Con bệnh châu Âu lại “co giật”

09:07 | 04/10/2012

533 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lại một loạt các cuộc biểu tình biến thành bạo động đang nổ ra ở nhiều nước châu Âu do các chính sách thắt chặt chi tiêu. Liệu châu Âu có thể tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu đã kéo dài gần 3 năm qua? Những diễn biến hiện tại phần nhiều cho ta câu trả lời phủ định.

Trong một diễn biến mới nhất, sau nhiều tháng “câu giờ” cuối cùng ngày 27/9, trước sức ép của thị trường tài chính và của EU, Chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, đã thông báo ngân sách chi tiêu cho năm 2013 kèm với những biện pháp khắc khổ trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ của dân chúng đang lên cao. Trong khi đó tại Hy Lạp, tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro, hôm 26/9 tại thủ đô Athens và nhiều thành phố lớn khác trong nước, hàng trăm nghìn người một lần nữa tiến hành cuộc tổng đình công và xuống đường phản đối chính sách khắc khổ đã được các nhà tài trợ áp đặt cho Hy Lạp từ nhiều tháng nay. Ðây là cuộc đình công đầu tiên kể từ khi chính quyền bảo thủ của Thủ tướng Antonis Samaras lên cầm quyền hồi tháng 6 vừa qua.

Dân Hy Lạp biểu tình trước Quốc hội phản đối chính sách khắc khổ ngày 27/9

Cuộc biểu tình hôm 26/9 ở Hy Lạp diễn ra trong lúc ngày càng có nhiều phản ứng chống đối ở khắp các quốc gia tại vùng Nam châu Âu về các chính sách khắc khổ phải thi hành để giải quyết tình trạng nợ công trầm trọng và cũng để được cho vay tiền nhằm tránh phải tuyên bố vỡ nợ.

Vào đầu tháng 6/2012, lãnh đạo các nước trong khối euro đã thảo luận về những đề nghị cứu nguy đồng tiền chung của 17 quốc gia và hậu quả cho cả hệ thống EU gồm 27 quốc gia. Giải pháp cứu nguy được bàn cãi gồm ba phần chính: một là, vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB); hai là, Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSM), quỹ cứu trợ các nước trong khu vực đồng euro nhằm cung cấp các khoản vay cho những nước đang gặp khó khăn và ba là, kế hoạch thống nhất các ngân hàng.

Trong ba tháng qua, hai quốc gia bị áp lực nặng nhất của thị trường là Italia và Tây Ban Nha đã yêu cầu hai việc. Thứ nhất, ngân hàng ECB tiếp tục bỏ tiền ra mua lại trái phiếu để làm hạ lãi suất. Khi phải áp dụng biện pháp cải cách, nước nào cũng cần sự ổn định của thị trường và rất sợ tình trạng lãi suất tăng vọt. Thứ hai, cơ chế ổn định tài chính EFSM được quyền vay ngân hàng ECB để nâng cao định mức của quỹ bình ổn tài chính. Lý do yêu cầu là phải cho EFSM tài nguyên để chuộc nợ cho các nước lâm nạn.

Cả hai yêu cầu đó của hai quốc gia ở miền Nam đều gặp trở ngại, vì vậy mới có nguy cơ tái phát khủng hoảng. Trở ngại thứ nhất, cơ chế EFSM chỉ mua trái phiếu từ các nước trong khối euro sau khi quốc gia lâm nạn yêu cầu được cứu giúp và chấp nhận một số điều kiện về chấn chỉnh chi thu. Cho đến nay, các nước chưa hề có thỏa thuận nào về các điều kiện ấy. Trở ngại thứ hai lại còn rắc rối hơn vì thuộc về pháp chế. Khối euro gồm 17 nước nằm trong Liên minh châu Âu gồm có 27 nước. Nếu cho cơ chế EFSM thẩm quyền vay tiền ngân hàng để lập quỹ bình ổn nhằm cấp cứu đồng euro và từng nước lâm nạn thì người ta đi ngược các hiệp ước của EU. Các hiệp ước này quy định rằng ngân hàng không có quyền cho chính phủ vay tiền. Diễn giải cho dễ hiểu là vòng luẩn quẩn của khối euro lại bị xoắn vào một mâu thuẫn về pháp lý giữa chuyện vay mượn và cơ chế EU.

Câu chuyện còn rắc rối hơn nữa vì mâu thuẫn về quan điểm giữa các nước lâm nạn, đa số ở miền Nam, với các nước vững mạnh hơn, thuộc “cốt lõi châu Âu”, đa số ở miền Bắc và quy tụ xung quanh Ðức. Người dân các nước cốt lõi châu Âu đã thấm mệt, không muốn chính quyền của họ châm thêm tiền cứu giúp các nước miền Nam. Khủng hoảng khu vực euro gây rạn nứt trong cơ chế EU là vì lẽ đó.

Trong lúc đó, hai quốc gia trụ cột của khối EU là Pháp - Ðức lại mâu thuẫn. Tổng thống Pháp và Thủ tướng Ðức Angela Merkel có hai chiến lược trái chiều về cách cứu nguy khối euro. Pháp chủ trương việc ngân hàng ECB phải can thiệp (mua trái phiếu để hạ lãi suất), chính quyền phải tăng chi ngân sách, dân chúng phải tiêu xài mạnh hơn để nâng mức tăng trưởng kinh tế và chính quyền phải can thiệp để hợp nhất hóa hệ thống ngân hàng. Trong khi đó bà Merkel lại chủ trương bảo vệ sức xuất khẩu của kinh tế Ðức. Lý do của chiến lược này là Ðức sẽ è cổ gánh vác vụ tăng chi và cấp cứu trong khi dân chúng đã quá mệt mỏi và không còn muốn hỗ trợ chính quyền trong việc cứu nguy khối euro. Quan trọng nhất, Ðức yêu cầu các nước tiến xa hơn đến mục tiêu thống nhất chính sách kinh tế, theo kỷ luật của Ðức, chứ không thể tăng chi quá mạnh như chủ trương của Pháp.

Trong thời gian tới, quốc hội các nước, quan trọng nhất là Pháp và Ðức, phải phê chuẩn thỏa ước cải cách ngân sách - với mức tối đa của bội chi ngân sách là 3%. Sau đó, thỏa ước sẽ thành luật và là cơ sở cho việc cải cách chi thu trong năm 2013. Yêu cầu đó của Ðức được các nước ký kết từ đầu năm nay, nhưng gây tranh luận rất mạnh trong quốc hội của các nước khi tiến vào giai đoạn phê chuẩn. Nếu mâu thuẫn Pháp - Ðức không thể hóa giải thì EU cũng tiêu vong.

Sau thượng đỉnh EU hồi tháng 6, đến nay các thành viên chưa tiến triển gì trong việc giải quyết khủng hoảng. Họ cũng chưa dung hòa nổi quan điểm khác biệt giữa các nước lâm nạn ở vòng ngoài với các nước thuộc loại cốt lõi vững mạnh ở bên trong. Bên cạnh đó, từng nước lại có thêm mâu thuẫn giữa các xu hướng chính trị trong nội bộ về cách giải quyết khủng hoảng và về tương lai của khối euro.

S. Phương