nào giống thử thách nào, nhưng để đối phó với khó khăn và thử thách thì chỉ có cách là phấn đấu kiên cường, phát huy sáng tạo, trên dưới một lòng, nội bộ đoàn kết và hợp tác tốt. Nhưng rồi khó khăn chắc cũng qua đi, phải tìm giải pháp thích nghi để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này và phát triển mạnh khi giá dầu phục hồi. Còn những dự án lỗ/trùm mền lâu ngày phải xử lý dứt điểm, quyết liệt, không dây dưa kéo dài. Và, Petrovietnam muốn phát triển mạnh, muốn vươn lên theo kịp các tập đoàn dầu khí trong khu vực thì phải tăng tự chủ, tự quyết.

Thiên Thanh (ghi)

DMCA.com Protection Status