AI với vũ khí tự hành

Cơn ác mộng của tương lai gần

07:20 | 05/02/2019

994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giữa tháng 7-2018, 2.400 nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) ở 36 quốc gia đã ký tên vào một lá thư ngỏ kêu gọi cấm áp dụng AI vào việc sản xuất các loại vũ khí tự hành có khả năng sát thương cao.

Động thái này xuất hiện trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về AI diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển.

con ac mong cua tuong lai gan

Lá thư khẳng định việc sử dụng AI trong sản xuất vũ khí là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi đồng tình với nhau rằng quyết định tước đi một mạng sống con người không bao giờ nên được trao cho một cỗ máy. Các cỗ máy có thể tư duy và tự hành động sẽ tạo ra đủ loại kịch bản đáng sợ, nhất là khi kết hợp với công nghệ nhận dạng gương mặt, công nghệ giám sát và kho dữ liệu cá nhân khổng lồ. Chúng tôi muốn được đảm bảo rằng tác động chung của công nghệ (AI) mang tính tích cực và sẽ không dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang tồi tệ, hoặc một tương lai ảm đạm, trong đó robot bay đi khắp nơi để giết người” - Anthony Aguirre, giảng viên vật lý tại Đại học California-Santa Cruz, một trong những người ký vào thư ngỏ, cho biết.

Cho tới nay robot bay sát thủ và vũ khí tự hành với khả năng tự tư duy vẫn chỉ là sản phẩm của phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ xử lý hình ảnh đã khiến vũ khí tự hành trở nên gần với thực tế hơn bao giờ hết.

Điều đáng quan ngại là nhiều cường quốc đã coi việc đưa AI vào chế tạo vũ khí là hướng đi của tương lai. Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã công bố chiến lược quốc gia kêu gọi sự đầu tư lớn hơn vào AI.

con ac mong cua tuong lai gan
Robot Talon của quân đội Mỹ

Cho tới nay Mỹ vẫn được cho là quốc gia đang nắm lợi thế trong lĩnh vực nghiên cứu AI. Song Nga, Mỹ, Ấn Độ, Israel và nhiều nước khác cũng đang bắt kịp rất nhanh. Dù vũ khí tự hành, tự đưa ra quyết định chưa tồn tại, nhưng ít nhất 381 vũ khí và hệ thống robot có khả năng bán tự hành đã xuất hiện ở 12 quốc gia.

Hãy tưởng tượng một đàn máy bay không người lái mang theo bom đạn, tự hoạt động nhờ các thuật toán riêng và con người không thể can thiệp. Đó chính là cơn ác mộng thực sự.

Đơn cử, Mỹ đang thử nghiệm tàu săn ngầm tự hành Sea Hunter, vốn có thể hoạt động trên biển suốt nhiều tháng mà không có sự hiện diện của con người. Nó được trang bị lượng vũ khí cần thiết để đánh chìm các loại tàu ngầm và tàu chiến. Cùng lúc, Mỹ đang nghiên cứu chế tạo xe tăng tự hành Crusher với khả năng vượt qua mọi loại địa hình khó khăn và được quảng cáo có thể “giải quyết bất kỳ nhiệm vụ nào”.

Anh cũng đang ráo riết nghiên cứu công nghệ vũ khí tự hành, đã đầu tư rất nhiều vào các loại xe không người lái, vốn có thể gắn vũ khí trong tương lai. Ngoài ra Anh đang nghiên cứu máy bay không người lái Taranis với khả năng bay tự hành và chọc thủng lưới radar của đối phương.

Israel đã có một loại robot tự hành mang tên Harop. Đây là một robot bay với khả năng lượn lờ trên bầu trời khu vực cần tấn công trong một thời gian dài, tự xác định mục tiêu và sẽ tấn công khi con người ra lệnh.

Nga đang phát triển nhiều loại vũ khí tích hợp AI. Nga đã có một chiếc xe tăng robot mang tên Nerehta với khả năng mang theo súng máy hoặc súng phóng lựu. Chiếc xe tăng đời mới T-14 Armata hiện đã có khả năng bán tự hành và sẽ sớm trở thành vũ khí tự hành trong tương lai không xa. Tháng 7-2017, Công ty Kalashnikov - một nhà thầu lớn của Bộ Quốc phòng Nga - cho biết đang phát triển một loại súng có thể dùng mạng thần kinh để đưa ra các quyết định bắn hay không bắn mục tiêu mà chẳng cần sự can thiệp của con người.

con ac mong cua tuong lai gan
Robot bay không người lái mini Black Hornet trong quân đội Mỹ

Tính tới năm 2016, Trung Quốc đã thử nghiệm công nghệ tự hành ở cả trên không, trên bộ và trên biển...

Tháng 1-2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố đoạn video có cảnh 103 máy bay không người lái đang lướt đi trên bầu trời California. Không một con người nào đã trực tiếp điều khiển những thiết bị đó. Chúng được một thuật toán tiên tiến vẽ lộ trình bay, theo thời gian thực. Hãy tưởng tượng một đàn máy bay không người lái này mang theo bom đạn, tự hoạt động nhờ các thuật toán riêng và con người không thể can thiệp. Đó chính là cơn ác mộng thực sự.

con ac mong cua tuong lai gan
Robot MAARS đang được quân đội Mỹ nghiên cứu phát triển

Nhiều quốc gia trên thế giới đang ngấm ngầm đặt nền móng cho một cuộc chạy đua vũ trang liên quan tới việc sản xuất vũ khí tự hành. Một nghiên cứu của Công ty International Data Corporation cho thấy chi tiêu toàn cầu vào công nghệ robot sẽ tăng từ 91,5 tỉ USD năm 2016 lên 188 tỉ USD năm 2020, khiến viễn cảnh robot giết người tự hành trở thành một mối đe dọa lớn trong tương lai gần.

Trong khi đó, những quy định quản lý và luật lệ để giảm thiểu rủi ro, thậm chí ngăn ngừa thảm họa robot hủy diệt nhân loại vẫn chưa theo kịp. Một báo cáo hồi năm 2015, do Tổ chức Giám sát nhân quyền và Trường Luật Harvard phối hợp công bố, đã nói chi tiết về việc sự thiếu quy định quản lý trong hoạt động sản xuất vũ khí tự hành có thể gây ra tai họa khó lường. Theo họ, theo luật pháp hiện hành, các nhà lập trình, nhà sản xuất robot và quân nhân đều sẽ thoát khỏi trách nhiệm liên quan tới những cái chết do vũ khí tự hành gây ra trên chiến trường.

con ac mong cua tuong lai gan
Tàu săn ngầm tự hành Sea Hunter Mỹ, Ảnh:cnas.org)

Dĩ nhiên, AI cũng có thể được sử dụng để phục vụ cho các mục đích tốt đẹp. Facebook đã tuyên bố kế hoạch dùng AI để tìm và gỡ các nội dung khủng bố xuất hiện trên nền tảng này. Facebook sử dụng một công nghệ nhận dạng hình ảnh để xác định và ngăn chặn ảnh, video từ nhiều nhóm khủng bố xuất hiện lan tràn trên Facebook.

con ac mong cua tuong lai gan
UAV Tanis của quân đội Anh

Các nỗ lực chống khủng bố này sẽ sớm được mở rộng sang nhiều nền tảng khác mà Facebook đang sở hữu như WhatsApp và Instagram. Ngoài ra Facebook còn hợp tác với Twitter, Microsoft, YouTube... để tạo ra một cơ sở dữ liệu lớn, có thể ghi lại các dấu vân tay điện tử của tổ chức khủng bố, giúp việc chiến đấu với chúng trở nên dễ dàng hơn

con ac mong cua tuong lai gan
Xe tăng đời mới T-14 Armanta của Nga có khả năng tự hành
Chi tiêu toàn cầu vào công nghệ robot sẽ tăng từ 91,5 tỉ USD năm 2016 lên 188 tỉ USD năm 2020, khiến viễn cảnh robot giết người tự hành trở thành một mối đe dọa lớn trong tương lai gần.

Tường Linh