Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ sắp “hầu tòa”

09:55 | 12/03/2015

1,353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế giới chuẩn bị được chứng kiến “cuộc đụng độ” căng thẳng giữa nhà sưu tầm thông tin khổng lồ Wikipedia và “kẻ nghe lén” NSA - Cơ quan An Ninh Quốc gia Mỹ.

Tin nhap 20150311221850

Quỹ Wikimedia - tổ chức phi lợi nhuận điều hành bách khoa toàn thư Wikipedia cho biết các quyền riêng tư của người dùng đã và đang bị xâm phạm và họ sẽ tìm cách chấm dứt sự việc này thông qua một vụ kiện.

Ngày 10/3, Wikimedia đã đệ đơn lên Tòa án quận Maryland chống lại Cơ quan An ninh Quốc gia NSA và Sở Tư pháp Mỹ vì cho rằng các cơ quan này đã xâm phạm tới các quyền cơ bản của Wikimedia là quyền tự do ngôn luận và quyền ngăn cấm các tìm kiếm cũng như chiếm đoạt thông tin vô căn cứ.

Theo Wikimedia, NSA đang tung ra bán buôn một chương trình giám sát thông tin hàng loạt trên Internet, thuộc loại “Upstream surveillance”, tức là giám sát tất cả dữ liệu hạ tầng từ các nhà mạng.

Chương trình này được thực hiện theo Luật Trinh sát Tình báo Nước ngoài (FISA), cho phép NSA quyền gián điệp bất kỳ thông tin liên lạc nào ra nước ngoài,  kể cả việc đơn giản như gửi email cho người thân, bạn bè hay truy cập web. Trong khi hoạt động này còn đang vướng phải nhiều điều khó hiểu, vấn đề lớn và quan trọng hơn vào lúc này đó là NSA có thể giám sát tất cả người dân Mỹ để tìm hiểu xem họ đang trao đổi với ai.

Tuy nhiên, Wikimedia không hề đơn độc trong vụ kiện chính phủ này. Có đến 8 tổ chức đã tham gia trở thành Nguyên đơn cho vụ kiện, trong đó có Hiệp hội Dân quyền Hoa Kỳ, Tổ chức Giám sát Nhân quyền, Tổ chức Ân xá quốc tế và một số tổ chức về quyền con người khác. Giám đốc Cố vấn của Wikimedia - ông Geoff Brigham cho biết tổ chức đã làm việc, chuẩn bị cho vụ kiện này gần một năm trời.

Wikipedia là bách khoa toàn thư trực tuyến lớn nhất thế giới. Dịch vụ này là kết quả của sự cộng tác từ người đọc trên khắp thế giới. Tất cả mọi người đều có thể sửa chữa, bổ sung thông tin ở bất cứ trang nào. Trung bình có khoảng 500 triệu lượt người ghé trang Wikipedia mỗi tháng và ít nhất 75.000 người trên toàn cầu chỉnh sửa nội dung của website này.

“Wikipedia được thành lập dựa trên sự tự do ngôn luận, tự do trao đổi, yêu cầu thông tin”, theo Lila Tretikov - Giám đốc điều hành Wikimedia. “Bằng cách xâm phạm quyền riêng tư của người sử dụng của chúng tôi, NSA đang đe dọa tới sự tự do của trí tuệ con người - trung tâm của những sáng tạo, phát minh và tìm hiểu kiến thức”.

NSA trước đó cũng đã vướng vụ bê bối lớn khi bị cựu nhân viên Edward Snowden tiết lộ về chương trình giám sát, trong đó có cả nghe lén quan chức cấp cao nhiều quốc gia vào năm 2013. Khi thông tin trên được tiết lộ, nó đã tác động tới một số lượng không nhỏ các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ - những người phải hứng chịu tổn thất lớn sau khi nhiều khách hàng trở nên cảnh giác, cẩn trọng hơn khi hợp tác với chính phủ Mỹ. Theo Hiệp hội Dân quyền Hoa Kỳ, rất nhiều công ty đã phải bỏ ra những khoản chi phi lớn để bảo vệ thông tin từ chính chính phủ quốc gia họ.

 “Wikipedia là nguồn thông tin, kiến thức miễn phí lớn nhất thế giới và nó có được từ sự hợp tác của tất cả mọi người, bất cứ ai cũng có thể đóng góp cho trang thông tin này. Đó chính là minh chứng cho thấy chúng ta có thể nhận được những gì khi chúng ta cởi mở, mở cửa cho mọi khả năng và quẳng nỗi lo sợ ra đằng sau”.

Hà My (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc